Đó là cái chòi nhỏ nằm chơ vơ trên đồng gió. Nó chỉ để tá túc khi canh đồng, dặm cua. Vào mùa nước rong còn là nơi tấp vào của mấy chiếc vỏ lãi cân tôm bán lại cho các vựa. Còn bây giờ ngoài chú Năm Hạnh, là Mười Dửng.
Nghe kể, y tới đây cũng lâu rồi. Nghề chính của y là chăn vịt đồng. Hai người gặp nhau bỗng hạp quá xá. Ngày đầu tiên đến, chú Năm bảo y đưa tôi đi xem vịt. Cánh đồng gió đàn vịt cả ngàn con của y chạy lúp xúp thật ham. Tôi thấy Mười Dửng uy nghiêm như vị tướng quân giữa mê hồn trận của Marquez. Sau đó chúng tôi ngoạn du một vòng sông nước châu thổ. Dòng kinh thẳng tắp, chạy mênh mang. Khi đi qua các rẫy chệt, hai bên vàm sông mọc dày cỏ chát. Thứ cỏ lạ mà tay tổ lang thang như tôi chưa từng thấy mọc ở đâu. Trong gió bao lớp đè chồng ngã rạp. Khi cánh quạt mỏ vịt chém vào, lá khô kêu vè vè, bay tốc táng. Bấy giờ tháng chạp đã về. Hơi nước bốc theo gió khô khao và hanh lạnh.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Giữa khuya giấc ngủ chập chờn biển sóng. Sáng ra, sương mờ bồng bềnh. Mùa nước ròng nên cua béo. Theo phù sa là thức ăn. Lũ cua bén mùi trong những hang nẻ lóp ngóp chui ra. Trong mớ lưỡi câu ba cạnh mà chú Năm Hạnh cùng tôi bơi xuồng câu cặm lúc chiều, những con cua no mồi vẫn không chịu nhả khúc lươn nướng. Cái mùi lươn đất hơ lửa thật quyến rũ. Rượu bắt phải biết! Lũ cua cũng mê mệt cho đến khi giở vó, chúng láo liêng những cặp mắt lồi nhìn chúng tôi. Cứ như chúng không sợ bị bắt mà chỉ sợ những miếng mồi thơm bị cướp mất. Sau nhiều lần cua kẹp, tôi cũng đã biết dùng tay trái đè dí từ trên mai cua, tay phải dùng sợi dây buộc ngang cặp càng và khóa chặt các khoen chân. Lũ cua bò ngang giãy dụa rồi đành thúc thủ nằm yên. Từng con bị ném vào giỏ để mỗi sớm đưa ra sàn nước cân cho lái vựa.
Chòi gió của chú Năm Hạnh nhiều gã ghé vì Hai Trâm là một cô gái đẹp. Kể cả Mười Dửng. Y cũng thầm mơ được là bắt rể chú Năm. Đó là lý do mà y, một tay chăn vịt từ Gành Hào xuống quanh quẩn vùng này. Để đưa đàn vịt đến đây không rõ y đã đi bao xa. Tôi cũng chỉ biết quê y đi về hướng biển. Còn những đồng cỏ chát ngút trời này đang ở Lung Roi, lưng chừng cửa ngạn sông. Và nghe đâu, Hai Trâm cũng có ít nhiều cảm tình với y. Cuộc tình này âm thầm vì bị thím Năm cấm cản. Thím nói con gái thím không phải để gả cho một thằng chăn vịt. Đó là câu chuyện của những tay lái vựa, mua cua chứ chú Năm chưa bao giờ đả động tới. Câu chú thường nói mỗi chiều với kẻ đối diện là “ê, nhậu mày!”. Và chúng tôi uống đến say khướt.
Nhiều lần tôi ngồi với Mười Dửng trên sạp còn bị vịt ngáp mỏ đớp dưới chân. Y kể từ năm bảy tuổi y đã bén nghề chăn vịt. Vì nhà nghèo quá thôi. Đến bây giờ y không biết đã rong ruổi qua bao nhiêu cánh đồng miền hạ. Nhưng y có thể tự hào mà nói rằng nếu tính theo đường chân trời thì y và những con vịt đã đi hết tất cả những cánh đồng cỏ chát rộng lớn nhất của miền Tây. Từ Vĩnh Long xuôi về Cà Mau. Có những cánh đồng rộng đến nỗi khách thương hồ gọi là đồng chó ngáp. Bởi chạy nhanh như chó cong đuôi còn phải ngáp. Nhưng với y chẳng hề hấn gì! Hai mùa mưa nắng cùng đàn vịt đi qua. Sau vụ gặt càng phải mau xua vịt tới để kiếm cái ăn. Và có rất nhiều đêm cuộc đời vịt chạy đồng của y đã phải đụng độ tóe máu khi đối đầu với những toán chăn vịt từ những miền khác đổ tới. Trong sự hỗn loạn, Mười Dửng vẫn nhận ra đàn vịt của mình từ những tiếng kêu lóp ngóp dưới chân. Thì ra cái nghề này đã ăn sâu thâm căn cố đế vào y. Không chỉ nhìn trời, nghe gió bắt mạch thời tiết mà còn giúp y tinh nhạy nắm bắt những đặc điểm cố hữu của đàn vịt. Như tiếng kêu khạp khạp đã giúp y tìm ra con vịt lạc bầy khi chạy đồng.
□
□
Nếu như Mười Dửng đem lòng yêu Hai Trâm như những tay vựa nói và được yêu thì đó có thể là may mắn lớn nhất đời y. Bởi Hai Trâm như một đóa hoa tuyệt sắc trên đồng cỏ chát. Mười Dửng không nói ra nhưng qua những câu chuyện bâng quơ người nghe biết được niềm khát khao kín thầm đó. Chỉ cần sở hữu một người đẹp như thế, y đã có thể cúc cung tận tụy, chăn vịt hết cả cuộc đời của mình. Nhưng những đêm đối ẩm bên vàm sông, trong căn chòi đầy gió, khi chú Năm Hạnh say khướt bỏ đi nằm, Mười Dửng mới lè nhè kể. Những chuyến lang thang đã làm y mệt mỏi. Giờ đây y mơ một mái ấm gia đình. Vợ y là một cô gái đẹp, nhìn hao hao giống như Hai Trâm. Em mặc chiếc áo bà ba, ngồi bên những ổ trứng vịt đầy nhóc mặt ngời hạnh phúc. Cái khuôn mặt đầy trứng cá, bộ dạng vốn đã queo quắt của y lại càng như nhỏ thó, gầy rút lại vì những ngọn gió chướng trong đêm tôi đã không làm giảm sút ánh lửa long lanh trong hai hốc mắt. Mà thực thì y có lỗi gì? Y không có quyền mơ một tình yêu, một tổ ấm hạnh phúc hay sao? Mùa thu hoạch nào Mười Dửng cũng lựa ra những hột trứng đẹp nhất, có màu ngà, ửng hồng để gửi tặng Hai Trâm.
Y mong muốn cuộc tình thầm kín của mình cũng hồng hào, với một kết thúc có hậu, tròn vo như quả trứng vậy. Nhưng đó là suy nghĩ của y khi những giỏ trứng gửi đi. Còn thật tình y chưa bao giờ cất được bằng lời vì không đủ ngôn từ và lòng dũng cảm. Bởi thế nghe đâu nhà thím Năm trứng vịt nhiều đến nỗi xếp đầy cần xé. Rất nhiều món ăn được chế biến từ trứng cho đến khi cả nhà ớn tận óc. Người dân cả vùng đó đều được ăn trứng vịt lấy thảo của Mười Dửng. Và trứng nhiều đến nỗi nếu không cho hoặc bán đi thì đến lúc cũng không còn chỗ để. Thím Năm phải cho người ra chợ kêu mối vào bán sỉ.
Giữa hai mùa nước rong Hai Trâm vẫn ngồi một mình buồn như thế khi có việc chạy máy đuôi tôm qua chòi. Thường những lúc đó thím Năm đi cùng em khi biết chắc là Mười Dửng không có nhà. Y đang tất tả lùa vịt trên đồng. Tôi không rõ tình yêu họ dành cho nhau thực sự thế nào? Nhưng mỗi đêm về khi nghe kể lại Mười Dửng gần như phát điên vì không gặp được em. Chú Năm Hạnh vẫn thế! “Ê, uống mày!” là câu nói duy nhất còn sót lại trên bờ môi chú. Trong cơn say chú đã lầm bầm điều chi không rõ. Ai cũng biết mọi việc trong nhà do một tay thím Năm cất đặt. Phải chứng kiến những điều ngang trái đó một kẻ lang thang phiêu bạt như tôi bỗng buồn như chưa bao giờ. Mười Dửng cứ uống tỳ tỳ như hũ nút. Con mắt mở chong trong gió. Vần vũ những chân trời bão nổi.
Chỉ có một lần duy nhất tôi được chứng kiến Mười Dửng hạnh phúc khi song ca vọng cổ cùng Hai Trâm trong mùa mưa nấm mối. Cũng như quy luật trời đất vào giữa mùa gió chướng, khi mưa rây đồng nấm mối ra tai. Trên những đồng cỏ chát và những cội rơm, mấm mối mọc nhanh. Chỉ sau một đêm lũ trẻ có thể gọi nhau bẻ nấm trên đồng. Cái mùa nấm mối duy nhất đấy cũng như ngày vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ hẹn gặp nhau bên cầu Ô Thước. Trưa đó, thím Năm cùng mấy người bạn qua chòi đổ bánh xèo. Hai Trâm đúc bánh rất khéo. Em tráng bột trên cái rây nhỏ từng hạt mịn màng kéo sợi.
Trời mưa, bánh nóng, hương vị đầu mùa của nấm mối khiến ai cũng tấm tắc, hít hà. Sau vài ly xoay chừng, chú Năm Hạnh nâng cây đờn lên so dây. Không gian như chìm trong một thứ ánh sáng khác. Đó là không khí phiêu diêu tài tử. Mười Dửng cất tiếng ca “Ghe chiếu Cà Mau cắm sào trên dòng sông ngã bảy. Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào…”. Có lẽ cuộc đời phiêu bạt của y đã tích tụ qua giọng ca như một sự tuyệt vọng còn giữ lại. Tiếng ca của Hai Trâm vút lên nghe như hòa sắc điêu luyện trên một bản ngũ cung. Người nghe như thấy giọt nước mắt trong tiếng hát. “Con chim đa đa đậu nhánh đa đa. Chồng gần không lấy lấy chồng xa. Lỡ mai đây cha yếu mẹ già. Bát cơm đôi đũa chén trà ai bưng…”. Tôi bỗng nghĩ về những quả trứng màu ngà bên ngoài nhìn ngỡ rất bình yên mà bên trong chứa toàn giông bão. Trong tiếng ca, nỗi lòng của chàng chăn vịt bên cạnh nỗi niềm phận gái thuyền quyên nghe uất như một niềm căm hận.
□
Một buổi tối, khi chú Năm và tôi đi câu dặm về thì nghe tiếng vè vè của máy nổ. Chẳng biết ai lại qua chòi nửa khuya thế này? Mười Dửng cầm cây đèn hột vịt lom lom đi ra thì gặp thím Năm. Y mừng rỡ: “Ủa, sao con nghe chú nói thím đi Tắc Vân sáng mơi? Có việc gì đêm hôm quày quả vậy thím?” - “Chuyện gấp tao mới qua. Chú Năm mày đâu?”. “Ổng với ông nhà thơ vừa đi câu về. Đang rửa chân bên hồ đó”. “Tao qua bàn với ổng chuẩn bị cho đám cưới con Hai. Ngày kia họ nhà trai vô rồi!...”.
□
Một buổi tối, khi chú Năm và tôi đi câu dặm về thì nghe tiếng vè vè của máy nổ. Chẳng biết ai lại qua chòi nửa khuya thế này? Mười Dửng cầm cây đèn hột vịt lom lom đi ra thì gặp thím Năm. Y mừng rỡ: “Ủa, sao con nghe chú nói thím đi Tắc Vân sáng mơi? Có việc gì đêm hôm quày quả vậy thím?” - “Chuyện gấp tao mới qua. Chú Năm mày đâu?”. “Ổng với ông nhà thơ vừa đi câu về. Đang rửa chân bên hồ đó”. “Tao qua bàn với ổng chuẩn bị cho đám cưới con Hai. Ngày kia họ nhà trai vô rồi!...”.
Chuyện ly kỳ nghe muốn rớt tim.Thì ra từ lâu nay thím Năm sốt sổi đi tìm đám môn đăng hộ đối để gả con gái. Quanh quẩn mãi với đồng cỏ chát và trứng vịt hết ngày xanh tuổi trẻ. Mà kể cũng khó tìm ra được một đám coi được nơi đồng không mông quạnh này. Giấu chú Năm, thím đón ghe lên Tắc Vân tìm bà Hai Liêng, bà mối nổi tiếng mát tay tác hợp duyên lành. Bà đã làm mai cho nhiều đám thành công có tiếng cả vùng sông nước. Tuy vậy, với đám Hai Trâm bà than là khó. Bởi cô dâu thì hiền lành mà bà sui sao dữ quá! Đặt ra quá nhiều điều kiện. Bà Hai Liêng đã giới thiệu mấy mối nhưng chưa có đám nào thím Năm chịu vừa ý. Lúc thì thím chê không môn đăng hộ đối, nhà nghèo quá. Sợ con gái sẽ cực. Có nhà tương đối kha khá thì chú rể không bình thường, tướng hèn, xấu trai. Cứ dây dưa năm lần bảy lượt như thế bà mối cũng hết ham. Thời gian cứ trôi vùn vụt thấy mà sốt ruột. Đó là lý do dạo gần đây thím Năm thường xuyên đi Tắc Vân là vậy…
Lần này thím lên lộ (1) không phải vì chuyện Hai Trâm mà đi ăn đám một người quen. Nhưng quả là duyên kỳ ngộ. Không dưng cả bà mối ông mai đều gặp nhau ở đó. Hai Liêng kéo tay một người đàn bà tên Chín Cà Đao mắt một mí, phốp pháp, vàng đeo đỏ ngực, đỏ tay đến quày quả: “Chèng đéc(2) ơi! Đúng là ông trời xếp đặt. Giới thiệu hai bà chị với nhau. Kẻ tìm dâu, người tìm rể. Tui làm mối cho bao nhiêu đám rồi mà chưa thấy đám nào đẹp đôi như vậy!...”.
Thím Năm không biết gì, chỉ thấy ánh mắt người đàn bà đó quá lạnh lẽo. Nhưng qua những trang sức đeo trên người thì bà ta thuộc diện giàu có. Có tiền. Rất nhiều tiền. Cũng theo lời Hai Liêng, gia đình bà Chín chủ một cửa hiệu đóng thuyền composite ở tít mũi Năm Căn. Ở nhà còn có một vựa hải sản và đội tàu lớn gồm ba chiếc thuyền đánh cá ngoài khơi. Tuy qua tuổi tam thập nhi lập đã lâu nhưng không hiểu sao con trai bà vẫn chưa chịu lập gia đình. Bà Chín cũng đã tìm nhiều mối cho con nhưng chưa mối nào thành. Biết đâu lần này qua môi giới của Hai Liêng sẽ tìm được ý trung quân cho thằng nhỏ. Thím Năm nghe mà lòng rổn rảng. Trong bụng thím chỉ gợn chút đỉnh là nếu chuyến này đôi lứa thành thì thím sẽ gả con gái vào một chốn xa xăm, ngút mờ chưa bao giờ đến. Như câu thành ngữ từ lâu đã lưu truyền “chắc cà đao mặc dưng, cùm chưng bằng cùm tay”(3).
Nhưng suy nghĩ đó chỉ thoáng qua, còn lúc này ma đưa lối quỷ dẫn đường sao đó, thím chỉ thấy cái vòng đeo trên cổ bà Chín lấp lánh. Hình như nó được làm bằng một loại đá quý lấp lánh những vòng quyến dụ. Ước gì thím cũng được đeo một chiếc vòng như vậy. Bà Chín lại đưa ra một đề nghị xem có vẻ lạ nhưng không hiểu sao thím Năm vẫn đồng ý. Bà nói vì ở quá xa xôi, lần đi lần khó nên nay thuận dịp, sau đám giỗ, bà xin phép ngày mai vô Lung Roi thăm gia đình và xem mặt cô dâu luôn. Nếu duyên lành tháng tốt, thì hai bên nhà trai, nhà gái tính toán rốt rẻng chứ không dần dà nữa. Xem ra, hai bà sui mới gặp mà đã tâm đầu ý hợp. Bà mối Hai Liêng hoan hỉ: “Phen này sẽ có đám lớn nhất tại ấp Xẻo Lá này à nha!...”.
□
Mười Dửng tạm biệt đồng cỏ chát, lùa vịt đi đâu tôi cũng không rõ. Y ra đi trong bóng đêm. Khi cả gia đình chú Năm Hạnh đưa Hai Trâm sang sông về “chắc cà đao mặc dưng” thì cũng là lúc Mười Dửng cùng đàn vịt lên đường. Không ai nhớ và đoái hoài về số phận trôi dạt của y. Có gì đáng nói với nỗi đau và kiếp hèn như rối trong cỏ, ngút trong cỏ? Nhưng tôi biết cỏ rất hèn nhưng với tình thì cỏ vẫn ngát hương. Có lẽ “cùm chân” hay “cùm tay” vẫn còn dễ chịu hơn khi “cùm tình”, “cùm yêu” khi ấp ủ, mang vác trong lòng một mối tình quá lớn mà không thể thổ lộ, hét to lên, hay chia sẻ được. Đó cũng là nỗi đau của tướng quân giữa trùng vây cỏ chát.
□
Mười Dửng tạm biệt đồng cỏ chát, lùa vịt đi đâu tôi cũng không rõ. Y ra đi trong bóng đêm. Khi cả gia đình chú Năm Hạnh đưa Hai Trâm sang sông về “chắc cà đao mặc dưng” thì cũng là lúc Mười Dửng cùng đàn vịt lên đường. Không ai nhớ và đoái hoài về số phận trôi dạt của y. Có gì đáng nói với nỗi đau và kiếp hèn như rối trong cỏ, ngút trong cỏ? Nhưng tôi biết cỏ rất hèn nhưng với tình thì cỏ vẫn ngát hương. Có lẽ “cùm chân” hay “cùm tay” vẫn còn dễ chịu hơn khi “cùm tình”, “cùm yêu” khi ấp ủ, mang vác trong lòng một mối tình quá lớn mà không thể thổ lộ, hét to lên, hay chia sẻ được. Đó cũng là nỗi đau của tướng quân giữa trùng vây cỏ chát.
Làm sao có thể tìm Mười Dửng trên những cánh gió tốc táng, ngút ngát rợn ngợp chân trời? Để tôi có thể kể cho y nghe rằng con thuyền chở tình yêu của Hai Trâm cũng như y, đi hoài không tới. Nghe đâu, chồng của em là một gã đàn ông dở người, bại liệt và tâm thần. Di chứng để lại của cậu ấm quý tử con một gia đình của ăn của để, chơi bời trác táng. Hai Trâm tồn tại như một bông cỏ dại để những cơn điên bất lực trút bỏ. Thím Năm Hạnh không chỉ có chiếc vòng mã thạch quyến dụ đeo tay mà còn sở hữu rất nhiều thứ khác. Nhưng mỗi lần đi thăm con là lòng thím tan nát, như ai cứa, ai cắt rời từng khúc ruột vậy. Chú Năm lui cui một mình trong chòi vắng. Những con cua béo không còn bận rộn chú bằng những chai rượu bí tỉ khi có nỗi niềm cần quên đi. Riêng tôi, tiếp tục hành trình văn chương của mình bằng những quả trứng vịt. Tôi nghe những mùa gió chướng đang về lay rợn trên cánh đồng chữ.
Đôi khi cần phải đi tới một mình với ám ảnh đồng cỏ chát. Chúng ta thật bé nhỏ trước cuộc đời rộng lớn. Và giấc mơ sở hữu thực thể những quả trứng không còn của riêng Mười Dửng mà của bất cứ ai. Những quả trứng mộng ảo và hoan ca. Rồi như những con dzia-rô tròn trĩnh rớt xuống chân cỏ cay đắng của hiện thực. Tháng chạp lại đang về. Mùa nước lên, dòng sông đục ngầu vì bờ bãi phù sa và tràn ngập thức ăn. Những con cua may mắn sót lại từ mùa câu trước lại tiếp tục mơ được kẹp những khúc lươn thơm ngon là mồi nhử nướng vừa lửa. Trước khi chết vì cất vó vẫn thưởng thức hương vị ma quái đến tầng nấc cuối cùng. Những bông cỏ cũng bắt đầu trổ đòng, phơ phất. Cái sắc màu rũ liệt, hoang hoải, vô duyên ngơ ngác kéo dài đến cuối chân trời xa thẳm . Làm sao có thể sống mà không mơ ước?...
Sàigòn, 11-2010
Nguyễn Hữu Hồng Minh
(1) Lên lộ: Từ đồng nước lên quốc lộ.
(2) Chèng đéc: Trời ơi!
(3) Thành ngữ chỉ xa xôi, không dò đoán được.
(2) Chèng đéc: Trời ơi!
(3) Thành ngữ chỉ xa xôi, không dò đoán được.