Có một căn cứ của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam được xây dựng trên đất Hà Đông - Phú Ninh mà lâu nay ít người có dịp được biết đến. Đó là căn cứ Lâm Môn với chiến lũy Đá Rồng - Truông Mua.
Cuối tháng 10-1885, Sơn phòng Dương Yên thất thủ, ngày 13-12-1885, Hội chủ Nghĩa hội Trần Văn Dư hy sinh, Hội phó Nguyễn Duy Hiệu lên nắm quyền lãnh đạo, tiếp tục sự nghiệp Cần Vương chống Pháp, đồng thời xây dựng nhiều căn cứ, bố trí lực lượng nghĩa quân để chặn đánh, cản bước tiến của quân Pháp và Nam triều, xây dựng nhiều căn cứ chống Pháp trên đất Hà Đông.
Theo tài liệu lưu trữ và tham khảo gia phả tộc Hồ Chủ (Tú Hòa, Tam Dân, Phú Ninh), dựa vào địa thế hiểm trở, Nguyễn Duy Hiệu đề cử Tham biện Hồ Đức Học (còn gọi là Hồ Đức Phước), người làng Tú Hòa lúc đó giữ chức “Tán lý quân lương” của Nghĩa hội khẩn trương xây dựng căn cứ Suối Đá tại khu vực giáp ranh 3 xã Tam Dân (Phú Ninh), Tiên Lộc, Tiên Thọ (Tiên Phước). Sách Đại Nam thực lục ghi: “Ông Nguyễn Duy Hiệu biết cách dùng người, không câu nệ tầng lớp xuất thân, Hồ Học chỉ là một nông dân cũng nổi danh là chiến tướng...”. Nguyễn Duy Hiệu lại đề cử Trần Đạt người làng Tú Bình, xã Tam Vinh gần đó, khẩn trương xây dựng chiến lũy Đá Rồng nối liền từ Tú Bình qua Tài Thành, Ngọc Tú (Tam Dân) dài hơn 10km giáp đến chiến lũy Suối Đá.
Chiến lũy Đá Rồng - Truông Mua lấy Núi Thị làm nơi quan sát, thành lũy đắp bằng đá cao chừng 1,5m, rộng 1m được xây dựng bằng đá núi xếp chồng lên nhau trông rất tự nhiên, chạy dọc theo dãy núi Hòn An. Bờ lũy hình vòng cung ôm trọn quả đồi, kéo dài từ đỉnh đồi đến sát chân đồi. Phía Đông, bờ thành chạy dài theo hướng Bắc – Nam, từ bờ suối dưới chân Núi Thị theo hướng núi Dương Hố Bạch, nay còn lại hơn 150m. Phía Nam, bờ thành chạy theo hướng Đông - Tây, sát dòng suối, nay còn khoảng hơn 200m, tạo thành góc vuông.
Theo lời kể của người dân địa phương, trước đây bờ thành cao hơn 3m, trên thành xây dựng nhiều bệ đỡ để lắp đặt súng thần công và đặt các chòi quan sát, trong đó có chòi quan sát cao nhất được đặt trên đỉnh Núi Thị. Đứng trên bờ lũy phóng mắt nhìn ra xa quan sát cả một vùng đồng ruộng rộng lớn về hướng Đông Tú Bình, thuận lợi cho việc bày binh bố trận và phòng thủ nếu bị đối phương tấn công.
Súng thần công ở chiến lũy xưa được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam. (Ảnh: A.T) |
Đến tháng 3-1886, nhận lệnh của Hội chủ, các ông Trần Đạt, Hồ Đức Học, Trần Hoán (Tán tương quân vụ, người làng Chiên Đàn), Tôn Tường, Cử Duật cùng một số tướng lĩnh khác đem quân vào Quảng Ngãi phối hợp với cánh quân Cần vương Bình Định của Nguyễn Bá Loan hình thành gọng kìm tiêu diệt tên tay sai phản động nham hiểm và thâm độc Nguyễn Thân vốn là Tiễu phủ sứ Quảng Ngãi - Bình Định. Bị quân Nguyễn Thân phục kích bất ngờ tại Châu Ổ, Trị Bình và Bình Sơn (Quảng Ngãi), Trần Hoán cùng một số tướng lĩnh khác như Tôn Tường, Cử Duật tử trận tại chỗ, Nghĩa quân rút về cố thủ tại chiến lũy Đá Rồng và Suối Đá.
Do phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn lực lượng, vũ khí, lương thực..., sau một thời gian chống trả, cầm cự trước vũ lực của quân Pháp và sự xảo quyệt của Nguyễn Thân, Nghĩa quân tan rã, chiến lũy Đá Rồng và Suối Đá bị vỡ, Hồ Đức Học cùng hơn 100 nghĩa quân trên đường rút về căn cứ Nà Lầu bị phục kích tử thương tại Đèo Ươi (Dốc Miếu - Tiên Thọ - Tiên Phước) vào ngày 21-4-1887. Tướng quân Trần Đạt bị xử trảm tại Tú Bình, sau được nhân dân trong làng đem hài cốt về an táng tại quê nhà.
Năm 1985, tại khu vực này, nhân dân địa phương phát hiện được một khẩu súng thần công trong lúc rà tìm phế liệu. Hiện nay khẩu súng này đang được trưng bày tại Bảo tàng thành phố Tam Kỳ như là một minh chứng cho sự tồn tại của một căn cứ của Nghĩa hội Quảng Nam trên vùng đất Phú Ninh, góp phần chứng minh mốc son lịch sử hào hùng của nhân dân Quảng Nam nói chung, nhân dân Phú Ninh nói riêng trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương.
An Trường