.

Nhịp cầu an sinh

.
Sống ở một nơi bị ngăn cách với bên kia bằng con khe, con lạch không thôi đã thấy mình như bó rọ một chỗ, huống chi là con sông rộng quăng cục đá không tới bờ bên kia. Nơi đó, người ta mơ ước có một chiếc cầu, chỉ để đi bộ qua thôi cũng đã là hạnh phúc lắm rồi.

Nhip-cau-1.jpg
Cảnh chen chúc này sẽ không còn nữa, khi cầu Túy Loan được xây mới, rộng 6,5m, dầm bê-tông cốt thép dự ứng lực.
 
“Niềm mơ ước đó phải chăng lâu rồi?”

Năm ngoái, khi huyện Hòa Vang khởi công công trình nâng cấp tuyến đường dài 4,6km từ thôn Thái Lai lên thôn Diêu Phong, ông Ngô Hùng nhà ở sát bên Cầu Ván, còn gọi là cầu Tân Thanh, thôn Thái Lai, vừa mừng vừa lo. Mừng vì mặt đường được mở rộng từ 3,5m lên 5,5m và trải nhựa, không còn nắng bụi mưa bùn. Lo vì đường chừ thẳng băng, ô-tô các loại chạy nhiều, mà cây cầu vốn được xây dựng cho phương tiện giao thông nông thôn đầu những năm 80 thế kỷ trước thì làm sao chịu nổi.

Ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, dẫn lời những người am hiểu lịch sử địa phương cho biết, cây cầu bắc qua Khe Ngang này được làm đầu tiên bằng ván vào thời chống Pháp, cách cây cầu hiện nay khoảng 50m về hướng Bắc. Nó có tên Cầu Ván là vì thế. Khoảng năm 1970, cầu bị sập, thấy đường cũ không thuận tiện, người dân địa phương đắp đường và làm cầu mới ở vị trí cầu hiện nay. Nói là cầu, chứ thực ra chỉ gác tạm mấy tấm ri sắt, mặt cầu rộng chưa tới 2m, đủ lọt 2 bánh xe bò.

Nhận thấy sự thông thương giữa hai bờ Khe Ngang quá bất tiện, năm 1981, Ban Quản lý HTX Nông nghiệp 3 Hòa Nhơn lên kế hoạch làm cầu mới. Ông Nguyễn Nhựt, nguyên ủy viên Ban Quản trị HTX nhớ lại: “Làm cầu cho dân đi lại thuận lợi, mà cũng là để đưa được vật liệu lên làm hồ chứa Trước Đông lấy nước tưới tiêu. Chủ nhiệm lúc đó là anh Nguyễn Bá Thanh, quen biết nhiều, nhờ mỗi nơi giúp một việc, thêm tinh thần bà con xã viên hăng hái làm ngày làm đêm nên chỉ chưa tới 4 tháng đã xong cầu”.

Ông Nhựt có nghề vẽ, những đêm trăng, ông tới hiện trường phác họa cảnh xã viên làm cầu, rồi về vẽ 21 bức tranh, sau khi hoàn thành cầu, gửi tặng cho các ban, ngành của tỉnh QN-ĐN (cũ). Ông Nhựt còn nhớ, mỗi bức có 4 câu thơ của Chủ nhiệm HTX: “Công trình nhộn nhịp đêm trăng/ Niềm mơ ước đó phải chăng lâu rồi?/ Gian nan song rất yêu đời/ Không ai ngăn nổi sức người đi lên”.

Thật vậy, người dân Thái Lai – Ninh An – Diêu Phong đã mơ ước lâu rồi, nay đã có con đường rộng ra, đẹp lên. Phía Diêu Phong xây dựng gần xong cây cầu bắc qua xã Hòa Phú; ở Thái Lai thì cây cầu hồi đó nói là làm tạm chứ cũng đã góp mặt với đời đến nay ngót nghét 30 năm rồi. Ông Ngô Hùng mỗi mùa mưa lũ, lại thấy bờ kè hai đầu cầu sụt đi một chút, mố cầu thì có hiện tượng bị nước chảy làm xói mòn. Vừa rồi, thấy mấy anh công nhân lên khoan thăm dò địa chất để chuẩn bị làm cầu mới, bà con Thái Lai ai cũng mừng.

Hồ sơ khảo sát lưu tại Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn - Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) thành phố Đà Nẵng cho thấy cây cầu một nhịp dài 12m với 5 dầm thép I500 này đã gỉ, không bảo đảm tải trọng đối với tuyến đường vừa nâng cấp. Ông Phan Trọng Tài, Phó Trưởng ban Quản lý thông báo một tin mừng: Cầu Ván (Tân Thanh) sẽ được khởi công xây mới vào quý 1-2011 với quy mô công trình vĩnh cửu, dài 18m, rộng 8,5m (gồm cả 2 lan can bó vỉa mỗi bên 0,5m).

Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Đăng Dự nhận định, cây cầu có tổng kinh phí gần 6,16 tỷ đồng này sẽ, cùng với con đường, trở thành “cú hích” phát triển mọi mặt đời sống của người dân, đi lại an toàn, làm nhà hay khai thác lâm nghiệp chi phí cũng thấp. Đặc biệt, có thể đi lên Bà Nà qua tuyến đường này, vừa gần vừa có thể ngắm cảnh hoa ngàn cỏ nội.

An sinh

Mô tả ảnh.
Với “tuổi đời” 30 năm, cầu Ván (Tân Thanh) khó có thể chịu được tải trọng lớn.
Thôn An Định, xã Hòa Bắc, có 47 hộ nằm bên kia Khe Răm, ông Phạm Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc lo lắng vì mỗi khi mưa lũ là nơi đây bị cô lập như ốc đảo, học sinh phải nghỉ học. Khi Sở GTVT đầu tư làm tuyến đường Bắc Thủy Tú – Phò Nam, gọi là đường ADB5, nối từ phường Hòa Hiệp Bắc qua Trường Định (xã Hòa Liên) lên Phò Nam (xã Hòa Bắc) thì bị “hẫng” một đoạn ở An Định do chưa có cầu qua Khe Răm. Đến quý 2-2011, cây cầu mang tên khe dài 48m, kinh phí 10,8 tỷ đồng, sẽ được khởi công xây dựng theo quy mô vĩnh cửu và một năm sau đó sẽ mang lại sự an sinh cho 47 hộ dân thôn An Định.

Chưa cầu vất vả đã đành, nhưng có cầu mà như cầu Túy Loan hiện nay thì cũng chẳng sung sướng là bao. Cây cầu rộng chưa tới 2m này được làm theo kiểu “giải quyết tình thế” sau khi lũ năm 1999 cuốn phăng cây cầu cũ. Cầu quá hẹp, anh Đặng Quốc Hòa, nhà ở đầu cầu phía Nam, nhiều lúc chứng kiến cảnh xe cộ va quẹt vào nhau, dẫn đến chuyện cãi vả không đáng có. Sắt làm lan can cầu đã gỉ, một vài đoạn lấy tre thay vào; trụ cầu bị ghe thuyền đâm vào, rạn nứt mấy chỗ. Thực trạng quả đáng lo, nên khi nghe tin Sở GTVT đầu tư gần 10,8 tỷ đồng khởi công ngay đầu năm 2011 xây mới cầu Túy Loan, Bí thư xã Hòa Phong Dương Tấn Đạt đã reo lên: Ước mơ lâu nay của người dân Hòa Nhơn và Hòa Phong sống hai bên sông chừ sắp thành hiện thực.

Giá trị của cây cầu không hẳn ở kinh phí tiền tỷ mà là hiệu quả an sinh do nó mang lại, thể hiện được sự quan tâm của Nhà nước đối với cuộc sống người dân ở nơi heo hút nhất, có khi chỉ là 47 hộ như ở An Định. Ông Trần Cảnh Quy, Trưởng ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Hòa Vang đơn cử như ở Hòa Khương, cầu Gò Đá, giá trị đầu tư chỉ 50 triệu đồng thôi, nhưng bà con thôn 4 đã được an toàn trong đi lại; cầu Bàu Sen, 100 triệu đồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhân dân thôn La Châu. Ở Hòa Tiến có cầu Đội 3, đầu tư chỉ 200 triệu đồng nhưng phục vụ đi lại, sản xuất nông nghiệp cho người dân thôn Cẩm Nê...

Ước mơ của người dân đối với những cây cầu quá “đát”, những vùng hẻo lánh còn “trắng” cầu, sẽ lần lượt được đáp ứng và người dân được hưởng lợi từ các công trình giao thông này xem đó là món quà tác động đến an sinh ý nghĩa nhất.

Trưởng ban Quản lý dự án giao thông nông thôn Nguyễn Đăng Huy: Ngoài các cầu ở Đà Nẵng, quý 4-2010, chúng tôi đã khởi công xây dựng cầu Cẩm Lý dài 165m bắc qua một nhánh của sông Yên, nối hai xã Điện Tiến và Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 10,9 tỷ đồng này nằm trong dự án Đà Nẵng hỗ trợ cho Quảng Nam nhằm mang lại sự an toàn trong giao thông cho người dân nông thôn.
 
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.