.

Người góp nhặt những “đóa hoa dân gian”

.

 

Mô tả ảnh.

Ở tuổi 80, nhạc sĩ Trần Hồng vẫn luôn đau đáu về những giá trị âm nhạc truyền thống còn sót lại trong dân gian.

Tôi bắt gặp một Trần Hồng ở tuổi 80 luôn đau đáu về các giá trị văn hóa phi vật thể sẽ ngày bị mai một. Hòa vào nỗi trăn trở đó là sự say mê hiếm thấy với nền âm nhạc dân gian Việt Nam. Thế rồi, ông gác lại bao bộn bề của cuộc sống để cần mẫn tìm kiếm, ghi chép những “đóa hoa dân gian” còn sót lại.

Trong một lần đi tìm tư liệu viết về những giá trị văn hóa phi vật thể tại Quảng Nam-Đà Nẵng, tôi có dịp gặp ông. Lúc này, ông đã có trong tay bộ sưu tập khá đủ đầy những giá trị âm nhạc truyền thống tại xứ Quảng như Nhạc tuồng, Dân ca Quảng Nam (2 tập), Dân ca đất Quảng, Hát đồng dao, Những điệu hò xứ Quảng, Hát sắc bùa ở Duy Xuyên (Quảng Nam), Âm nhạc kịch dân ca, Nhạc đàn kịch dân ca, Hát bả trạo…

Để có được những tác phẩm này, nhạc sĩ Trần Hồng đã thực hiện nhiều cuộc hành trình, đặt chân lên mọi ngóc ngách, xóm làng, hòa mình vào cuộc sống của người dân. Cuộc hành trình này bắt đầu từ năm 1956, ngay khi ông tập kết ra Bắc. Bởi khi đó, ông cùng với các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Lê Yên, Tân Huyền, Trần Kiết Tường, Nguyễn Đăng Hòe, Đức Tuấn, Thành Nội có mặt trong đoàn đi sưu tầm Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Sau ba tháng sưu tầm, ghi chép, đoàn đã xuất bản tuyển tập “Dân ca quan họ Bắc Ninh”. Đây cũng chính là quãng thời gian ông có dịp quan sát, học hỏi cách sưu tầm hiệu quả nguồn tư liệu dân gian quý giá.

Cũng trong giai đoạn này, ông được chung sống với nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân trong Đoàn Tuồng, Đoàn Dân ca kịch Liên khu Năm tại Khu Văn công Trung ương như Nghệ sĩ Đội Tảo, Văn Phước Khôi, Ngô Thị Liễu, những người sau này điều trở thành những Nghệ sĩ Nhân dân nổi tiếng trong và ngoài nước. Họ đã hát cho ông nghe những làn điệu dân ca xứ Quảng, vè Quảng, hát bài chòi, hát hò khoan đối đáp, các điệu lý trong sân khấu Tuồng như Lý đi chợ, Lý Đồng Nai, Lý bán quán, Lý bình, Lý ai… Nghe, ghi chép lại, học thuộc, tập hát, rồi cuối cùng mới viết nhạc lý là cách ông đã làm để có được những bộ sưu tập khá đồ sộ về mảng văn hóa, văn nghệ dân gian.

Ngày được trở lại công tác tại mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng, cái nôi sinh ra biết bao làn điệu dân ca thấm đẫm tình người, trong vai trò là Trưởng ban Văn nghệ của Đài CP90 (Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam), với một tình yêu bền bỉ dành cho dân ca, ông đã say sưa chép lại rồi in thành sách. Giữa những năm tháng chiến tranh còn ác liệt, bước chân ông có mặt trên hầu khắp các vùng mới giải phóng của Quảng Nam như xã Quế Tân, Quế Tiên (huyện Quế Sơn), xã Duy Tân, Duy Châu (huyện Duy Xuyên), tây huyện Đại Lộc. Rồi trong những ngày đêm xuống hầm bí mật ẩn náu tai mắt kẻ thù, ông đã được các mẹ, các chị dạy hát Hò khoan, hò chèo thuyền, hò lao động, hò dân công, hò mài dừa… Ông đã kịp ghi lại, chuyển ra Bắc để các đồng nghiệp miền Bắc thu âm rồi chuyển vào phát trực tiếp cho đồng bào miền Nam nghe. Có lẽ, nhờ những câu hát ấm áp nghĩa tình đồng đội, làng xóm này mà biết bao thế hệ cha ông đã không ngại đổ xương máu, quyết giành cho được độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Với sức làm việc không biết mệt mỏi, ông đã tổ chức nhiều lớp dạy hát dân ca tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Đã có lúc lớp học của ông thu hút đến cả 100 người tham gia. Ngoài ra, nhạc sĩ Trần Hồng còn cộng tác với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (DVTV) thực hiện 20 chương trình “Giai điệu miền Trung” nhằm phổ biến, giới thiệu, hướng dẫn, minh họa đưa dân ca đến với đông đảo bạn xem đài. Ngoài công tác sưu tầm, ông còn sáng tác nhiều tác phẩm dân ca kịch như Vòng tay nhân ái, Tình quân dân, Vượt qua sóng dữ, Cá cua hội ngộ, Hoa muống biển... Hầu hết những tác phẩm này đều đạt huy chương trong các cuộc thi toàn quốc dành cho các ngành, nghề phù hợp.

Ông luôn đau đáu một điều: “Có đôi lúc tôi thấy buồn khi giờ đây người ta không còn mặn mà với âm nhạc truyền thống dân tộc, không còn lưu luyến những điệu lý, câu hò như xưa. Ghi lại là một chuyện, điều tôi muốn nói là các bạn trẻ hãy thử một lần đọc, một lần nghiền ngẫm để hiểu hơn về đời sống tinh thần của cha ông, để nó mãi tồn tại giữa cuộc sống này”. Có lẽ vì thế nên trước khi chia tay, ông còn kịp đọc vài câu hát dân ca được ông ghi lại trong một chuyến đi: “Đêm năm canh mù mịt sương sa/Vòng tay qua cổ, nước mắt đà như mưa/Trăm lạy ông trời bớt gió thôi mưa/Để ta gặp bạn sớm trưa cho mặn nồng”. Phải chăng, những câu ca tha thiết, nỉ non này đã khiến lòng ông không lúc nào yên bởi: “Còn biết bao câu hát dân ca trong dân gian chưa được ghi chép lại? Điều này khó ai có thể trả lời được. Chỉ sợ là, những tác phẩm của tôi chỉ như hạt muối giữa biển khơi, không thể ghi lại hết những “bông hoa dân gian” còn sót lại”.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.