.

Những tuyến đường “tử thần”

.

Ít ai biết rằng, có nhiều con đường rộng rãi, thoáng mát, mang đến vẻ đẹp cho Đà Nẵng lại là nơi thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng. Theo các cơ quan chức năng, những vụ tai nạn không tập trung tại một điểm mà nằm rải rác, tạo nên những con đường “tử thần” tại thành phố này.

 

Mô tả ảnh.
Cột đèn tín hiệu đã được lắp đặt sau khi nút ngã tư Lê Thanh Nghị+đường mới 33m đi cầu Tuyên Sơn xảy ra 7 vụ TNGT nghiêm trọng.

 

Theo số liệu từ Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố, tính đến tháng 11 năm 2010, trên địa bàn xảy ra 202 vụ TNGT, làm chết 141 người và bị thương 160 người. So với cùng kỳ năm 2009, số vụ TNGT tăng 61 vụ (202/141), tăng 43,2%; số người chết tăng 16 người (141/125), tăng 12,8%; số người bị thương tăng 71 người (160/89), tăng 79,8%. Chủ yếu xảy ra trên một số tuyến đường lớn như Điện Biên Phủ (ĐBP), tuyến Quốc lộ 14B, đường tránh Nam hầm Hải Vân, Nam cầu Cẩm Lệ, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Hữu Thọ, Ngô Quyền, Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa-Trường Sa, Lê Văn Hiến… gây hoang mang cho người tham gia giao thông.

Bất ngờ từ những con số

Trong 25 vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn năm 2010 thì tuyến đường Lê Văn Hiến “gánh” con số nặng nhất với 6 vụ. Dù rằng, tuyến đường này đã được nâng cấp, mở rộng và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2010. Nhưng từ ngày có đường mới, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an quận cũng đã bắt vi phạm tốc độ trên 1.000 vụ, xử phạt hành chính gần 500 triệu đồng, chủ yếu là ô-tô 4 chỗ (chiếm 60%), còn lại là xe ben, xe tải… Nói như thế không có nghĩa là đối tượng lưu thông xe máy không phóng nhanh, vượt ẩu. Bởi theo Trung tá Trần Việt Hòa, Đội trưởng Đội CSGT quận, hiện nay quận chỉ có 1 máy đo nồng độ cồn, 1 máy bắn tốc độ nhưng không bắn đuổi được mô-tô, sử dụng được vào ban ngày và hay hư hỏng nên công tác bảo đảm trật tự ATGT chưa được hiệu quả.

Một ví dụ điển hình khác tại tuyến đường ĐBP. Tính đến cuối tháng 11, tuyến đường này đã xảy ra trên 200 vụ va chạm, chiếm khoảng 60% số vụ TNGT xảy ra trên toàn quận Thanh Khê, làm chết 3 người, bị thương nặng 9 người. Ông N.V.M, người dân sống trên đường ĐBP bức xúc: “Hầu hết những vụ TNGT xảy ra ban đêm, không rơi vào giờ cao điểm nên không có CSGT tuần tra. Đây là thời điểm người lưu thông “vô tư” phóng nhanh vượt ẩu, đi không đúng phần đường quy định, vượt tránh sai quy định nhưng không bị ai xử lý”.

Được biết, với chiều dài khoảng 3km, đường ĐBP là cửa ngõ đi vào trung tâm thành phố với 15 nút giao thông. Trong đó đáng chú ý nhất là các nút giao thông ngã ba Huế, Tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê, ĐBP-Hà Huy Tập, Lê Độ - ĐBP - Nguyễn Tri Phương… nơi thường xảy ra TNGT chết người. Lý giải về điều này, Trung tá Phan Đình Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an quận Thanh Khê cho biết: “Hiện nay, tuyến đường ĐBP luôn có một lưu lượng giao thông lớn, diễn ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, thiếu quan sát khi đi qua những nút giao thông nguy hiểm vẫn tái diễn. Bên cạnh đó, do phương tiện giao thông đa dạng, từ mô-tô, ô-tô tải, ô-tô khách, xe buýt, xe đạp, người đi bộ đan xen vào nhau, tạo nên bức tranh giao thông khá lộn xộn và phức tạp. Việc xuất hiện dày đặc các nút giao thông cũng dễ tạo yếu tố bất ngờ cho người đi đường nên chỉ cần mất cảnh giác là TNGT có thể xảy ra.

Như vậy, đã có một nghịch lý, là tại những tuyến đường nhỏ, chật hẹp lại ít xảy ra tai nạn chết người đã phần nào khẳng định, nguyên nhân chính ở những vụ TNGT nghiêm trọng là do lỗi không nhỏ của người tham gia lưu thông.

Tìm cách khắc phục “điểm đen”

Hiện nay, việc phát hiện và xử lý “điểm đen” trên địa bàn thành phố thuộc về 3 cấp quản lý, đó là Công ty Quản lý sửa chữa công trình giao thông và thoát nước Đà Nẵng, Sở Giao thông-Vận tải và CSGT thành phố. Vậy nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn những thông tin được lấy lại từ một đầu mối duy nhất, đó là Sở Giao thông-Vận tải. Điều này dẫn đến việc phát hiện và xử lý “điểm đen” giao thông bị thả nổi.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố chỉ ra một số nguyên nhân tại một số “điểm đen” như sau: “Hơn 50% vụ TNGT xảy ra vào ban đêm, do thời điểm này lực lượng CSGT hầu như không có, công tác tuần tra, kiểm soát thiếu lưu động, chủ yếu đứng chốt. Chính sách tiết kiệm điện (2 đỏ, 1 tắt) khiến nhiều đoạn đường thiếu ánh sáng. Chỉ mở nút, dải phân cách nhiều mà không lắp đèn tín hiệu để cảnh báo

người đi đường. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là người tham gia giao thông có biểu hiện “nhờn luật”.
Nghị định 34/CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thay thế Nghị định 146/CP cũ) đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-5-2010 nhưng xem ra chưa có tác dụng mạnh”.

 “Tai nạn tại “điểm đen” là tai nạn tiềm ẩn. Nhưng sẽ khắc phục được nếu tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát” là ý kiến của Trung tá Phạm Đắc Thái, Đội trưởng Đội Tham mưu-Tổng hợp Phòng CSGT thành phố khi nói về vấn đề này. Nhưng theo ông Thái, tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng tăng bởi Đà Nẵng hiện có khoảng 700 tuyến đường được đặt tên, lưu lượng xe máy, ô-tô tăng theo cấp số nhân nhưng chỉ có 4 trạm Cửa Ô, 2 đội tuần tra dẫn đoàn, 2 đội điều khiển tín hiệu giao thông với 150 chiến sĩ CSGT, con số quá mỏng so với nhu cầu giải quyết công việc thực tế.

Trước mắt, để khắc phục những “điểm đen”, Công ty Quản lý sửa chữa công trình giao thông và thoát nước Đà Nẵng đã phối hợp với các cơ quan chức năng lắp đặt bổ sung biển báo tại 12 vị trí như ở nút giao thông Lý Tự Trọng-Trần Phú, Lý Tự Trọng-Bạch Đằng, Phan Đình Phùng-Trần Phú, Phan Đình Phùng-Bạch Đằng, Thái Phiên-Bạch Đằng, Lê Hồng Phong-Trần Phú… Lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu tại các nút giao thông quan trọng; lắp đặt đèn tín hiệu nhấp nháy ánh sáng vàng sử dụng năng lượng mặt trời tại khu vực cầu vượt Hòa Cầm. Thời gian đến, công ty sẽ sơn lại các vạch kẻ bị mờ tại các tuyến Lê Đình Lý, Hàm Nghi, Trần Cao Vân, Nguyễn Tri Phương và tu bổ, sửa chữa hàng chục tuyến đường khác.

Ông Lê Khánh - Giám đốc công ty nói, dù đã rất cố gắng nhưng nguồn kinh phí bố trí cho công tác khảo sát hiện trạng tuyến đường, đánh giá nguyên nhân dẫn đến TNGT, đề ra các giải pháp khắc phục nhằm giảm thiểu TNGT trên các tuyến đường đang rất thiếu nên việc xử lý chậm, chưa làm thay đổi rõ rệt bộ mặt giao thông, dẫn đến TNGT vẫn thường xuyên xảy ra.

Trên thực tế, nếu chỉ chú trọng đến công tác sửa chữa, tu bổ mặt đường mà người đi đường vẫn tỏ ra “nhờn luật”, hoặc cách xử lý vi phạm chưa nghiêm thì những “điểm đen” muôn đời vẫn là “điểm đen”.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.