.

Phòng mạch cuối tuần

.
* Gần đây tôi nghe rất kém, đi khám được chẩn đoán là mất thính giác. Bệnh của tôi có chữa khỏi được không? (Trần Văn Vũ, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu).

Mô tả ảnh.
- Mất thính giác chia ra hai loại: mất thính giác dẫn truyền và mất thính giác cảm giác. Mất thính giác dẫn truyền là do tổn thương loa tai, ống tai ngoài hoặc tai giữa. Còn mất thính giác cảm giác thần kinh là do tổn thương tai trong hoặc dây thần kinh số 8.

Nguyên nhân gây mất thính giác dẫn truyền thường do: nghẽn ống tai ngoài do ráy tai, dị vật, sưng lớp lót ống tai, tịt ống tai, u tân sinh ống tai, thủng màng nhĩ; gián đoạn chuỗi xương con, hoại tử mỏm dài xương đe do chấn thương hay nhiễm khuẩn; xơ cứng tai.

Mất thính giác cảm giác thần kinh thường do các nguyên nhân gây tổn thương tế bào lông của cơ quan Corti (tiếng động cường độ cao, nhiễm virut, thuốc độc với tai như salicylat, quinin, aminoglycosid, furosemid, acid ethacrynic, các hóa chất điều trị ung thư, vỡ xương thái dương, viêm màng não, xơ cứng ốc tai, bệnh Ménière, người cao tuổi), dị dạng bẩm sinh tai trong gây mất thính giác ở một số người lớn, giảm thính lực ở người cao tuổi giai đoạn đầu. Mất thính giác cảm giác thần kinh còn có thể do u tân sinh, bệnh mạch, bệnh hủy myelin, nhiễm khuẩn, thoái hóa hoặc chấn thương ảnh hưởng đến đường thính giác trung tâm.

Có một số bệnh nhân bị mất thính giác do cả hai nguyên nhân trên do mắc các bệnh ảnh hưởng đến tai giữa và tai trong như xơ cứng tai ở xương con và ốc tai, chấn thương đầu, viêm tai giữa mạn tính, cholesteatom, khối u tai giữa và một số dị dạng tai trong.
Mất thính giác dẫn truyền có thể phẫu thuật điều trị, nhưng mất thính giác cảm giác thần kinh thì không có cách nào phục hồi, trừ việc đeo máy trợ thính.

* Cháu đầu lòng nhà tôi thính lực rất kém. Tôi sắp sinh cháu thứ hai, rất lo lắng là cháu sẽ bị giống chị. Có cách nào kiểm tra sớm được thính giác của trẻ? (Ngọc Vân, tổ A Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Bạn nên kiểm tra thính giác của trẻ càng sớm càng tốt, vì khả năng nghe của trẻ ảnh hưởng đến khả năng nói rất nhiều. Khoảng 1 tháng tuổi bé đã biết bày tỏ sự chú ý với âm thanh, đặc biệt là nghe thấy giọng nói quen thuộc của người thân. Để kiểm tra sớm thính lực của bé, bạn có thể áp dụng như sau: vỗ tay nhẹ gần đầu trẻ, trẻ phải giật mình (giai đoạn trẻ 1-3 tháng); gọi tên trẻ, trẻ quay đầu lại, trẻ hướng mắt về nơi phát ra âm thanh (giai đoạn trẻ từ 4-6 tháng), có phản ứng tốt với tên gọi, âm thanh quen thuộc như chuông điện thoại, tiếng xe máy... (giai đoạn từ 6-10 tháng tuổi).
 
Hiện nay với sự trợ giúp đặc biệt của các dụng cụ kiểm tra thính giác sẽ giúp phát hiện sớm trẻ có khiếm khuyết về thính giác. Để tăng cường phát triển thính giác cho trẻ, bạn hãy cho trẻ làm quen với âm thanh ngay từ khi chào đời bằng tiếng hát ru, bằng những âm thanh từ các đồ chơi, từ tiếng chuông gió. Hãy duy trì thói quen kể chuyện, đọc sách cho bé ngay cả khi bé chưa hiểu hết. Những âm thanh và từ ngữ mà bé học được từ người thân trong giai đoạn đầu đời sẽ giúp bé dễ bắt chước trong quá trình học nói về sau.

Phòng mạch cuối tuần
;
.
.
.
.
.