Trong khi trẻ em thành phố có nhiều lựa chọn điểm vui chơi như công viên, nhà thiếu nhi hay trung tâm văn hóa..., ngoài ra các em còn có thể thoải mái chọn chỗ học võ, học vẽ... Còn đối với trẻ em nông thôn, hình như chưa mấy ai quan tâm đến việc các em vui chơi ở đâu và chơi như thế nào. Quá thiếu sân chơi… Tụ tập ở đầu làng, ngõ xóm - lựa chọn giải trí của đa số trẻ em nông thôn. Khi hè về, hay những ngày nghỉ cuối tuần, đa số trẻ em nông thôn đều rủ nhau ra sông tắm, chơi đá banh trong những khu đất bỏ trống... Em Nguyễn Huy, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Phú Hường kể: Bọn em không có chỗ chơi, thường tiện đâu chơi đó thôi. Khi nào dành dụm được tiền, em đi chơi game. Nghe hỏi về công viên, gương mặt Huy buồn buồn: “Từ nhỏ đến chừ em chưa khi mô được đi chơi công viên, sở thú hết. Nhiều khi thấy trên ti-vi, em thèm lắm”. Hỏi các em về kế hoạch chơi hè, hay chơi gì vào chủ nhật, đều nhận được câu trả lời: Ngày mô cũng như rứa, ngoài thời gian đi học thêm, làm việc nhà, tụi em cũng chỉ biết quanh quẩn với các trò chơi thường ngày như: đá banh, đi bơi, đánh trận giả... Thống kê sơ bộ cho thấy, thành phố hiện có gần 40 khu vui chơi giải trí (VCGT) dành cho trẻ em được xây dựng, với số tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng. Nhưng các khu VCGT xây dựng xong lại không phát huy tác dụng. Trong khi trẻ em thì luôn khao khát một sân chơi.
... Và đơn điệu
Hơn 10 năm về trước, các xã, phường ở thành phố đã đồng loạt triển khai xây dựng khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em trên địa bàn. Kinh phí đầu tư xây dựng mỗi khu VCGT từ 500 - 700 triệu đồng.
Diện tích thì nhiều, nhưng không được quy hoạch cụ thể.Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, chỉ riêng ở huyện Hòa Vang, đã có 9 xã được đầu tư xây dựng khu VCGT, trung bình mỗi khu được bố trí mặt bằng hơn 2.000m2 đất; đặc biệt xã Hòa Tiến còn bố trí trên diện tích 10.000m2. Tuy nhiên, rất ít trong số đó còn phát huy đúng chức năng vui chơi cho các em, như khu VCGT ở phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) với diện tích 2.500m2. Đây là khu VCGT duy nhất còn sót lại trên địa bàn quận. Nhưng đến nay, khu vui chơi này cũng chỉ còn là một khu đất trống, chỉ có vài cây xanh, hệ thống tường rào... còn ngoài ra, các trang thiết bị vui chơi như cầu trượt bằng bê-tông, đu quay bằng sắt... tất cả đều đã rỉ rét, nhiều cái gãy nằm chỏng chơ dưới những gốc cây, cỏ mọc um tùm...
Thực tế hiện nay, các khu VCGT xây dựng xong đều rơi vào tình cảnh hoang phế, không phát huy hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, các chi đoàn thanh niên ở nông thôn cũng hoạt động cầm chừng. Vậy nên trẻ em nông thôn thường tụ tập vui chơi ngay tại đầu làng, ngõ xóm hay bờ sông, sân bóng của xã. Các em thường tự phát chọn trò chơi, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách sau này.
Khu vui chơi đã thiếu, phương tiện vui chơi lại càng thiếu hơn. Cái gọi là “đồ chơi” trong một sân chơi tích cực để vừa giúp các em chơi, vừa giúp các em học như đọc sách, báo, văn hóa phẩm, các dụng cụ, đồ chơi lành mạnh đang rất thiếu với trẻ em nông thôn.
Lý giải việc này, những cán bộ có trách nhiệm của xã, phường cho rằng, do mô hình khu VCGT còn quá nghèo nàn về trang thiết bị vật chất để phục vụ cho nhu cầu vui chơi của trẻ em; chỉ vài cái cầu trượt bằng xi-măng cốt thép, đu quay bằng sắt, cầu bập bênh bằng gỗ... thì khó thu hút được trẻ em đến vui chơi. Hơn nữa, nội dung hoạt động của các sân chơi này cũng quá nghèo nàn và những hạn chế khác cùng sự “quên” của các cấp chính quyền... đã làm các sân chơi của trẻ cứ teo tóp dần... như thực tế hiện nay.
Để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu vui chơi giải trí cho trẻ em, giúp trẻ được hưởng thụ văn hóa lành mạnh dành cho lứa tuổi, thiết nghĩ, bên cạnh sự đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, các cơ quan chức năng cần có chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em và đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động này.
Thiết nghĩ, cần phải có những giải pháp đồng bộ trong việc xây dựng sân chơi cho trẻ em ở nông thôn, để các em được phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tâm hồn và để tuổi thơ của các em trôi qua thật hồn nhiên, trong sáng...
Kim Oanh