.

Kiên quyết kiềm chế giá

Vào những ngày này, dư luận thị trường rất lo lắng đến giá cả leo thang. Theo thông báo của Tổng cục Thống kê, giá hàng tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng 1,86% so với tháng 10-2010 và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính chung 11 tháng, CPI cả nước đã tăng 9,58% so với tháng 12 năm ngoái.

Trong các mặt hàng tăng giá, nhóm hàng lương thực-thực phẩm và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất, trong đó tăng nhanh nhất là nhóm hàng lương thực (6,2%), tiếp đến là thực phẩm, đồ uống. Mặt hàng vật liệu xây dựng đứng hàng thứ 2, tăng 1,74% so với tháng trước. Giá hàng thiết yếu trong nước tăng nhanh. Tình hình vàng tăng giá và đô-la sụt giá trên thị trường thế giới; thị trường địa ốc tiếp tục đóng băng; thông tin về việc tăng lương, tăng giá điện trong tháng đầu năm… và tâm lý người tiêu dùng là nguyên nhân của tình trạng tăng giá hiện nay.

Tăng nhanh và liên tục giá tiêu dùng là biểu hiện rõ nét và chủ yếu của lạm phát. Nếu không kiểm soát chặt chẽ dòng tiền đưa vào lưu thông và có các biện pháp tích cực khác theo chủ trương của Chính phủ, lạm phát ở mức 2 con số sẽ xuất hiện, gây áp lực không nhỏ tới việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, kiềm chế lạm phát ở mức 7% trong năm 2011.

Trong mọi nền kinh tế, nhất là với nước ta, đang trong quá trình thị trường hóa các quan hệ kinh tế, giá một số hàng hóa thiết yếu có sự điều tiết của Nhà nước như lãi suất ngân hàng, giá điện, xăng dầu, xi-măng, phân bón, giấy… có vai trò rất quan trọng. Ai cũng biết tăng giá điện là cần thiết, nhưng tăng giá điện, giá xăng dầu vào thời điểm nhạy cảm này sẽ kéo theo sự tăng giá của hàng loạt mặt hàng khác như than, cước vận tải, từ đó là hàng loạt giá thứ cấp. Một vấn đề khác, chi tiêu Chính phủ chiếm giá trị lớn nhất trong chi tiêu của một nước. Kiên quyết tiết kiệm chi, hoãn chi… để giảm bớt chi tiêu cho ngân sách Nhà nước, tăng tích trữ quốc gia, giảm mất cân đối cung cầu, giảm bội chi, đồng thời kích thích sản xuất phát triển là những biện pháp hạ nhiệt hàng đầu tình hình giá cả hiện nay.

Để bình ổn giá, một số địa phương trong nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã lập quỹ bình ổn giá từ ngân sách của thành phố và điều đó đã có kết quả tích cực. Tháng 11-2010, giá cả của hai thành phố này tăng thấp hơn Hải Phòng, Thái Nguyên và một số địa phương khác. Tuy nhiên, vì hàng bình ổn giá chưa đủ mạnh để khống chế giá thị trường nên đã xuất hiện trở lại hiện tượng quản lý giá theo các biện pháp hành chính và giá vẫn còn tăng. Hà Nội tăng 1,93% và TP. Hồ Chí Minh tăng 1,73%.

Không phủ nhận mặt tích cực của việc lập quỹ bình ổn giá và dự trữ hàng hóa trước Tết của hai địa phương này nhưng không nên coi đây là biện pháp quan trọng nhất mà chỉ có tính chất hỗ trợ. Càng gần đến cuối năm và trước Tết Nguyên đán, nhu cầu hàng hóa càng tăng cao. Khi cung không đủ cầu, sẽ xuất hiện đầu cơ, buôn lậu, làm hàng nhái, hàng giả và tùy tiện tăng giá như với thuốc chữa bệnh và sữa bột vừa qua. Cần kiểm soát việc đăng ký giá với 17 mặt hàng thuộc diện này và 6 mặt hàng phải kê khai, niêm yết giá công khai theo quy định của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ giá của các mặt hàng này; tạm thời chưa tăng giá điện, than, xăng dầu; kiểm soát được giá vàng và USD trên thị trường; điều tiết lãi suất ngân hàng để thu tiền vào là những biện pháp hữu hiệu nhất hạn chế tăng giá hàng tiêu dùng được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là ổn định tâm lý người tiêu dùng. Làm tốt tất cả những biện pháp đã nêu nhưng tâm lý người tiêu dùng không ổn định, lạm phát không kiểm soát được vẫn xảy ra.

Thanh Bình

 

;
.
.
.
.
.