.

Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong

.
Nhà văn Chu Cẩm Phong sống ở chiến trường Khu 5 chưa đầy 7 năm. Trong lúc đấu tranh, giành giật giữa sự sống và cái chết, anh vẫn để tâm hồn mình cháy trọn với trang văn. Trang nhật ký ngày 14-8-1970 anh có ghi lại, mỗi ngày anh có 8 tiếng dành để viết và công tác chuyên môn; 6,30 tiếng lao động sản xuất và chỉ ngủ 3,30 tiếng mỗi ngày…

Mô tả ảnh.
Buổi tọa đàm, giới thiệu về cuộc đời và tác phẩm của nhà văn - nhà báo – liệt sĩ Chu Cẩm Phong.
 
Nhà văn-Anh hùng LLVT Chu Cẩm Phong tên thật là Trần Tiến, sinh năm 1941 tại phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Năm 1954, anh theo cha tập kết ra Bắc, sau đó học khoa Ngữ văn, Đại học (ĐH) Tổng hợp Hà Nội và được kết nạp vào Đảng lúc đang là sinh viên năm thứ 3, khi vừa tròn 22 tuổi. Năm 1964, anh tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc, được nhà trường chọn đi học tiếp ở nước ngoài, nhưng anh đã xung phong vào miền Nam chiến đấu.

Vừa cầm súng, vừa cầm bút trên chiến trường Khu 5, anh đã cho ra đời các tác phẩm Vườn cây ăn quả nhà mẹ Thám, Gió lộng từ Cửa Đại, Mặt biển-Mặt trận, Rét tháng giêng, Con chị Hiền… Ngày 1 tháng 5 năm 1971, trong một cuộc chiến đấu không cân sức, Chu Cẩm Phong cùng 4 chiến sĩ khác đã anh dũng hy sinh. Cuốn nhật ký anh mang theo bên mình đã được một sĩ quan quân đội Sài Gòn trân trọng gìn giữ và trao lại cho người thân của anh sau ngày giải phóng Đà Nẵng.

Đời văn của anh thật ngắn ngủi, chỉ 3,5 năm, nhưng qua những trang nhật ký Chu Cẩm Phong ghi vội giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra ác liệt, đã phác họa gần như đầy đủ mọi suy nghĩ của một lớp thanh niên cầm súng chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Đó là tâm trạng của anh khi sắp được kết nạp vào Đảng: “Sắp đến mình sẽ đi công tác, mình nhận đi lại Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất. Mình có thể hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm. Mình nghĩ đến điều này một cách nghiêm túc. Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý, thì ba mình, nhất là mẹ mình sẽ đau khổ đến chừng nào. Mình biết điều đó. Mình là con trai được cả nhà yêu thương… Nhưng dầu thế nào mình cũng không xê dịch cái phương châm sống của mình: Dũng cảm say sưa quên mình như những chiến sĩ Cộng sản chân chính đi trước. Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn cũng hạnh phúc lắm thay!”. Đọc những dòng này, bên cạnh một Chu Cẩm Phong sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, tôi cũng bắt gặp một Chu Cẩm Phong nhỏ bé trước tình cảm rộng, dài của các đấng sinh thành, với một lối ghi chân mộc và thật thà nhất.

Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12), sáng ngày 18-12, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đã  tổ chức buổi tọa đàm, giới thiệu về cuộc đời và tác phẩm của nhà văn - nhà báo - liệt sĩ Chu Cẩm Phong - người con của quê hương Quảng Nam.  Tham dự buổi tọa đàm có các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, những người hoạt động cách mạng cùng thời với liệt sĩ Chu Cẩm Phong trên chiến trường Khu 5 xưa cùng đông đảo giảng viên và sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học sư phạm, Đại học Đà Nẵng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An tâm sự rằng: “Trong tôi, Phong mãi mãi là một hình ảnh đẹp, rất đẹp về một lớp trẻ miền Nam được đào tạo và trưởng thành trên miền Bắc và về lại quê hương chiến đấu như một sự thôi thúc tự nhiên-đi theo ánh lửa từ trái tim mình. Tôi tin là nếu Phong còn sống, chắc chắn từ Nhật ký vô cùng quý báu này, những ghi chép đã cho chúng ta thấy ở Phong một vốn văn hóa thâm hậu, một vốn sống đặc biệt phong phú, một năng lực quan sát và một thói quen ghi chép đáng kể, một văn phong trong sáng, Phong sẽ có những trang viết mà chúng ta chờ đợi, xứng đáng với những gì mà chúng ta chờ đợi”.

Với nhiều người, nhật ký là sự trải lòng, tự nói với chính mình, với Chu Cẩm Phong cũng vậy. Đoạn nhật ký ngày 30-12-1969, anh ghi: “Có đồng chí góp ý mình thế này, có lẽ mình sống mực thước quá, chân thật quá nên ảnh hưởng đến sáng tác thực thà quá. Trong sáng tác văn nghệ một sự đầy đặn đến tròn trĩnh thì cũng thật đáng sợ, nhưng mình không đồng ý. Hoàn toàn không đồng ý với ý kiến trên, nếu quả thực trong sáng tác của mình có sự tròn trĩnh đó. Mình không thể nào có một cách sống khác được, mình luôn luôn tự nhắc nhở mình không bao giờ lên gân, không bao giờ sống khác một chiến sĩ, mình trước hết là một đảng viên, sau đó rồi mới là một người văn nghệ”.  Dường như, anh đã luôn ý thức được việc mình phải làm, cần làm trước tiên trong thời khắc mà anh đang sống, đang chiến đấu.

Theo nhà thơ Thanh Thảo (Hội VHNT Quảng Ngãi), “Nhật ký chiến tranh” là một tác phẩm văn học kỳ lạ. Bởi anh sẽ không bao giờ nghĩ đến việc những trang nhật ký riêng tư, viết cho mình, của mình có lúc sẽ in thành sách, sẽ có bạn đọc tìm đến chia sẻ. “Chu Cẩm Phong chỉ muốn ghi lại một cuộc chiến đấu mà anh trực tiếp dấn thân, ghi lại những gì anh đã thấy, đã nghĩ, đã cảm xúc mãnh liệt về nhân dân mình, đồng đội mình, về con người và về cả những cuốn sách mà anh đã đọc, một người con gái anh đã yêu, một chốn quê nhà mà bấy lâu anh khắc khoải mong ngày trở lại”.

Và, cuốn “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong bắt đầu ghi ngày 11-7-1967 với câu: “Ở đây đã gần đồng bằng-nói đúng ra là gần trung châu-tiếng đại bác dưới Tư Nghĩa, Sơn Tịnh vọng đến ầm ì…” và kết thúc ngày 27-4-1971, với câu: “10 giờ, 2 chiếc phản lực đến thả bom và bắn đạn 20 ly, sau đó quân bộ kéo sang”. Mốc thời gian này cũng đã khép lại cuộc đời một nhà văn, một chiến sĩ tâm huyết với lý tưởng cộng sản. Vào tháng 3 năm 2010, nhà văn Chu Cẩm Phong được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, ông là nhà văn đầu tiên trong cả nước được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Huỳnh Lê
;
.
.
.
.
.