Như nhiều năm trước, vào dịp tháng 11 là bác Hồng Phấn vui hẳn lên. Khi bác gái còn sống, gia đình thường tổ chức gặp mặt những bạn bè hồi nào cùng Nam tiến với nhau. Đây là dịp những chiến hữu năm xưa ôn lại chuyện cũ, thời trai trẻ. Và cũng là dịp để các con sum vầy quanh mâm cơm, nghe chuyện cha chú, biết đâu mỗi người một chuyện, mỗi năm ôn lại một quãng đời đã sống, dần dà sẽ tích tụ trong tâm hồn những đứa con thơ bé. Đấy là chuyện kín đáo mãi sau này bác mới thổ lộ.
Bác Hồng Phấn vốn là giáo viên tiểu học tại Hà Nội từ trước cách mạng. Nếu ai đã từng đọc Sống Mòn của Nam Cao hẳn hình dung ra cuộc sống của những giáo chức tư thục hồi đó. Nhân vật San, chính là nguyên mẫu của bác Phấn, bạn của nhà văn. Khi cách mạng thành công, những anh em giáo chức nghèo độ ấy đã tích cực tham gia kháng chiến. Có người còn theo nghiệp dạy học, nhưng nhiều người gia nhập Vệ quốc quân, như bác Hồng Phấn đây. Bác kể:
- Súng đạn, nào mình có biết. Nhưng ông cán bộ Việt Minh nói một câu đơn giản mà mình nhớ mãi: “Chưa biết, học sẽ biết. Trái đất xưa, nào có đường. Người ta đi mãi thành đường đó thôi”. Quả thật mình bất ngờ vì một câu nói chí lý. Không hiểu ông Việt Minh trẻ tuổi này là cấp gì, học hành mấy nỗi mà nói rõ là… danh ngôn. Mãi sau này mình mới hay, đó là câu của Lỗ Tấn. Vì câu nói chứa nhiều trí tuệ ấy, mình nhận ra một điều mới mẻ: Anh em Việt Minh, trông có vẻ chân quê mà nhiều chữ nghĩa ra trò. Sau lớp Quân chính đầu tiên, anh Việt Minh trẻ ấy lại ghé sát vào tai mình thầm thì: “Có Nam tiến không, mình đang chuẩn bị lên đường đây”. Ngày đó mình nào có biết Nam tiến là đi đến đâu, nhưng trong lòng đã nể phục người chỉ huy trẻ, nên chẳng nghĩ ngợi chi nhiều, mình gật đầu đồng ý. “Thế nhé. Về nhà ít ngày với các cụ, vợ con, nhưng… đừng lộ chuyện đấy nhé”. Thấm thoát đã 65 năm rồi đấy.
Năm nay, những người lính Nam tiến tề tựu ở căn phòng nhỏ trên đường Lý Nam Đế của bác Hồng Phấn thưa đi nhiều. Đã vào tuổi chín mươi cả rồi. Bác Phấn sinh năm 1918. Sau cuộc hội ngộ, bác cho hay, vừa thôi “chân” tổ trưởng dân phố. Tôi nghe mà sững sờ. Không nghĩ, đến bây giờ bác mới “thôi”. Biết tôi ngạc nhiên lắm, bác rỉ rả chuyện trò:
- Mình làm tổ trưởng từ độ về hưu. Công việc của anh vác tù và, mấy ai ham. Người ta bảo, đã về hưu rồi, nghỉ cho khỏe. Nhưng làm công việc tiếp dân, cũng có cái để suy ngẫm. Mình làm ở Bộ Thương binh-Xã hội nhiều năm. Những chính sách trước đây Bộ ban hành liệu có sát thực tế không, có đến được với dân,
với cán bộ hưu trí… mình nghe người dân phản hồi, bày tỏ ý kiến. Có dịp trao đổi lại với anh em tại chức trong Bộ. Mình có lợi thế là, vấn đề nào, thuộc thẩm quyền trách nhiệm của vụ, cục nào, mình đến đúng chỗ. Hơn nữa, là người cơ quan cũ, lại là bậc tuổi cha chú mấy ông vụ trưởng, họ cũng nể mà lắng nghe… Làm việc nghĩa, là làm cho chính mình, cho lòng thanh thản vì thấy mình sống có ích. Được vậy, cũng là nhiều lắm rồi, cần chi phải bận tâm suy tính thiệt hơn.
Nhưng bác Hồng Phấn không chỉ làm tổ trưởng dân phố, mà bác còn là trưởng ban liên lạc đồng ngũ Trung đoàn 812, một đơn vị mà suốt chín năm kháng chiến bác đã từng gắn bó ở chiến trường Cực Nam Trung Bộ. Bác tham gia Ban liên lạc đồng hương Bình Thuận. Với phong thái của người thầy giáo cũ, sau này là chính ủy trung đoàn, bác nói chậm rãi, cởi mở:
- Bình Thuận không phải là quê hương mình, nhưng đó là nơi mình đã chiến đấu, đã gắn bó cả một thời trai trẻ. Những năm còn chiến tranh, anh em Bình Thuận có dịp vượt Trường Sơn ra Bắc họp, chúng mình nghe chuyện thực, người thực kể, xúc động lắm. Mà vui, vui đến độ rơi nước mắt khi nghe kể về cuộc sống của anh em trong chiến khu Lê Hồng Phong. Cực Nam, Bình Thuận là tình cảm máu thịt của anh em mình.
Ngồi trước tôi là một cựu chiến binh, mái tóc bạc trắng. Nước da đã nhiều vết mồi, nhưng đôi mắt thì vẫn còn tinh anh, hồn hậu. Tôi không hề nghĩ, bác nay đã ngoài chín mươi. Nhìn bác, tôi cứ cố mường tượng ra hình ảnh người trai Vệ quốc quân năm xưa, một thời Nam tiến.
Kính Hiền