Ách tắc giao thông, buôn bán hàng rong với các đồ chơi nguy hiểm ở khu vực cổng trường vẫn tiếp tục diễn ra trong năm học 2010-2011. Mục tiêu xây dựng “Cổng trường bình yên” xem ra vẫn khó lòng đạt được.
Loạn đồ chơi độc hại
Những món đồ chơi do Trung Quốc sản xuất như chong chóng quay, hạt nhựa nở vẫn tiếp tục tạo sự hấp dẫn đối với học sinh tiểu học. Theo những người bán hàng rong, rất nhiều loại hạt nhựa nở do Trung Quốc sản xuất có hình thù động vật như cá mập, khủng long, voi, cua, nhện, rắn hoặc những hạt nhựa tròn bằng đầu que tăm nhuộm đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng... Chỉ cần bỏ những món đồ chơi này vào trong nước, vài phút sau chúng sẽ nở to thành hình những con vật trông rất ngộ nghĩnh, bắt mắt. Giá bán mỗi gói đồ chơi này chỉ với 3.000 đồng.
Các em học sinh Trường tiểu học Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu) cho hay, lúc tan trường, các em thường hay mua những hạt nhựa nở kể trên để chơi. Nguy hiểm ở chỗ, sau khi ngâm những thứ đồ chơi này, nhiều em không rửa sạch ly, mà cứ để vậy dùng uống nước. Trong khi đó, tại nhiều địa phương trên cả nước, đã xảy ra không ít trường hợp các em nhỏ chơi các loại hạt nhựa nở do Trung Quốc sản xuất dẫn đến bị ngộ độc phải nhập viện.
Tại Trường tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê), cứ đến giờ ra chơi, những người bán hàng rong di động xuất hiện trước cổng trường cung cấp bánh kẹo, chong chóng quay giá mỗi chiếc từ 3.000 đến 5.000 đồng cho học sinh. Loại chong chóng quay này được làm bằng nhựa, có cánh dát sắt mỏng, hễ mỗi lần giật giây nhựa, cánh chong chóng bay lượn trong không gian. Nếu chẳng may cánh chong chóng này bay trúng mặt, tay chân thì sẽ cứa đứt da thịt. Thầy Nguyễn A, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoa Lư cho biết, lâu nay, Ban giám hiệu nhà trường đã nghiêm cấm học sinh mua quà vặt và chơi trò chơi nguy hiểm ở trường. Tuy nhiên, những người buôn bán hàng rong thường canh giờ ra chơi, mang hàng đến trước cổng trường bán lén lút cho học sinh. Vì vậy, nhà trường rất vất vả trong việc ngăn chặn tình trạng này.
Ở khu vực ngoài cổng trường của một số trường tiểu học trên địa bàn quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn… cũng diễn ra tình trạng những người bán hàng rong tụ tập buôn bán bánh kẹo, các đồ chơi nguy hiểm cho học sinh. Các trường chỉ có thể cấm học sinh mua những loại đồ chơi này mang vào trường, chứ không ngăn cản được những người buôn bán hàng rong, vì họ hoạt động bên ngoài khu vực trường.
Giao thông giờ tan trường
Ở khu vực đường Quang Trung (đoạn tiếp nối với đường Đống Đa và Nguyễn Thị Minh Khai), vào các buổi sáng, trưa, chiều, tình trạng tắc nghẽn giao thông diễn ra như cơm bữa. Nguyên nhân do khu vực này có Bệnh viện Đà Nẵng, Nhà tang lễ, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) hoạt động. Hằng ngày, đoạn đường này có lưu lượng người, xe qua lại đông đúc. Thêm vào đó, vào giờ học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ tan trường, phụ huynh đỗ ô-tô, xe gắn máy chật kín lòng đường chờ đón con em, khiến con đường trở nên “nóng”.
Ngoài ra, ở khu vực các trường tiểu học: Phù Đổng, Phan Thanh, Trưng Vương, Kim Đồng… tình trạng ách tắc giao thông cục bộ cũng xảy ra liên tục vào giờ tan trường. Tại khu vực những trường học này, lòng đường vốn đã hẹp, nhưng vào giờ tan trường, phụ huynh ngang nhiên đậu đỗ các loại ô-tô, xe gắn máy ngay dưới lòng đường chiếm hết lối đi, gây bức xúc đối với người tham gia giao thông.
Cô Lê Thị Bích Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết, thời gian qua, để giảm ùn tắc giao thông ở khu vực cổng trường, nhà trường đã phối hợp với cơ quan chức năng để điều tiết giao thông. Về phía nhà trường, vào mỗi giờ tan học, luôn có hai cán bộ, giáo viên đứng trước cổng trường hướng dẫn học sinh ra về trật tự, đồng thời yêu cầu phụ huynh không đậu đỗ xe dưới lòng đường. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra là do khu vực này có bệnh viện, nhà tang lễ, người qua lại quá đông đúc. “Ngoài sự nỗ lực của nhà trường, các ngành chức năng thành phố cần vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm những trường hợp đậu đỗ xe trái phép dưới lòng đường, may ra tình trạng ùn tắc giao thông nơi đây mới giảm”, cô Ngọc nói.
Theo tìm hiểu, ngay đầu năm học 2010-2011, Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo các trường học trên địa bàn thành phố tập trung thực hiện tốt trật tự an toàn giao thông trước cổng trường, không để xảy ra tình trạng hàng quán lấn chiếm cổng trường, ùn tắc giao thông vào đầu và cuối mỗi buổi học. Nhưng xem ra, những tình trạng trên đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để. Nhiều trường học vẫn chưa thật sự bình yên!
Phương Chi