Nghệ thuật cảm xúc thị giác với tên gọi Op Art hoặc Protical Art những tác phẩm tạo nên những ảo giác cho người xem qua thị giác. Phương pháp thể loại nghệ thuật cảm xúc thị giác thể hiện sự tương tác giữa ảo giác và hình thể. Giữa cái nhìn và cảm nhận. Hầu hết tranh thuộc loại hình này là trừu tượng. Có khi có hình với lối diễn đạt bằng nhiều nét đen, trắng.
Người xem tranh sẽ gặp ấn tượng về một khoảnh khắc của hình thể ẩn giấu, bất chợt rung động, đôi khi các mẫu hình trên tranh có cảm giác chuyển động dường như nở rộng ra, kéo dài hay thu hẹp lại. Khởi điểm của loại hình nghệ thuật này là tranh “Hai con ngựa vằn” của Victor Vasarely xuất hiện trên tạp chí Time vào tháng 10 năm 1964.
Họa sĩ Bridget Riley. |
Theo dòng phát triển của môn Nghệ thuật thị giác, vào ngày 23-11 vừa qua, Bảo tàng tranh Anh quốc - National Gallery đã khai mạc phòng triển lãm tác phẩm hiện đại của nữ họa sĩ đương đại Bridget Riley.
Từ trước đến nay, Bảo tàng National Gallery của nước Anh thường trưng bày những tác phẩm cổ điển, có lẽ đây là lần đầu tiên nơi đây tìm đến với Nghệ thuật cảm xúc thị giác.
“Tôi quan tâm đến cách xây dựng năng lượng thị giác, và cách tạo hoàn cảnh mà từ đó sản sinh ra cảm giác”, Bridget Riley trả lời với giới thưởng ngoạn.
Riêng phóng viên BBC thì nhận xét: Hai tác phẩm được Riley sáng tác trực tiếp trên tường của gian triển lãm, gồm có “Sắp đặt mang số 7 với các Hình tròn” trên bức tường dài của căn phòng Sunley Room, và phiên bản phóng lớn của bức Arcadia nổi tiếng, từng giới thiệu hồi năm 2008 ở Paris.
Một trong số các hướng giáo dục của bảo tàng Anh là giúp cho người xem nhìn thấy sự tiếp nối trong lịch sử hội họa bao gồm cả thời đương đại.
“Hai con ngựa vằn”, tranh của Victor Vasarely.Tranh Hình vuông...và Hình tròn của Bridget Riley. |
“Các tác phẩm của Bridget Riley thể hiện điều đó, quý vị có thể thấy bà vẽ trên nền các danh họa truyền thống từ khi còn là sinh viên”, ông Wiggins diễn giải, “và điểm nhấn trong tác phẩm như muốn nói, này, trừu tượng có trong đó, trừu tượng không chỉ là đặc điểm riêng của hội họa thế kỷ 20, mà còn là điểm chung của hội họa phương Tây”.
Người xem có thể nhìn thấy những nét cong làm chủ đề chính trên tranh của Riley cũng giống như nét cong mềm mại mà Raphael thời thế kỷ 16 từng để lại qua bức Thánh Catherine từ Alexandria, hay các vạch thẳng đứng trong một sáng tác của Riley hứng khởi từ vết cọ ấn tượng của Seurat hồi đầu thế kỷ 20 vẽ ánh nắng sớm trong những bức tranh được bảo tàng Anh sưu tập.
Bridget Riley sinh năm 1931 ở Anh và được coi là một trong số các họa sĩ đương đại hàng đầu ở Anh với quá trình giáo dục tại Anh và những cuộc triển lãm thành danh ở các trung tâm nghệ thuật trên thế giới, sử dụng màu sắc và đường nét để tạo ra cảm xúc thị giác nơi người xem.
Phòng tranh của bà Bridget Riley mở cửa đến đầu tháng 2-2011. Tất cả những ai muốn hiểu nghệ thuật đều có thể vào xem, học hỏi và có thể là cả kế thừa và phát triển cái nhìn của bà nữa.
Hoàng Đặng