.

Nguyễn Khương Bình, một hồn thơ lặng lẽ

.

1- Có một sự trùng lặp. Nhiều người vẫn nhầm tưởng Nguyễn Khương Bình và Nguyễn Trung Bình (ảnh) là một. Thực ra là hai. Nhưng gắn bó như một vậy. Không chỉ hai cái tên gần giống nhau mà ngày còn sống hai người chơi với nhau rất thân. Cùng là biên tập viên của Nhà Xuất bản Lao Động - Chi nhánh phía Nam. Cùng quê hương Quảng Nam. Cả hai cùng mắc căn bệnh hiểm nghèo là ung thư. Và đều đã qua đời cách nhau một thời gian ngắn để lại bao tiếc thương cho giới văn nghệ. Có điều nếu Nguyễn Trung Bình đã nổi tiếng nhờ viết lời thoại cho phim Xích lô, đạo diễn Trần Anh Hùng, phim từng đoạt giải thưởng Sư tử Vàng của Ý và bài thơ Bài của trẻ dáng nâu khá vang dội thì Nguyễn Khương Bình gần như không ai biết.

 

Mô tả ảnh.

Cho đến trước khi anh mất không lâu, chừng hai tháng, trong tuyển tập thơ in chung Bông & Giấy lần đầu tiên công bố những bài thơ của anh. Những bài thơ làm người đọc thoáng lạnh vì những điều bình thường, quá đỗi bình thường nhưng đặt dưới lăng kính là cái nhìn khát khao của một kẻ yêu cuộc sống, thèm sống tha thiết nhưng trớ trêu thay lại biết mình không còn được sống bao ngày nữa. “Rồi sẽ một ngày tôi không còn ngồi đây / Em nghĩ gì về ngọn nắng trên kia / Nắng vàng tươi trên lá xanh / Hồn tôi đậu ở đó…”.

Từ vùng quê miền núi Đại Bình - Đại Bường, xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, Quảng Nam, bước vào thánh địa văn chương với Nguyễn Khương Bình như một khát khao quá lớn. Anh luôn khiêm tốn bởi thấy mình không đủ sức. Đi bộ đội, xuất ngũ hoạt động viết báo, sau chuyển ngạch về Nhà Xuất bản Lao Động làm biên tập viên, những bài thơ của anh giấu kín cho một niềm mơ ước.

Cuộc đời không nhiều may mắn nếu không muốn nói là nhiều lận đận lao đao, thơ càng như người bạn, là tử thủ cuối cùng cũng như cái la bàn định hướng cho anh. Cái cuộc sống bề bộn, nhang nhác “Những muộn phiền/ Quẩn quanh đâu đó/ Một con đò / Trăm năm còn trôi” bao lần cuồng mê hy vọng để thất vọng, anh đã khát khao, mơ ước “Gác lại những thăng trầm lênh đênh / Gác lại đời ta” để cuối cùng vẫn đứng lên “Lắng nghe điều gì / Nỗi cô đơn trong sâu thẳm lòng ai” và “Thêm chút xíu bận tâm / Thêm chút xíu con người / Thế thôi”. Đó cũng chính là tâm lý thị dân, tâm lý của đám đông. Thơ Nguyễn Khương Bình là những thoáng chốc trầm tư êm dịu, vừa an ủi, vừa xốn xang lòng người. Phải chăng, nghệ thuật đích thực cũng bắt đầu từ đấy?

2- Những ngày đầu tháng 5-2010, anh linh cảm được thời gian sống không còn xa. Chỗ chúng tôi thường ngồi, cà-phê Bông Giấy 53B Trần Quốc Thảo, mỗi sáng thấy bóng anh bạn bè đều vui. Cố ra được là anh đã gắng lắm. Anh muốn gặp bạn bè, một cái gì im im thân quen. Một không khí ấm cúng. Chỉ nhìn nhau thôi. Đâu cần nói gì. Là đủ.

Anh rất quý trọng nhà văn Trang Thế Hy. Và một trong những mong muốn nhất của anh là được viết một bài về nhà văn và được đi Bến Tre lần cuối để thăm ông. Tôi động viên anh viết bài về nhà văn và đã đăng bài này trên báo Thanh Niên TTGT, ra ngày 8-5, số do tôi biên tập làm trang. Anh rất vui. Còn nhớ hôm đó, mới 5 giờ sáng mở máy đã thấy tin nhắn anh ra cà-phê Bông Giấy. Cuộc gặp này anh hào hứng đến nỗi anh quyết định sẽ đi Bến Tre và đem theo mấy số báo để tặng nhà văn Trang Thế Hy. Anh còn nói là sẽ viết cho tôi bài về dịch giả, nhà nghiên cứu Khổng Đức, nhà thơ Vũ Trọng Quang. Hôm đó có cả bác Khổng Đức ở đó. Anh không nói được đã lâu tự nhiên cố gắng nói rè mấy tiếng “Minh nói tôi viết về anh đó. Anh chịu không?”. Bác Khổng Đức cười khè: - “Viết thì viết chớ! Khó gì!”. Nhưng bài viết đó không bao giờ thực hiện được. Khoảng hai mươi ngày sau, 31-5-2010 anh mất.

Chiều tối ngày 31-5-2010, Nguyễn Khương Bình mất, tôi nhận được tin nhắn từ nhà thơ Vũ Trọng Quang. Anh hẹn một số anh em cùng đi thắp hương. Tôi ra Bông Giấy đúng hẹn nhưng không gặp ai. Ly cà-phê muộn, đêm ngước nhìn lên giàn bông giấy. Trong màu hoa gió quẩn khoảng trời xao xác. Có một hồn thơ như thế, có nhiều hồn thơ như thế như sao chuyển ngôi giữa cuộc đời thường…

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Có thể

Có thể cơn mưa chiều đang chực đổ xuống
Tôi vẫn cứ đi con đường mình đã chọn
Con đường ngày mới lớn
Ngắm cánh bướm vàng ngỡ mặt trời bay

Có thể những giọt sắc màu phông màn sắp đổ xuống
Trước lời hiện thực dự báo tình yêu
Thì tôi vẫn thế - yêu em
Tình yêu bất trị

Có thể cuộc sống từng ngày biến động
Em không còn bằng lòng với loại hạnh phúc mình vốn có
Em đi về phía nào đó
Nỗi đau - nhưng chẳng sao

Sự thủy chung - nét đẹp mặc định
Em dễ dàng vất đi như vất rác vào sọt
Thì chẳng lý do gì
Tôi đau mãi đâu em
Có thể - có thể

Cuối năm 2009

Chẳng để làm gì cả
   
        Gửi Chiêu Anh Nguyễn

Tạm gác những cánh mùa đang dịch chuyển
Dừng lại với em trên đoạn đường này
Tạm gác những ngày xưa - xa trong quá khứ
Bộn bề đời thường

Tạm gác những đau buồn nỗi nhớ
Những giận hờn, niềm trăn trở
Hơn nửa đời phiêu bạt
Nhiều chuyến đi chẳng biết về đâu

Tạm gác những muộn phiền
Quẩn quanh đâu đó
Một con đò
Trăm năm còn trôi

Gác lại những thăng trầm lênh đênh
Gác lại đời ta

Lắng nghe điều gì
Sau tiếng thở dài của cô gái tuổi ngoài ba mươi
Mơ hồ
Nỗi cô đơn trong sâu thẳm lòng ai

Chẳng để làm gì cả
Thêm chút xíu bận tâm
Thêm chút xíu con người
Thế thôi

Rồi sẽ một ngày…

Rồi sẽ một ngày tôi không còn ngồi đây
Em nghĩ gì về ngọn nắng trên kia
Nắng vàng tươi trên lá xanh
Hồn tôi đậu ở đó
   
Rồi sẽ một ngày em về dù đúng ngọ
Mặt trời dường như dừng lại
Như níu kéo chút gì của quá khứ
Thói quen - ngọn gió - chỗ ngồi - tình yêu

Rồi sẽ một ngày em thôi không còn do dự
Đứng lên ra về có chờ đợi gì đâu
Đứng lên về nhanh không khéo em khóc
Khoảng trống vắng như sa mạc

Biết rằng tử sinh là chuyện bình thường
Nhưng một ngày sẽ không còn tôi ngồi đây
Bạn bè ta có thể nhiều người cũng không còn ngồi đây
Ngọn gió hoang vu phơ phất buồn tênh

Một ngày như thế bình thường mà em
Như một lần ghé lại rồi đi - một đời người
Có gì đâu
Rồi sẽ một ngày…

Nguyễn Khương Bình

;
.
.
.
.
.