.

Thăm hỏi

Thăm hỏi là việc làm thường xuyên của mỗi người nhằm duy trì một mối quan hệ tốt đẹp. Vì thế, ở mỗi trường hợp, người thăm hỏi và được thăm hỏi sẽ có cách hành xử khác nhau, nhằm đạt được hiệu quả giao tiếp tốt nhất.

1- Ốm đau, bệnh tật, tai nạn

- Khi hay tin bạn bè, đồng nghiệp, người thân đau ốm nên đến thăm ngay, dù công việc có bận rộn. Tránh việc gọi điện thoại để hỏi thăm. Nếu ở xa có thể gửi thư và không quên xin lỗi bạn, riêng đối với người thân trong gia đình, nên đến thăm hỏi, chăm sóc.
- Thăm người bệnh tránh ở lâu và nói những chuyện bi quan làm người bệnh xúc động. Tùy tình hình sức khỏe của họ mà thăm hỏi một lần hay nhiều lần.
a/ Cách chọn quà, thăm hỏi:

- Quà là thức ăn dễ tiêu, phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh trạng của người bệnh. Có thể tặng tiền bạc và giúp đỡ chăm sóc bệnh nhân.
- Nên giữ yên lặng, nhẹ nhàng khi đi trên hành lang, lên xuống cầu thang. Không nên dùng nước hoa nặng mùi, trang điểm quần áo lòe loẹt hoặc hút thuốc lá trong phòng bệnh nhân.
- Trước khi ra về, nên chúc bệnh nhân sớm bình phục.

b/ Về phía người bệnh:

- Có trà, nước mời khách thăm bệnh, cảm ơn người đến thăm.
- Lúc khỏe cần đi thăm trả lễ và cảm ơn người đã thăm hỏi.

2- Chuyện buồn phiền như cháy nhà, bị cướp, thiên tai…

- Đến thăm và chân thành an ủi người bị nạn, tránh khơi lại chuyện buồn phiền làm tăng thêm nỗi đau xót của nạn nhân. Giúp đỡ tiền bạc (nếu cần), báo công an, nhờ bạn bè giúp đỡ thêm.

3- Sinh đẻ

a/ Người đi thăm:

- Nếu đang bệnh hoặc đang có tang thì không nên đi thăm trong một tháng đầu.
- Người đi thăm nên đến thăm sản phụ khi được báo tin, nếu nhà xa nên đến thăm tại bệnh viện. Khi đến thăm nên hỏi qua sức khỏe bà mẹ và cháu bé, khen tặng cháu bé vài câu, không nên nói chuyện nhiều vì mới sinh sản phụ cần dưỡng sức, chúc sức khỏe mẹ và con khi ra về.
- Quà tặng: sữa, trứng, bánh lạt, đường, tiền bạc. Còn quần áo trẻ em thường tặng lúc đầu tháng.

b/ Sản phụ: Không cho con bú khi tiếp khách, có thể mời khách đến dự ngày đầy tháng. Cảm ơn khi khách ra về.

4- Cưới hỏi

a/ Khách được mời:

- Khi được thiệp mời, khách nên có quà tặng để tỏ lòng hoan hỉ, chung vui với bạn bè và gia đình bạn.
- Trường hợp không dự tiệc cưới được, nên báo tin ngay cho cô dâu, chú rể biết sau khi nhận được thiệp mời và cũng nên có quà mừng cho họ.
+ Cách chọn quà cưới:
- Trường hợp cho con cháu, bạn bè: Nhiều người nên hùn lại cho một số tiền lớn hoặc tặng món quà có giá trị sử dụng lớn.
- Bạn bè nên tặng quà tùy theo khả năng tài chính của mình như: đèn ngủ, ly, tách, chén, quạt, bàn ủi.
- Trường hợp ở thôn quê, người ta còn đến giúp đỡ nhiều ngày liền để sửa soạn đám cưới.

b/ Cách trả lễ:

Ghi lại quà và tiền của khách được mời vào sổ tay. Sau cưới, cô dâu, chú rể nên đi thăm lại những người đã giúp đỡ mình trong đám cưới.

5- Tang ma

- Khi hay tin nên thăm viếng ngay, chia buồn một cách thân mật, đồng thời tìm lời an ủi, động viên, tránh khơi lại kỷ niệm của người đã chết.
- Nếu chủ nhà nhận phúng điếu, ta nên tùy tình hình kinh tế của tang gia mà đi nhang, đèn, trái cây, vòng hoa hay tiền.
- Người đi viếng hoặc đưa đám ma mặc áo màu đen, trắng hay màu nhạt, tránh trang điểm lòe loẹt hoặc trang sức lộng lẫy làm mất vẻ trang nghiêm của cảnh tử biệt. Nên ít nói, lộ vẻ buồn để tỏ lòng thương tiếc người quá cố.
+ Đáp lễ:

- Khi đi điếu tang, khách xá linh cữu thì con cháu người quá cố phải đứng cạnh quan tài mà lạy trả lễ.
- Ghi vào sổ tay tất cả phúng lễ và tiền nong để sau này có dịp trả lễ khi cần.
-  Đăng báo hoặc in thiệp cảm tạ.

PHI TUÂN (tổng hợp)
;
.
.
.
.
.