* Tôi bị hen phế quản đã lâu năm. Mới đây tôi lại bị đau đầu. Có người khuyên nên uống thuốc giảm đau aspirin. Xin hỏi, tôi có thể uống thuốc giảm đau này được không? (Ngô Thị Hải, tổ 5, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu).
- Thông thường aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid như piroxicam, ketoprofen, ibuprofen, indomethacin thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý như viêm đau khớp, đau đầu, chấn thương, sau mổ... Tuy nhiên, các thuốc này được biết có thể gây co thắt phế quản và làm khởi phát các cơn hen nặng trong khoảng 4-28% các trường hợp hen ở người lớn, đặc biệt là những người bệnh hen có kết hợp với viêm xoang và polýp cuốn mũi. Ngoài ra, một số trường hợp không có bệnh hen trước đó có thể xuất hiện các triệu chứng của hen sau dùng những thuốc này.
Các phản ứng đối với aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid có biểu hiện tương đối giống nhau, các cơn hen cấp thường xuất hiện khoảng 1 giờ sau uống thuốc, sau đó xuất hiện chảy nước mũi, đỏ mắt và nổi ban đỏ ở đầu và cổ. Những phản ứng này có thể rất nguy hiểm, một liều duy nhất của các thuốc này có thể gây co thắt phế quản nặng, sốc, mất ý thức và ngừng thở. Nếu bệnh nhân có nhu cầu bắt buộc phải sử dụng các thuốc chống viêm giảm đau, nên sử dụng các thuốc có tác dụng ức chế chọn lọc men cyclooxygenase 2 (COX-2) như rofecoxib, nimesulid. Việc điều trị giảm mẫn cảm với các thuốc này có thể được tiến hành tại các cơ sở chuyên khoa nếu cần thiết.
Chính vì vậy, người bệnh không nên uống aspirin và cần phải đến cơ sở chuyên khoa để được chỉ định dùng thuốc cụ thể để tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.
* Tôi bị ho có đờm kéo dài, bác sĩ khám chẩn đoán có thể tôi bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đã uống thuốc điều trị nhưng không khỏi. Có người khuyên tôi nên đi khám lại vì có thể tôi bị dãn phế quản. Xin hỏi triệu chứng của bệnh dãn phế quản như thế nào? Phương pháp chữa có giống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không? (Nguyễn Văn Trừng, Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Dãn phế quản là bệnh thường gặp ở người lớn với triệu chứng ho, khạc đờm dai dẳng. Nó có triệu chứng tương tự với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên bệnh nhân đôi khi bị chẩn đoán nhầm.
Dãn phế quản có hai thể bệnh: khô và ướt. Dãn phế quản thể khô biểu hiện ho ra máu lặp lại nhiều lần. Trong khi đó, biểu hiện của dãn phế quản ‘‘thể ướt’’ là ho khạc đờm mủ kéo dài, đờm đặc quánh, màu vàng, xanh, không nhầy trắng như trường hợp bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính. Lượng đờm từ trung bình đến nhiều khiến bệnh nhân phải khạc nhổ cả ngày chứ không chỉ ho vào buổi sáng như các bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính.
Trong quá trình diễn biến, người bệnh phải chịu nhiều đợt nhiễm trùng phổi với lượng đờm ho khạc, lượng mủ nhiều hơn. Bệnh nhân sốt cao, lạnh, run, đau ngực. Các đợt nhiễm trùng phổi trên bệnh nhân dãn phế quản nặng cần điều trị kháng sinh mạnh thậm chí phải nhập viện điều trị. Bệnh nhân có thể tử vong vì viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, choáng nhiễm trùng.
Người bệnh nên đi khám lại ở bác sĩ chuyên khoa hô hấp, để được điều trị bằng phương pháp thích hợp (trong trường hợp có chỉ định phẫu thuật) hoặc kiểm soát tốt bệnh (trong trường hợp không có chỉ định phẫu thuật). Bác sĩ sẽ hướng dẫn tập các động tác làm vệ sinh phế quản mỗi ngày, tập ho và khạc đờm. Người bệnh cũng được chỉ định tiêm ngừa phế cầu, tiêm ngừa viêm phổi và sử dụng các thuốc tăng cường miễn dịch, điều hòa miễn dịch...
P.M.C.T