Tranh của họ, đôi khi chỉ là một nét vẽ chạy ngoằn ngoèo trên nền giấy trắng, có khi là hình một con vật với đầu người, mình rắn hoặc những con bướm với đôi cánh của các loài chim… Phải chăng, có một thế giới khác đầy trắc ẩn đang tồn tại trong tâm hồn họ-những người không may mắc chứng bệnh tâm thần. Đời sống khác trong tranh Ẩn sâu trong con người điên loạn, bệnh nhân Lương Thạnh Cường vẫn mang một niềm khát khao được vẽ. “Đối với tôi vẽ tranh, làm thơ có tác dụng chữa bệnh và giải tỏa stress”, bệnh nhân (BN) Lê Thanh Phiên, 124 Lê Độ, Đà Nẵng giải thích về việc suốt ngày chỉ thích ngồi vẽ tranh như thế. Hầu như ngày nào ông Phiên cũng đến phòng sinh hoạt tại khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Tâm thần (BVTT) Đà Nẵng để viết, vẽ. Chỉ vào bức tranh vẽ khuôn mặt người thiếu nữ với những giọt lệ chảy dài trên má, ông Phiên nói: “Bức tranh này tôi đặt tên là “Khóc cho nỗi đau người bị tâm thần”, cô thấy có được không?”. Chưa kịp nghe câu trả lời, ông đã tiếp: “Cái này tôi vẽ về mối tình đầu của tôi đấy. Hôm rồi vào viện thăm, thấy tôi như thế này, cô ấy đã khóc”. Không biết “mối tình đầu” ông kể là thật hay chỉ là do ông tưởng tượng ra, bởi nếu như ông không khoác lên mình bộ quần áo dành cho BN, có lẽ tôi đã không nhận ra người đàn ông có nụ cười hiền lành đang ngồi trước tôi là một BN tâm thần đang trải qua những ngày dài chữa trị. Với BN Lương Thạnh Cường, 46 tuổi, quê Hội An, lại là một trường hợp khác. Cách đây gần 20 năm, anh từng là một thợ vẽ tranh kỳ cựu tại phố cổ. Nhưng rồi, số phận đã không mỉm cười với gia đình anh, khi lần lượt mẹ rồi các anh, chị em trong gia đình đều có những biểu hiện rối loạn tâm thần. Sau mỗi cuộc nhậu, anh lại trần truồng chạy trên đường, gặp bất cứ ai cũng chọc ghẹo, chửi bới. Không chịu được cảnh này, cha anh đã gửi anh vào Trung tâm Điều dưỡng BN Tâm thần Đà Nẵng, nơi chuyên điều trị và nuôi dưỡng, chăm sóc những BN tâm thần mãn tính. Dù bệnh tật, nhưng ẩn sâu trong con người điên loạn, anh Cường vẫn mang một niềm khát khao được vẽ. Có lần, được các y, bác sĩ trung tâm nhờ vẽ chân dung Bác Hồ lên tường, anh đã lấy giấy đốt thành tro, trộn với kem đánh răng để làm chất liệu. Khi bức chân dung hoàn thành, tất cả cán bộ, nhân viên tại trung tâm ai cũng trầm trồ khen ngợi. Nói như vậy không có nghĩa là BN nào cũng biết vẽ, biết làm thơ. Bởi hàng trăm bức tranh vẽ trên giấy A4 được treo tại phòng sinh hoạt BVTT được hình thành dưới nét vẽ ngây ngô và không mang một nội dung cụ thể nào. Chị Võ Thị Thành, Điều dưỡng viên, phụ trách phòng sinh hoạt cho biết: “Khi vào đây, phần lớn BN đã mất hết nhận thức với thế giới con người. Phần lớn tranh vẽ là sự chắp vá những ký ức không lành lặn. Đôi khi họ nói với tôi là sẽ vẽ con cá nhưng lại vẽ hình con chim”. Ngoài mục đích “vẽ cho vui”, việc vẽ tranh đối với các BN không chỉ mang ý nghĩa giải tỏa về tâm lý mà còn có tác dụng chữa bệnh tích cực. Theo bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, Phó Giám đốc BVTT, qua hình vẽ, người bệnh vô tình nói lên những suy nghĩ, ước mơ, giúp họ phục hồi cảm xúc, khơi dậy kỷ niệm ngày thơ ấu. Dần dần, BN tìm được niềm vui trong cuộc sống hiện tại và từ bỏ ý định tự tử. Qua theo dõi, nhiều BN sau khi được vẽ đã rất hòa đồng với người xung quanh, rút ngắn thời gian nằm viện.
Viết nhật ký từ thế giới người điên Sự xuất hiện của những nhạc công - bệnh nhân tại Trung tâm Điều dưỡng bệnh nhân tâm thần Đà Nẵng đã mang lại những giây phút thư giãn cho bệnh nhân tại đây. (Ảnh: V.T.L) Trong ký ức của bác sĩ Lê Đình Đại, BVTT luôn hiện hữu kỷ niệm lần đầu gặp nhà thơ Bùi Giáng. Để rồi, ông mang niềm trăn trở ấy vào bài viết “Thình lình gặp Bùi Giáng”, được đăng ở Tạp chí Đất Quảng và báo Người Lao động năm 1992. Trong đó có đoạn: “Cái bánh bao còn sót lại đêm qua mèo tha rớt xuống đất, kiến bu lủ khủ, ông (Bùi Giáng) cúi người lượm lên, phủi phủi vừa ăn vừa nói: Chà bậy quá, chút nữa là con chi ăn mất rồi”. Bài viết như một niềm xót thương nhà thơ tài hoa, có những biểu hiện “hơi điên loạn” là Bùi Giáng. Trong những tháng năm công tác tại BVTT, bác sĩ Đại lại có dịp tiếp xúc với “Một người điên làm thơ” là Nguyễn Lương Nhựt, quê ở Quán Rường, Tam An, Quảng Nam với những vần thơ thật cảm động như: “Khôn lớn rồi đừng trách ba nhé con/Suốt một đời ba gần như điên loạn/Chỉ để lại cho con trong sáng tâm hồn”, hay hình ảnh người điên thương xót số phận chính mình: “Chúng tôi đấy! Điên-luồn trôn-ở lỗ/Giữa chợ đời lượm đồ bỏ, dùng ngay/Có thể đó là đồ ăn ruồi bọ/Của côn trùng tranh sống đón tương lai”… Công tác tại BVTT từ năm 1987, bác sĩ Đại thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, nhìn thấy những biểu hiện “không bình thường” của họ. Những biểu hiện, hình ảnh ấy được ông góp nhặt vào các tác phẩm của mình như chùm truyện ngắn “Gió từ bàn tay mở”, bút ký “Đây thế giới bệnh tâm thần”, “Bệnh tâm thần, quá khứ, hiện tại, tương lai”, “Dòng sông trong mắt ai”, “Trên suối tóc còn xanh”... Ông khẳng định: “Đó là những câu chuyện hoàn toàn có thật trong “thế giới của người điên”. Những câu chuyện hoàn toàn xa lạ với một người có cuộc sống bình thường, không điên loạn”. Cũng tại đây, tôi đã gặp điều dưỡng viên Võ Hữu Nghị, Khoa Phục hồi chức năng. Sau nhiều năm, ông Nghị đã kịp ghi lại “99 câu chuyện” và “99 câu thơ” về những người điên mà ông có dịp gần gũi, chăm sóc. Lật giở những trang sổ tay đã úa vàng, ông Nghị xúc động nói: “Những ngày làm việc ở đây, tôi bắt gặp những hành vi ngoài sức tưởng tượng của mình như người bệnh ăn thịt sống, cá sống, bóc da mình ra ăn... Khi viết, tôi viết người thật việc thật nên chỉ viết để giải tỏa, cảm thông chứ không thể phổ biến rộng rãi vì những lý do hết sức tế nhị”. Có lẽ, bởi viết thật, nên kể cả cách đặt tên cho mỗi truyện ngắn, ông cũng không cần trau chuốt, ví như “Ăn hốt”, “Treo cổ”, “Đào mộ”, “Bắt nhầm”, “Tưởng ghen”... Được xem, được đọc những tác phẩm văn thơ, hội họa của “những người điên”, tôi chợt nhận ra rằng, dường như trong họ có một thế giới khác, một thế giới siêu hình pha lẫn chút mơ hồ của những tâm hồn cô độc. Họ vui đó rồi buồn đó. Tỉnh đó rồi điên loạn đó. Và có lẽ, cũng do môi trường làm việc hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, những y, bác sĩ công tác tại đây cũng tìm cho mình một cách giải tỏa tâm lý bằng việc ghi chép lại những câu chuyện có thật đã và đang xảy ra. Nói như ông Nghị, đó là một cách viết nhật ký, nhưng điều đặc biệt là những cuốn nhật ký này không phải viết cho mình, mà viết cho những con người điên loạn. Bởi ở họ, có một thế giới khác mà mỗi người cần biết, cần chia sẻ và cảm thông. Tiểu Yến
.
.
Có một thế giới khác
Thứ Bảy, 04/12/2010, 07:37 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.