.

Kinh doanh hàng “giải tỏa”

.

Những ngôi nhà trong khu vực giải tỏa được tháo dỡ, đập bỏ. Những thứ đồ cũ như bồn cầu, cánh cửa, giá sách, đòn tay, cổng sắt, cây treo áo quần… tưởng vứt đi lại trở thành hàng “nóng” đối với những người chuyên mua, bán đồ cũ. Dân trong nghề vẫn thường gọi họ là kinh doanh hàng “giải tỏa”.

Nguồn hàng phong phú

Mô tả ảnh.

Những cửa hàng kinh doanh đồ “giải tỏa” mọc lên rất nhiều.

Dọc đường Điện Biên Phủ có trên 10 cửa hàng chuyên mua, bán đồ cũ. Trong đó nguồn hàng chủ yếu được thu mua từ các khu vực giải tỏa trên địa bàn thành phố và cả một số tỉnh lân cận. Trong vai một người mua hàng, chúng tôi ghé vào cửa hàng Hoa Phi (685 - Điện Biên Phủ). Thấy khách lạ, ông chủ - tên là Phi - đon đả ra mời chào. Khi biết chúng tôi muốn mua một bộ cửa chính cho ngôi nhà mới xây, ông Phi chỉ vào một dãy những cánh cửa lớn, còn sáng bóng nước sơn kê ngay trước cổng kho hàng, nói: “Đây là loạt cửa mới nhất, vừa được lên hàng (làm lại) ngày hôm qua. Bộ cửa hai cánh (0,8 x 2m) này tôi bán rẻ cho chị 1, 2 triệu đồng/bộ. Nếu muốn bộ 4 cánh thì nhân đôi lên. Bớt cho chị 100 ngàn”. Ông chủ cho biết, một bộ cửa như thế này khi mua của gia chủ ở khu vực giải tỏa có giá trung bình từ 800 - 900 ngàn đồng. Sau khi mua về sẽ được sơn, tít, thay kính lại. Giá thu mua những mặt hàng làm từ gỗ còn chênh lệch tùy vào độ mới - cũ, chất lượng gỗ.

Chỉ vào một bộ cửa sổ (0,8 x 1m) ông Phi cho biết, cũng loại cửa này nếu làm từ gỗ lim, gỗ hương khi mua có giá từ 150-200 ngàn/bộ. Bán ra từ 250 - 300 ngàn đồng/bộ. Nhưng nếu làm từ những loại gỗ kém chất lượng hơn thì giá mua, bán sẽ chênh lệch từ 50 - 80 ngàn đồng/bộ.

So với đồ làm mới hoàn toàn thì đồ bán trong những cửa hàng thế này thường có giá rẻ hơn từ 30 - 50%. Bán chạy nhất là những mặt hàng khác có giá trung bình khá “mềm” như giường, mua vào 200 ngàn đồng/chiếc, bán ra 400 - 500 đồng/chiếc; bồn cầu loại Toto bán ra từ 400 - 500 ngàn đồng/chiếc (mua mới từ 4 - 5 triệu đồng/chiếc); cửa sắt tính theo mét vuông, theo đó, giá mua vào dao động từ 200 - 220 ngàn đồng/mét vuông, bán ra 260 - 300 ngàn đồng/mét vuông (làm mới mất 650 ngàn đồng/mét vuông)… “Bất cứ mặt hàng nào người ta cần để làm nên một cái nhà, chúng tôi đều có. Hàng không lúc nào thiếu. Một mặt hàng bán ra tôi chỉ lời từ 5 - 7% thôi nhưng được cái không lúc nào hết khách”, ông Phi nói. Có rất nhiều cách để thu mua mặt hàng này: Từ việc hợp đồng với các chủ chuyên thu mua hàng giải tỏa ở địa phương, mua trực tiếp khi người dân điện thoại đến mua từ dân bán lẻ. Ngoài ra, cửa hàng của ông Phi còn trực tiếp nhận bao thầu đập, phá, thu gom mua hàng khi người dân có nhu cầu.

Cửa hàng lớn thì như vậy, cửa hàng nhỏ sức mua hạn chế hơn, chủ yếu thu mua chuyên một mặt hàng. Những cửa hàng kiểu này có mặt ở rất nhiều tuyến đường như Nguyễn Lương Bằng, Điện Biên Phủ, Cách mạng Tháng Tám... Ghé vào cửa hàng chuyên mua bán sắt phế liệu ở đường Nguyễn Lương Bằng (khu vực phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), bà chủ tên Thu cho biết, vừa đi mua hàng từ khu giải tỏa ở thôn Quan Nam 6 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) về.

Trên nền nhà, sắt đủ các cỡ chất thành đống đang chờ để phân loại. Đứng một lúc lại có một số người chuyên thu mua chai bao dừng lại bán vài cân sắt lẻ. Chị Thu cho biết, mình chủ động xuống tìm những người dân trong vùng giải tỏa rồi thỏa thuận, làm giá với họ. Nếu đồng ý thì mình nhận phần thu gom sắt khi họ đập phá nhà. Thành phố đang giải tỏa nhiều nên nguồn hàng khá phong phú. Cứ thế, những món hàng là đồ cũ từ các vùng giải tỏa được luân chuyển từ nơi này đến nơi khác, tạo nên một mặt hàng kinh doanh khá sôi nổi.

Địa chỉ của người thu nhập thấp

Quay trở lại với cửa hàng của ông Phi ở 685 - Điện Biên Phủ, khi chúng tôi có mặt, chưa đến 30 phút đã có 4 người khách vào tìm mua hàng. Vẫn thái độ đon đả mời chào, ông Phi giới thiệu cho người khách một loạt những bộ cửa sổ 2 cánh được làm từ nhiều loại gỗ khác nhau. Sau một lúc thỏa thuận, người khách quyết định mua bộ cửa sổ được làm từ gỗ tạp (0,8 x 1,2 m vuông) với giá 300 ngàn đồng.

Người mua - anh Đỗ Mạnh Hùng - ở Liên Chiểu, cho biết, nếu đóng mới cũng với loại gỗ này ít nhất phải mất từ 600 - 800 ngàn đồng/bộ. “Tôi thích mua hàng ở đây vì giá cả phải chăng, vừa với túi tiền của mình, đến là có liền, khỏi mất thời gian chờ đợi. Vào đây mua lại dễ chọn lựa, cái gì cũng có, chịu khó đi lùng cũng kiếm được hàng tốt”, anh Hùng vui vẻ nói.

Cụm từ “mua hàng giải tỏa” đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân. Anh Hoàng Hữu Trung, chủ cửa hàng kinh doanh đồ cũ ở 701 Điện Biên Phủ cho biết, ngoài khách hàng là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, người ở vùng tái định cư, thì sinh viên cũng là khách hàng quen của những cửa hàng này. Chỉ với 60 ngàn đồng, các bạn đã có được giá sách “mới”, 150 ngàn đồng để mua tủ đựng áo quần… Mặc dù là hàng cũ, nhưng khi đem về chúng tôi sẽ gia công lại cẩn thận nên nhìn vào không ai nghĩ là đồ cũ. Chúng tôi sẵn sàng thay đổi phụ kiện theo yêu cầu của khách hàng. Người mua vì thế mà rất yên tâm.

Có lẽ vì vậy nên nhiều gia đình dù không khó khăn nhưng vẫn chọn cách tiết kiệm khi xây nhà bằng cách mua hàng cũ cho những chi tiết phụ. Như trường hợp chị Ngọc Phương (Hải Châu), thay vì phải đóng mới cánh cửa phòng tắm phụ ở nhà bếp với giá 1 triệu đồng, chị đã đến cửa hàng anh Hùng và chọn mua cánh cửa cũ loại gỗ tốt, thay kính theo ý mình, tất cả chỉ mất 500 ngàn đồng.

Khá lên từ hàng giải tỏa

Nhờ thức thời, nhiều người dân đã làm giàu từ việc kinh doanh hàng cũ từ các khu vực giải tỏa. Ít ai biết được rằng, cách đây 5 năm chủ cửa hàng Hoa Phi vẫn còn là một nông dân chân lấm tay bùn. Sau một chuyến đi thu mua hàng từ vùng giải tỏa cùng người anh họ, ông đã dồn vốn và tập làm quen với việc kinh doanh này. Đến bây giờ, ngoài cửa hàng ở địa chỉ 685, ông còn có thêm hai kho hàng lớn khác cũng nằm trên đường Điện Biên Phủ. Đủ lực, nên ngoài thu mua hàng, ông còn nhận đấu thầu tháo dỡ một số công trình lớn như khách sạn Điện Biên (bến xe cũ đã giải tỏa). Hiện ông có đội thợ 7 người chuyên gia công, làm mới các mặt hàng cũ với mức lương 100 ngàn đồng/ngày/người, có xe tải để đi thu mua hàng và có cả đội thợ chuyên đi đập, tháo dỡ nhà khi có nhu cầu. Ông Phi cho biết, kinh doanh mặt hàng này không dễ, không phải khu vực giải tỏa nào mình cũng xông vào mua hàng được. Rừng nào có hổ nấy. Trong thời gian tới, ông có kế hoạch mở rộng việc kinh doanh sang những tỉnh, thành lân cận.

Không may mắn có thành công lớn như ông Phi, nhưng hơn 4 năm qua nhờ chăm lùng sục thu mua, bán sắt phế liệu từ vùng giải tỏa, chị Thu đã thoát khỏi khó khăn, không chỉ nuôi được 4 đứa con ăn học mà còn dư giả tiết kiệm. Chị khoe sang năm sẽ xây nhà rồi dời quán về đó cho rộng rãi. Ngoài ông Phi, chị Thu, nghề này đã thực sự tạo được công ăn việc làm cho nhiều người dân, trong đó có không ít người ở các vùng giải tỏa đền bù.

Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.