.

Cô Quảng và hành trình 6.144km

.

Cô là một nhà giáo “nổi tiếng”. Hình như cô không biết điều này, nhưng tôi chủ quan đoán vậy, vì thấy tên cô thi thoảng xuất hiện trên báo chí theo kiểu người tốt, việc tốt hoặc nằm trong danh sách gương phụ nữ điển hình, chiến sĩ thi đua yêu nước... Vẫn biết không có gì đáng tự hào khi lại đi nói những điều các đồng nghiệp đã nói, dù vậy, không hiểu sao, vài dòng trích lược về cô vẫn khiến tôi đầy tò mò về con người này.

 

Cả gia đình đều theo nghề giáo nên dường như “máu nghề” không riêng có ở cô Quảng. Cả chồng và các con cô đều ủng hộ việc làm này. Họ còn có chung niềm mong mỏi là bao giờ đường sá thôi cách trở để đón những đứa trẻ làng Vân về dạy tại nhà.

Đã nghỉ hưu, nhưng cứ mỗi tuần hai lần, cô lặng lẽ đi bộ ra làng Vân dạy tiếng Anh miễn phí cho các em học sinh tiểu học. Tôi nhẩm tính, nếu mỗi ngày cô đi-về 16km, vậy suốt 4 năm qua, cô đã một mình đi bộ trên 6 nghìn cây số với niềm mong mỏi những đứa trẻ tại làng Vân sẽ không bị “mù” ngoại ngữ.

Không áo dài thước tha, cắp cặp sách đến lớp như những ngày còn đi dạy ở Trường tiểu học Hải Vân (Cơ sở 1, đường Nguyễn Văn Cừ, quận Liên Chiểu), nhìn cô Nguyễn Thị Quảng (sinh năm 1954) bây giờ đến trường chẳng khác một dân leo núi. Quần áo, nai nịt gọn gàng, chiếc ba-lô đựng áo mưa, ít gạo, bánh mì, hộp thức ăn và chai nước lọc càng khiến cô “ngầu” lên trông thấy. Tôi cũng giày ba-ta, tay khư khư đèn pin theo lời cô dặn bắt đầu lên đường.

Mô tả ảnh.
Cô và tập thể lớp “3 trong 1”.

Đường đến trường của cô Quảng

Trước mặt chúng tôi là hầm Hải Vân dài ngót nghét 1km (hầm số 1, tính từ phía nam đèo Hải Vân). Ghé vào trạm gác đầu hầm, cô Quảng lấy một khúc cây dài như lấy một vật dụng quen thuộc đã để từ bao lâu nay. Nếu bên ngoài là ánh sáng, âm thanh náo nhiệt, là không khí mát lạnh của cỏ cây và hơi biển ở chân đèo, thì khi đặt bước chân đầu tiên vào hầm, chúng tôi lập tức bị vây kín bởi bóng tối. Một tay rọi đèn pin, một tay cầm thanh cây, cô bảo, chân cẳng già yếu, dùng cây dò đường, lỡ đâu, gặp phải con gì xuất hiện cũng có cái tự vệ. Hôm nay, vì có tôi đi cùng, cô luôn miệng nói chuyện cho quên đoạn đường tối và nguy hiểm nhất trong hành trình. Bình thường, cô phải kéo rê thanh cây xuống lòng hầm để phát ra âm thanh cho bớt sợ.

Đi trong hầm gặp tàu qua không còn là chuyện lạ. Riết rồi cô Quảng tự rút kinh nghiệm bằng cách đếm bước chân. Cứ chừng 30 bước là đến một ô trú ẩn. Vì thế, phải điều tiết bước đi lúc nhanh, lúc chậm để vừa dưỡng sức, vừa kịp chạy vào chỗ nấp. Thêm nào đó, vừa đi, cô phải vừa lắng nghe tiếng gió. “Bỗng dưng thấy luồng gió mạnh bất thường là biết sắp có tàu”, cô nói.

Ánh sáng dần ló dạng, chúng tôi bước qua bên kia như một người vừa chiến thắng. Cô lại dừng chân ở trạm gác, lần này là để gửi biếu mấy anh nhân viên đường sắt vài trái quýt, trái mãng cầu. Cô uống ngụm nước, thở lấy sức rồi tranh thủ bước tiếp vì đoạn đường xuống làng còn khoảng… 7km nữa.

Chúng tôi men theo đường ray với lô nhô đá. Cô Quảng thoăn thoắt bước và “lạng lách” liên hồi hết bên phải lại sang bên trái, cốt khi cần có thể tránh tàu một cách nhanh nhất. Núi Hải Vân lúc này như nàng thiếu nữ sải gót chân khẽ chạm bờ cát vàng, mềm mại trong từng đợt sóng trắng xóa. Đâu đó, tiếng chim cu vang vọng một lời buồn xa xăm. Biển trời mênh mông là thế mà tôi nào có tâm trí chiêm ngưỡng. Tôi chăm hăm bước, sợ hiểm nguy bất chợt khi chỉ có hai cô cháu lẻ loi giữa nơi hoang vu. Bất giác, cô quay sang tôi: “Cô đọc bài thơ “Một ngày mới” nghe: Một ngày mới bước chân lên đèo cao-Một ngày mới bước chân lên đèo ta-Tiếng suối reo cùng tiếng chim ca-Một ngày mới cùng vui với lời chào...”. Những bài thơ “xuất thần” như thế đủ để gom thành một tuyển tập, tôi thường trêu vậy sau mỗi lần cô cao hứng đọc thơ.

Cột mốc dẫn xuống làng hiện ra. Lần này, chúng tôi sẽ phải băng xuống con đường mòn xuyên rừng. Nỗi sợ từ lúc nãy trỗi dậy trong tôi khi nghe cô kể về những lần vô tình “đụng” rắn độc. Thế rồi, lại một lần nữa tôi bị đánh thức bởi những tiếng reo dù rất khẽ: “Màu lá đẹp chưa kìa. Mùa nắng thì xanh um, mùa này thì ngả vàng”. Đã hàng ngàn lần đi qua con đường này, nhưng có vẻ, với cô, tất cả là lần đầu.

Mô tả ảnh.
Các em ở làng Vân học tiếng Anh cũng rất “cừ”.

Ngày mai cô có ra nữa không?

Tôi nghe tiếng cô nói trong giọng thở hổn hển: “Hai ngày sảng khoái nhất trong tuần của cô là hai ngày được đi như thế này. Đầu óc thanh thản, được ngắm khung cảnh nên thơ và gặp học trò”.
Đã lớn tuổi nên cô Quảng không thể đi và dạy trong vòng một buổi. Vì thế, cô luôn phải đi từ sáng sớm, dù buổi chiều mới đến giờ dạy. Bữa trưa, cô ăn qua loa ngay tại trường học. Và khi bữa cơm vừa dứt cũng là lúc học trò ríu rít kéo về.

Tổng số học sinh tại đây có 16 em, trong đó, lớp Anh văn là 12 em. Tất cả cùng ngồi chung một phòng quay đầu theo hai hướng. Chiếc bảng đen được chia thành ba phần dành cho 3 khối lớp 3, 4 và 5. Kiểm tra bài, dạy từ mới, ra bài tập cho lớp này xong, cô lập tức hướng dẫn cho lớp khác. Liền tù tì, không thấy cô nghỉ ngơi một giây nào. Cô tự đuổi theo chương trình của các trường ở thành phố. Nếu bị trễ bài, trễ tiết, cô cũng tự tăng buổi dạy bù cho kịp. Bởi, lý do cô ra đây là để giúp các em bắt nhịp một cách dễ dàng khi vào học hòa nhập với các bạn trong nội thành.

Nếu mới thoáng qua lớp học này, đôi khi người ta dễ nhầm tưởng đây là lớp học… nhạc. Nhiều bài hội thoại, câu chào hỏi được cô thêm thắt giai điệu thành bài hát ngồ ngộ để các em dễ thuộc, dễ nhớ. Có vẻ hát thích hơn đọc suông, nên mỗi lần cô bắt nhịp, tiếng bọn trẻ như đánh tan cái im ắng thường trực ở ngôi làng này. Các em có sức học khá đồng đều. Dường như chúng sợ học kém làm cô buồn. Một số em vào cấp 2, tự tin học ngoại ngữ mà không hổ thẹn là học sinh trường làng khiến cô cảm thấy như được tiếp thêm động lực. Với cô, không có món quà hay lời khen tặng nào quý hơn thế.

Cô Quảng cho biết, ban đầu cô chỉ nghĩ ra dạy được ngày nào hay ngày nấy. Nhưng những đứa trẻ ngây thơ này cứ bám lấy cô mà hỏi: “Ngày mai cô có ra nữa không cô?”. Rồi hết quyển 1, đến quyển 2, hết lứa học trò này đến lứa học trò khác, cô không nỡ bỏ giữa chừng.

Nhìn những đứa trẻ ở đây chăm chú học như muốn nuốt từng lời cô nói và cả nụ cười tinh nghịch, rạng rỡ khi tranh nhau trả bài, tôi nhớ có lần cô đã tâm sự: “Một giờ học thành công không phải có nhiều điểm 10 mà phải nhìn vào sự hào hứng trên gương mặt học trò”. Cô còn nói, học trò càng yếu, mình càng thương. Làm sao giúp một em học lực kém vươn lên thành học sinh trung bình mới là điều đáng nói ở một người thầy. Điều đó giá trị hơn việc mình đang dạy bao nhiêu học sinh giỏi.

Buổi học kết thúc khi trời về tối. Tôi hỏi sao cô không tranh thủ về sớm hơn cho an toàn? Cô bảo: Sợ được phần mình mà học trò thì chưa kịp lĩnh hội hết kiến thức. Chúng tôi trở về trên con đường cũ. Không còn vẻ nên thơ của buổi sáng và ánh nắng, không gian giờ trở nên lạnh lùng bởi từng đám mây đen kịt phủ kín bầu trời báo hiệu cơn mưa rừng xối xả. Ấy vậy mà trong tôi lại ấm áp. Ánh mắt trong trẻo của mấy đứa trẻ khi ôm vai cô nô đùa, bóng dáng cô lặng thầm mà đẹp lạ thường cứ tràn ngập lòng tôi. Bao xót xa về những điều người ta hay nói về thầy nay, trò nay cũng dường như được xoa dịu…

Phóng sự của Toàn Vân

;
.
.
.
.
.