.
TRUYỆN NGẮN

Đêm cuối năm của Quýt

.
Thật ra, tên hắn không phải là Quýt. Chỉ từ khi vào thành phố giúp việc cho cô Ba Huyền, hắn mới mang tên ấy. Cô Ba nói: “Tau thấy con người mày cũng suôn sẻ, thẳng thớm chớ có cong queo chỗ nào đâu mà đặt tên là Quắn, kỳ quá!”.
 
Cô nói vậy thì hắn hay vậy, vì từ đây hắn giúp việc nhà cho cô, ăn cơm của cô, nhận đồng lương tháng của cô thì nó thuộc về cô rồi, chỉ sửa cái tên gọi cho lịch sự thôi, chẳng có gì phải tính hơn thiệt. Nó nghĩ đơn giản vậy. Nhưng với hắn, cái tên ấy hiện hữu từ hoàn cảnh ra đời của hắn, hắn phải nhớ mãi, dù bây giờ hắn mang tên Quýt. Càng nhớ, hắn càng thương mẹ hơn bất cứ ai trên đời. Mẹ hắn kể là hồi sắp sinh hắn, trời tháng mười một lạnh như cắt da mà bà cũng phải dầm mưa cấy cho xong đám ruộng. Còn có năm bó mạ nữa thì kín bờ, bà bỗng đau bụng từng cơn, mới đầu lâm râm, sau quặn thắt.
 
Đã hai lần sinh nở, bà biết đó là dấu hiệu con sắp chào đời, lật đật cầm tơi nón, quắn quíu đôi chân để khỏi sinh giữa đường giữa sá. Con bé sinh ra cũng hồng hào khỏe mạnh bình thường như mọi đứa trẻ nhưng bà đặt tên là Quắn để kỷ niệm lần vượt cạn may mắn của mình. Quắn nghe mà thương mẹ vô cùng. Hồi học lớp ba, nó cứ bị bọn con trai trêu chọc vì cái tên ấy. Tuy chỉ nhờ khoai sắn mà lớn nhưng con bé rất khỏe mạnh, biết tự bảo vệ mình. Nó đánh đuổi lũ bạn nghịch ngợm chạy chí chết, từ đó kiềng mặt nó, không dám chọc ghẹo nữa.


Làng Quắn ở là quê ngoại cô Ba Huyền. Cô ít khi về làng trừ những ngày giỗ chạp lớn của tộc họ vì ông bà ngoại cô qua đời cả, mẹ và các cậu dì đều ra thành phố từ thời chiến tranh.

Mô tả ảnh.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

 

Hồi tháng tám, xảy ra một trận bão lớn và sạt lở đất bờ sông, nghe tin qua báo đài, cô mới về thăm. Nhà thờ tộc ngoại cô cũng bị sụp đổ. Cô đi cùng hai phụ nữ lạ và một ni cô, mang về mấy thùng mì tôm và quần áo cũ phân phát cho một số hộ bà con bị nạn. Nhà Quắn không họ hàng gì với cô nhưng là ở cùng xóm, có nhà bị sụp đổ xuống sông, may là cả nhà không ai thiệt mạng nhưng chút tài sản ít oi cũng bị vùi trong bùn nước. Cô Ba phát cho cha mẹ Quắn hai chục gói mì và một bọc quần áo cũ, cả nhà mừng bắt khóc.
 
Chiều ấy, mẹ con Quắn ra đồng mót máy những hạt lúa còn sót lại sau cơn bão, trở về thì gặp cô Ba giữa xóm. Cô ngỏ ý với mẹ Quắn muốn thuê một trong mấy chị em Quắn vô giúp việc nhà, nếu ưng thuận thì ngày mai đi cùng cô. Mỗi tháng cô trả cho ba trăm ngàn, mỗi năm cô sắm cho hai bộ quần áo mới. Mẹ nó sẽ nhận của cô một khoản tiền ứng trước để giải quyết cái ăn cho cả nhà. Sự việc thật đột ngột. Cha mẹ nó mừng như người sắp chết đuối vớ được phao. Mừng thì mừng nhưng tối đó còn bàn tính đến nửa đêm chưa ngã ngũ. Vì ở nhờ cái chái bếp của bác Năm, một nhà khá giả xóm trên, nên cả nhà phải tắt đèn thì thầm bàn tính. Cuối cùng, con Quắn là đứa phải đi giúp việc vì anh nó là trụ cột phải phụ cha lao động đồng áng, chị nó 19 tuổi đã gả rồi, sang năm nhà trai đến cưới, chỉ còn nó 15 tuổi có thể đi xa được.

Nghe cha mẹ đưa ra quyết định ấy, con Quắn buồn nhiều hơn vui.
Buồn vì phải xa cha mẹ, anh chị, bà nội, bà ngoại là những người rất đỗi thân yêu, từng no đói có nhau, xa cái làng quê hiền lành mà nó từng gắn bó, có dòng sông, bến nước, bờ tre ruộng lúa quen thuộc. Ôi, lại còn cái đám bạn nhỏ của nó khi chăn trâu, lúc cắt cỏ trên đồng đùa vui rộn rã. Bây giờ phải xa cách cả năm trời, nó làm sao chịu nổi! Cô Ba đã giao kết với mẹ nó rồi, phải làm cho được một năm cô mới cho về. Nó dùng dằng không muốn đi. Gần sáng, nó ôm mẹ, khóc rấm rứt. Mẹ dỗ dành: “Mẹ cũng không muốn để con đi xa vì mẹ nhớ con lắm, nhưng nhà mình lúc này khó khăn quá, riêng chỗ ở, chưa biết chui rúc vào đâu nữa là cái ăn. Mùa màng mất sạch, còn ít khoai lúa trong nhà thì đổ ụp hết xuống sông rồi. Con thương cha mẹ, thương anh chị thì con chịu khó, may ra trời ngó lại, nhà mình khấm khá lên, con lại về với mẹ! Cô Ba đây là người quê mình, chỗ quen biết, con đừng sợ!”.


Thấm thoắt, Quắn giúp việc cho cô Ba được bốn tháng rồi!
Nhà cô là một ngôi nhà ba tầng nằm ngay mặt phố rộng có nhiều cây xanh râm mát. Phố có nhiều nhà giống hệt nhau, một lần đi chợ về, nó suýt vào lộn cổng, may mà nó nhớ ra hai cây dừa kiểng cao lênh khênh trước cửa và cái màu sơn xanh của cổng sắt.

Công việc nhà cô thì bây giờ Quýt đã thạo rồi, từ nấu ăn, giặt giũ, lau chùi nhà cửa, dọn dẹp bếp núc, cô Ba có vẻ bằng lòng nó. Nó là đứa sáng dạ, chịu khó và nhất là có tính trung thực. Nhiều khi cô để quên tiền lẻ trên tủ lạnh, hay trong túi quần, túi áo bỏ vào máy giặt, nó phát hiện ra, bao giờ cũng giao nộp lại tử tế. Rồi cô tập cho nó đi chợ, nó đi vài ba lần, cô thấy được bèn khoán cho nó khoản chợ búa luôn. Nó không phiền hà gì, cứ mong thời gian qua mau để đến ngày nó được về quê.

Có một điều nó thường tự thắc mắc mà không dám hỏi ai, ấy là từ ngày nó ở đây, chưa hề thấy chồng cô Ba. Thỉnh thoảng nó bắt gặp một người đàn ông ăn mặc chải chuốt từ phòng cô đi ra, cười cười nói nói có vẻ thân mật và họ xưng hô với nhau bằng anh em. Một hôm, nó nghe Thủy, con gái cô, nói: “Má ơi, ba điện về cho biết chiều mai ba về chuyến máy bay 5 giờ, má con mình chuẩn bị đi đón ba nghe má, con sẽ mua bó hoa thật đẹp!”. Đáp lại lời thông báo của con, cô Ba chỉ ừ một tiếng chứ không tỏ vẻ vui mừng, Quýt để ý. Và cũng nhờ vậy, Quýt mới biết “dượng Ba” làm việc ở một nước nào đó, xa lắm.

Thủy cũng trạc tuổi Quýt, học lớp 10, ăn uống sung túc mà người gầy, cao nhòng. Anh của Thủy là Tân, học đại học. Hầu như cả ngày anh em nó vắng nhà luôn. Quýt nghe nói ngoài học ở trường, chúng nó còn học nhạc, học tiếng Anh, tiếng Hàn gì đó. Cũng có hôm chúng kéo bạn bè về nhà, đàn hát nhảy nhót ầm ĩ, còn sai Quýt ra phố mua hết thứ này đến thứ khác. Chán chê rồi cả bọn kéo nhau đi, một mình Quýt phải thu dọn chén cốc bát đĩa, quét tước sạch sẽ, sợ cô Ba về, thấy bày bừa, cô lại quở mắng nó. Rất chiều con nhưng có lúc cô cũng phải giật mình cho sự tiêu pha của cậu quý tử. Một buổi sáng, Quýt lau nhà, nghe cô Ba vặn vẹo thằng Tân: “Chớ mày xài tiền kiểu gì mà lạ vậy, mới lấy năm trăm ngàn của má đó, giờ lại xin nữa! Tiền bạc cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có chớ phải của ông Hóng đâu!”.

Tân cười hề hề: “Bữa nay con xin để nộp học phí, má không cho thì nhà trường đuổi học, con ở nhà luôn cho má coi!”. Thế là một xấp bạc giấy lại vào tay cậu con trai, chẳng biết có nộp cho nhà trường hay lại ra quán bia, quán bi-da.

Trong nhà, Quýt chỉ thương mỗi bà cụ già, bà là mẹ chồng cô Ba, đau ốm rề rề quanh năm, chưa đến nỗi nằm liệt nhưng đi lại khó khăn, người gầy hom hem. Hằng ngày, Quýt bưng cơm cháo vào cho bà, đỡ bà ngồi dậy để bà tự múc ăn, nhưng tay bà cứ run lẩy bẩy. Những lúc còn chờ cho đông đủ cả nhà mới dọn cơm, Quýt bón cho bà thì cơm canh đỡ rơi vãi mà bà ăn cũng được lưng bát. Nhưng khi mấy mẹ con cô Ba về thì Quýt bị sai vặt liên tục:

- Quýt, đưa tau cái bát!
- Quýt, lấy cho con dao!
- Quýt, thêm tí đường kẻo nước chấm mặn quá!
Khi nó đã chạy xong mọi việc, định bước vào phòng bà thì cô Ba gọi giật lại: “Quýt, không ăn cơm cho xong, mày còn làm gì nữa?”.
- Dạ, con vô coi thử bà ăn…

Cô gắt lên: “Coi, coi cái gì? Bà tự ăn được mà! Trước đây, không có mày thì sao?”.
Nó biết vậy là cô không bằng lòng cho nó giúp đỡ bà cụ. Nó không hiểu vì sao nhưng không dám nói gì, đành ra ăn uống dọn dẹp. Khi nó trở vào bưng khay chén bát, nó thấy nửa miếng cá kho rơi ở sàn nhà, nó đoán là bà không điều khiển được cái muỗng.

Một hôm, người cháu của bà đi công tác về, ghé lại thăm, biếu bà một chiếc khăn len và một đôi tất. Anh ấy vừa đi ra khỏi cửa, cô Ba liền lấy gói quà cất vào tủ của cô và nói: “Để đây rồi gửi về cho bà ngoại chứ trong này đâu có lạnh mà bà nội dùng!”. Con Quýt thấy lạ. Mẹ nó tuy nghèo nhưng có lá trầu, trái cau hái ngoài vườn hoặc củ khoai, củ sắn nấu chín cũng mời bà nội trước rồi mới sai con đem về cho ngoại. Hồi nhà nó chưa bị bão lụt đổ xuống sông, bà nội vẫn ở cùng cha mẹ nó là chính, thỉnh thoảng mới sang nhà chú Tư, chú Sáu. Tối nào cha con nó cũng xúm xít quanh bà nội nghe bà kể chuyện đời xưa rất vui.
 
Còn bà cụ ở đây suốt ngày thui thủi trong phòng riêng, tuy cơm cháo, cá thịt không thiếu, chăn đệm đầy đủ nhưng chẳng ai hỏi han một lời.
Hằng ngày, cô Ba đi làm về - nó cũng không biết cô làm gì, ở đâu - ăn uống xong, dặn dò nó vài công việc rồi lên lầu nghỉ trưa. Buổi tối, cô đi chơi với mấy bà bạn đến khuya, hôm nào nó cũng phải thức để mở cửa. Còn Thủy và Tân, nếu không dán mắt vào ti-vi, máy tính thì mỗi đứa một xe máy phóng đi.
Chiều nay, Quýt ra quét ngõ, thấy đường phố rộn rịp hơn mọi hôm, người và xe cũng đông hơn. Xe máy, xích-lô lên xuống nhiều hơn, trên xe là những cành mai rực rỡ, những chậu quất lúc lỉu trái vàng trông thích mắt. Nó giật mình nhẩm tính thế là nó ở đây hơn bốn tháng rồi và chỉ còn độ 10 ngày nữa là Tết Nguyên đán. Từ bấy đến nay nó chẳng có tin tức gì về quê nhà cả. Cô Ba có hứa là hôm nào cô sẽ điện thoại về làng hỏi thăm giúp mà mãi chẳng thấy cô đả động gì.

Rồi chồng cô Ba về. Đó là một người đàn ông cao lớn, da ngăm đen, đôi mắt hơi xếch, nói giọng trọ trẹ. Ông về rồi hấp tấp đi ngay, sau khi giao cho vợ hai chiếc va-li lớn và nói với cô một câu gì đó, không nghe rõ. Chắc là có nhiều hàng hóa quý giá nên cô đem ngay lên phòng, khóa cửa lại để mình cô dọn dẹp. Quýt nghĩ bụng: Sao ông chủ đi xa về chẳng vào thăm mẹ, mà cũng chẳng hỏi ai một câu về sức khỏe bà! Nhưng nó đâu dám nói ra. Chiều ấy, cô Ba cầm một hộp sữa, bước vào cửa phòng bà, nói trống không: “Đây là quà của ba sắp nhỏ biếu bà” rồi đi ra ngay.

Liên tiếp mấy hôm, ông chủ không ăn cơm nhà, mà bận tiệc tùng đâu đó, cô Ba nói ông đi họp các tỉnh. Ông cũng chưa biết sự hiện diện của con Quýt trong nhà mình.

Một buổi tối, xong việc bếp núc, Quýt ra ngồi xem ti-vi ở phòng khách. Cô Ba đi chơi với mấy bà bạn. Nghe chuông reo, nó ra mở cổng, tưởng cô Ba về, hóa ra là ông chủ. Nó lễ phép chào:

- Thưa bác mới về! Ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy Quýt:
- Bé nào đây?
- Thưa, con ở quê, vô giúp việc cho cô!
 
Ông vừa bước lên tam cấp vào nhà, hỏi: À, giúp việc hả, được bao lâu rồi? Quýt theo sau, đáp nho nhỏ: - Dạ, được bốn, năm tháng.

- Hèn gì mà trắng trẻo! Qua ánh đèn tuýp sáng choang, nó thấy đôi mắt sắc của ông nhìn nó chăm chăm. Và chừng như để chữa bớt lời nhận xét sống sượng của mình, ông ta hỏi, ra vẻ quan tâm:

- Vậy có định về quê ăn Tết không?
Câu hỏi đúng vào nỗi buồn của Quýt khiến nó rơm rớm nước mắt:
- Dạ, cô chưa cho về, cô nói phải làm đủ một năm, cô mới cho.

Ông ta cười: Ờ, thì thử ăn Tết thành phố một lần cho biết!

- Nhưng mà cháu nhớ nhà lắm!
- Đừng lo, rồi sẽ có nhiều điều vui thích, cháu sẽ quên nhớ nhà luôn!
Quýt mang ấm trà xuống nhà chế thêm nước sôi. Nó không biết rằng phía sau đang có một cặp mắt hau háu nhìn vào tấm lưng thon thả và cặp đùi nở nang, rắn chắc của nó, đứa con gái nông thôn sắp bước qua tuổi 16.


Chiều 30 Tết.
 
Lễ cúng rước ông bà vừa xong. Cả nhà cô Ba quây quần quanh chiếc bàn dài để dự bữa cơm cuối năm thịnh soạn. Vợ chồng cô và hai đứa con ăn uống, nói cười rôm rả. Bia lon được khui liên tục, hình như không ai kém ai về tửu lượng. Riêng ông chủ còn dùng một loại rượu thuốc gì màu vàng sẫm mà ông không cho cậu con trai đụng đến, bảo loại này chỉ dành cho người cao tuổi.

Quýt cũng được gọi lên ngồi cùng bàn. Chỉ mình bà cụ ở trong phòng với suất cơm như mọi ngày, có thêm đĩa chả lụa.

Quýt ngồi cho có lệ. Thức ăn ê hề mà nó không cảm thấy ngon. Trong đầu nó rối tinh bao suy nghĩ: Không biết ở nhà, giờ này, bà nội, cha mẹ, anh chị em nó ăn gì? Có gạo để nấu cơm không? Có mua được chút thịt nào không. Đã che được chỗ ở chưa hay còn ở nhờ bếp của bác Năm?

Phát hiện ra vẻ bơ phờ của nó, cô Ba nhắc:

- Quýt ăn đi chứ, mày suy nghĩ gì mà còn nguyên chén cơm vậy?
Nó đáp lí nhí:
- Dạ, con ăn đây chớ, có suy nghĩ chi đâu!

Cô Ba lại ân cần bảo nó: Có bộ quần áo mới cô để trên giường cháu, lát nữa dọn dẹp xong, cháu lấy mặc thử để mai còn đi chơi phố! Quýt dạ nhỏ và vội vàng ăn cho xong bữa. Thật ra quần áo mới đối với nó lúc này chẳng còn là niềm vui nữa. Mọi năm, mỗi lần Tết đến mẹ nó mua ở chợ về cho chị em nó mỗi đứa một chiếc áo cánh vải phin là đứa nào cũng ôm lấy hít hà để tận hưởng cái mùi thơm của vải mới, để rồi sáng mồng một xúng xính dạo chơi khắp xóm, coi đánh bài chòi, nghe hô thai nhộn nhịp…

Bữa tiệc tàn, vợ chồng cô Ba ra phòng khách uống nước, Tân và Thủy đã phóng xe đi từ nãy. Một mình Quýt với bao nhiêu chén bát, ly cốc, soong nồi phải cọ rửa, nó bắt đầu cảm thấy mệt mỏi rã rời, chỉ muốn ngả lưng ngay, đánh một giấc.

Ngoài phòng khách, có tiếng cô Ba giục chồng: Anh cũng thay quần áo rồi đi chớ, họ mời vợ chồng mình mà!

- Thôi, má nó đi đi, cáo lỗi giùm tôi. Tôi uống quá chén, váng đầu quá, chỉ muốn nằm! Rồi ông bước chân lên cầu thang, còn dặn vợ:
- Má nó cho con Quýt đi với, để nó biết công viên.
- Cho nó đi sao được, mình đi với vợ chồng ông Giám đốc công ty mà, họ đưa ô-tô đến đón, có nó đi, coi kỳ lắm! - cô Ba ngắt lời chồng.
- Vậy thì thôi!
Nghe tiếng còi xe, Quýt chạy ra mở cổng. Một chiếc ô-tô màu đen bóng loáng từ từ đậu lại, trên xe đã có một ông, một bà ăn mặc sang trọng. Cô Ba, trong bộ váy áo sặc sỡ chào khách rồi quay lại dặn nó: “Chắc cô về hơi khuya, cháu cứ ngồi coi ti-vi, chờ cô nghe!”.
 
Nó đóng cổng, vào nhà cài chốt cửa cẩn thận, ra nhà sau tiếp tục dọn dẹp. Xong đâu đấy nó tắm rửa rồi lên phòng khách mở ti-vi xem. Chương trình tối 30 Tết kênh nào cũng hay, cũng hấp dẫn. Ca nhạc thì ca sĩ đẹp ơi là đẹp, phim truyện thì diễn viên tươi trẻ, xinh xắn nhìn mãi không chán. Nhưng mới được khoảng nửa tiếng, cơn buồn ngủ ập đến, nó không cưỡng lại nổi, vội tắt màn hình, định chỉ ra nằm ngả lưng tạm ở nhà sau rồi lại trở ra nên nó vẫn để đèn sáng choang.Không ngờ nỗi mệt nhọc làm nó chìm sâu trong giấc ngủ. Không còn biết gì nữa…
Chẳng rõ lúc ấy là mấy giờ đêm, nó uể oải định trở mình ngồi dậy nhưng không sao nhắc nổi chân, mới đầu nó tưởng chân mình bị tê, té ra không phải mà đương có vật gì nặng lắm đè lên đôi chân nó. Nó hoảng hốt lấy tay xô mạnh vật nặng ấy, thì ra đó là một cái chân người. Nó cố vùng dậy nhưng toàn thân nó đã bị một vòng tay siết chặt và một giọng nói ồ ồ, trọ trẹ, hổn hển phả vào tai nó: “Im, đừng kêu, bác sẽ cho nhiều tiền!”. Thấy bốn bề tối mịt, đèn phòng khách đã tắt bao giờ, nó hiểu ra, cố vùng vẫy và kêu to: Bớ người ta, ăn trộm, ăn trộm! Vòng tay nới lỏng ra, một tiếng rít qua kẽ răng: Đồ ngu! Quýt không kịp xỏ chân vào dép, chạy vụt lên phòng khách, mở đèn sáng choang. Cô Ba vẫn chưa về.
 
Nhà bên cạnh, giọng người lớn, trẻ con reo hò: Bắn pháo hoa rồi, đẹp chưa kìa! Giao thừa rồi, con Quýt thầm nói với mình. Nó không nghĩ ngợi, chạy ra nhà sau lấy túi ni-lông quần áo của nó, mở cổng bước ra đường, đi như chạy về phía bến xe trong tiếng lụp bụp của đêm pháo hoa chưa dứt.

Phan Thị Mỹ Khanh
;
.
.
.
.
.