.
CHUYỆN XƯA XỨ QUẢNG

Kể chuyện hò khoan

.

Là loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian phổ biến của người dân xứ Quảng, hò khoan có nhiều thể loại, trong đó, hấp dẫn nhất và để lại nhiều câu chuyện kể ly kỳ hơn cả là hát kiến tại, tức hát đối đáp tại chỗ, hay còn gọi là hát xạo.

Mô tả ảnh.

Tái hiện một đêm hát hò khoan đối đáp tại đình làng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: V.T.L)

Hát đối đáp, lúc có nhiều nhóm trong cùng một làng thi thố tài năng với nhau, nhưng thường là làng này hát đối đáp với làng kia, bên nào thua thì tức anh ách, tìm cách hát cho đối phương “bí”, không hát đối lại được. Mỗi vùng, mỗi địa phương lại lưu giữ những giai thoại khác nhau, làm phong phú thêm kho tàng văn học dân gian xứ Quảng.

Tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, có chuyện rằng hồi nửa đầu thế kỷ XX, “nam thanh” trong xã thường qua làm quen với “nữ tú” làng Trà Sơn. Cứ chiều tối, họ rủ nhau băng qua một ngọn núi cũng có tên Trà Sơn để đến làng Trà Sơn. Thế rồi, không biết ai bày biểu thế nào, trong một đêm hát hò khoan đối đáp nọ, có một cô gái ở Trà Sơn ra câu đố khá độc: “Hò… ơi!/ Chớ trai Trà Sơn gánh củi Trà Sơn/ Sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt/ Anh đối đặng rày nhật nguyệt giao cho/ Hố hợi là hò khoan…”.

Trong tiếng Hán, hai chữ “sơn” [??]viết chồng lên nhau thành ra chữ “xuất” [??]. Câu hát đố khó là khó chỗ đó. Nó bắt người giải phải tìm ra chữ tương ứng để đối lại. Mà, đối được, con gái Trà Sơn mới “…rày nhật nguyệt giao cho”, nghĩa là chấp nhận làm quen với trai xã Bình Nam. Nhưng đối được rõ ràng không phải là chuyện dễ. Dĩ nhiên, đám thanh niên Bình Nam thua. Đã thua, họ tức lắm. Mà thua “mưu” đàn bà con gái thì ra thể thống gì, ăn nói làm sao, rồi tán tỉnh sao được?

Quyết chí “phục hận”, họ nhờ “quân sư” là ông Bảy, thầy dạy chữ Hán trong làng, học giỏi, thành thạo hát đối đáp. Tối hôm sau, họ “cõng” thầy đến làng Trà Sơn để thầy mách nước. Cũng may, mấy cô gái kia hát lại câu cũ nên thầy dễ dàng ghé tai mách nước với đám thanh niên Bình Nam. Một anh thanh niên Bình Nam hát hay nhất cất giọng: “Hò… ơi!/ Gái ba nguyệt dạo chơi ba nguyệt/ Nguyệt nguyệt bằng quỷ khốc thần sầu/ Anh đà đối đặng thì thiếp mau làm dâu nhà chàng/ Hố hợi là hò khoan”.

Câu đối quá hay, mọi người vỗ tay rầm rầm. Thì ra, để đối lại câu “Sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt”, ông thầy Bảy liền ứng câu “Nguyệt nguyệt bằng quỷ khốc thần sầu”. Trong chữ Hán, hai chữ “nguyệt” [??]viết liền kề nhau thành ra chữ “bằng” [??], có nghĩa là bằng hữu. Đám trai làng Bình Nam hỉ hả vì đối được vế đối của con gái làng Trà Sơn.

Lại có chuyện kể ở làng nọ, có đám thanh niên qua hát hò khoan với nhóm nữ làng kia. Thấy nhiều anh em trêu ghẹo mình thái quá, một cô gái muốn “dạy” cho đám thanh niên một… bài học, mới cất tiếng hát: “Hò… ơi!/ Thân em như bộ lư đồng đỏ bên Tàu/ Chở qua Nam Việt lựa nhà giàu bán chơi. Hố hợi là hò khoan”.

Câu ra đối này ngó thì đơn giản nhưng khá hiểm hóc. Xưa, đồ đồng như nồi đồng, mâm đồng và đặc biệt lư đồng, nhất là lư đồng bên Tàu đem sang rất quý. Nhà giàu có, dư ăn dư để mới sắm nổi. Còn dân thường chủ yếu dùng nồi đất là chính. Người nữ ví mình như “lư đồng đỏ bên Tàu” là có ý đề cao mình, cho mình cao sang, đám trai làng không dễ gì “tán tỉnh” nổi đâu.

May mà trong số đó, có một anh lém lỉnh đối lại được: “Hò… ơi!/ Thân anh như thằng ăn trộm cắt rào/ Đụng lê anh cũng bẻ, gặp đào anh cũng quơ/ Anh đánh ngạch vô thấu bàn thờ/ Trước anh quơ đồ lặt vặt sau anh rờ bộ lư/ Hố hợi là hò khoan”. Đối lại như thế thì bên nữ chỉ còn nước… đỏ mặt!

Một câu chuyện khác cũng không kém phần lý thú. Chuyện rằng thấy đám trai làng bên cứ qua tán hoài, nhóm nữ làng nọ không ưa, liền mượn câu hát để “tống khứ” khéo: “Hò… ơi!/ Anh ra làm chi mỗi tháng mỗi ra/ Anh ra một lượt cực em ba bốn ngày. Hố hợi là hò khoan”.

Phụ nữ mỗi tháng có “sự cố” một lần, rất mệt. Chuyện thực là thế, nhưng, cái “độc” ở đây là chị em mượn sự việc đó để ám chỉ rằng mấy anh đến chơi làm phiền tụi tui quá, giống như mỗi tháng tui “bị” một lần, mệt muốn chết. Quả thật, nhóm nữ làng nọ không phải tay vừa, coi mấy anh em nhà ta chẳng ra gì. Mà có ai lại ví von ác mồm ác miệng như thế chứ?

Tưởng đám thanh niên thua một bàn trắng. Nhưng không, bỗng có một thanh niên đứng lên, dõng dạc đối lại: “Hò… ơi!/ Tam Kỳ, Đại Lộc, Phú Yên, Khánh Hòa/ Chốn kinh kỳ là chốn nhạc gia qua ở thường/ Không đi thì ổng nhớ bả thương/ Còn phận anh là rể xa đường quản chi/ Đi thời phải sắm lễ nghi/ Có lần ổng trả có kỳ ổng ăn luôn/ Không đi cha ổng nghỉ, mẹ ổng buồn/ Ổng có ra thăm cháu em nhớ chống chiếc xuồng cho cha vô/ Cha vô năm ba bữa cha buồn/ Ổng có trở về nhạc mẫu, em nhớ chống chiếc xuồng cho ổng ra/ Hố hợi là hò khoan”.

Đến nước này, dĩ nhiên, nhóm nữ cũng đành… thua!

Phạm Hữu Đăng Đạt

;
.
.
.
.
.