Với tựa đề khá ấn tượng, “Giao hưởng & Đốm lửa” là tuyển tác phẩm thơ, văn xuôi của 15 tác giả văn học trẻ thành phố Đà Nẵng, vừa được Nhà Xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 11-2010. Đây cũng là ấn phẩm đầu tiên của những cây bút trẻ Đà Nẵng trong thời gian qua.
Trong “Giao hưởng & Đốm lửa”, bạn đọc sẽ bắt gặp rất nhiều hình tượng thơ. Từ đơn giản đến “thật thà” khi viết về tình yêu đôi lứa như “Ước trong giấc mơ dịu hiền-anh đến-ước buổi trưa hôm nay-anh ôm em bằng hơi ấm rất mềm” (Mắt bão-Đoàn Minh Châu) hay “Yêu em không phải tình đầu-Anh vẫn vậy dại khờ nông nỗi-Như thuở trước mân mê cà phê xứ lạ-nghiêng ngã đất trời-chuếnh choáng-say” (Cà-phê - Nguyễn Minh Phương). Hoặc xúc cảm từ những vần thơ dành cho người mẹ chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau: “Mẹ dệt con từ hình hài của cha-Tình yêu chín tháng mỏi mòn ngóng đợi-Giọt nước mắt kết tinh từ máu-Nẩy nụ mầm biếc xanh” (Dệt-Nguyễn Thị Anh Đào).
Kể cả khi đã sinh con ra, dạy con nên người “làn da nhăn nheo-bàn tay nhăn nheo-nhưng tấm lòng yêu thương hồn hậu-căng ra như cánh buồm-đón cơn gió mát lành-đẩy thuyền con đi về miền hạnh phúc-bỏ lại bến bờ mẹ bình yên” (Khi đã cháy hết mình con được gì hở mẹ-Tiểu Yến). Hay như trong Mẹ tôi của Trương Văn Vĩnh, mẹ trở thành một phần của ký ức không bao giờ phai mờ “Những ngày ấu thơ-tôi cùng mẹ đi qua con dốc đầu nhà-phía nhà tôi nắng-tươi như tiếng mẹ cười”.
Đó còn là tình yêu dành cho mảnh đất nơi mỗi người sinh ra và lớn lên “thời con gái loanh quanh bên giếng làng-cùng những đêm trăng đánh võng-ngọt lịm gió và mát rượi hương mạ xanh-giờ thành mong manh cổ tích” (Cổ tích giếng làng-Nghi Thảo). Và, còn rất nhiều hình tượng thơ nữa xuất hiện trong “Giao hưởng & Đốm lửa”, như thể đang tồn tại trong mỗi người là mạch nguồn tình yêu, cảm xúc dành cho cuộc sống không bao giờ cạn.
Ngược lại với thơ, loạt truyện ngắn góp mặt trong “Giao hưởng & Đốm lửa” dường như không hề trùng lặp nhau về ý tưởng. Với Nathalia và Cẩm Thạch, tác giả Hạo Nguyên sẽ đưa người đọc vào một thế giới khác, thế giới của những điều tưởng tượng, là mối giao thoa giữa tình yêu - quá khứ - hiện tại - tương lai. Cách viết kén người đọc nhưng thể hiện sự thông minh của tác giả. Tác giả Lê Nguyễn Quốc Việt lại có một cách viết thực đến không thể thực hơn. Có vẻ như, tác giả đã lấy nguyên mẫu cuộc sống thường ngày để đưa vào tác phẩm Ánh sáng cuối con đường và Người nhà quê của mình. Không quá trau chuốt về ngôn từ, nhưng tác phẩm đã lấy được cảm xúc của người đọc. Bởi đó là sự trăn trở trước nỗi đau, trước khát vọng sống của con người. Bằng cách viết khá đơn giản nhưng logic, dễ đọc, những tác phẩm Người cũ, Người về của Đinh Lê Vũ lại đưa người đọc đến một ranh giới, để từ đó, mỗi người sẽ tự tìm cách hành xử cho riêng mình.
Từng được biết đến với các tác phẩm thơ, nhưng trong “Giao hưởng & Đốm lửa”, Ngô Thị Thục Trang lại mang đến cho người đọc 2 truyện ngắn Trôi qua mùa đông và Nỗi nhớ người dưng với giọng văn đầy nữ tính, thể hiện cái nhìn vị tha trước cuộc đời, trước những sai lầm của mỗi người.
Trẻ tuổi nhất trong những cây bút có mặt trong “Giao hưởng & Đốm lửa” lần này là Phạm Nguyễn Ca Dao, cây bút trẻ được đánh giá cao trong các trại sáng tác dành cho thiếu nhi Đà Nẵng hai năm gần đây. Lỗ hổng và Tiếng Rừng là hai tác phẩm đoạt giải của tác giả, thể hiện cái nhìn thông minh và sắc bén trước những sự việc, hiện tượng đang diễn ra trong cuộc sống. Qua đó kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống…
Huỳnh Lê