Bạn hãy hình dung, có hai vòng tròn đặt bên nhau. Chỗ tiếp giáp chúng là một lối thông cho khách đi chợ qua lại. Lối rộng chừng sáu chục mét, dài khoảng năm chục mét. Giữa lối có một vòm cây xòe tán. Mùa xuân, cây rộ hoa màu tím. Hương đưa thơm mát.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Chợ Teltow, thuộc Potsdam, một chợ phiên ngoài trời có hình dáng như vậy. Bãi rộng hình tròn lớn, tới phiên, có hơn bảy chục quầy bán hàng rong các loại hàng hóa. Một siêu thị tổng hợp nhỏ ngoài trời. Trên vòng tròn nhỏ hơn, chủ chợ bố trí nhiều quầy ăn uống. Cái sân khấu rộng, nơi trình diễn văn nghệ dân tộc, lọt giữa vô số bụi hoa Forytchia vàng rực.
Vợ chồng tôi hành nghề bán quần áo rong. Tiếng Đức gọi là Reisegewebe. Trước Tết một tháng, chợ mở phiên cả thứ bảy và chủ nhật. Chúng tôi được chủ chợ xếp chỗ đứng dưới tàn cây nói trên. Vị trí ấy đón lõng khách chợ đi lại giữa hai khu chợ, thuận lợi cho việc bán hàng. Nhưng vì cạnh đường đi lối lại, rất tấp nập, nên chủ chợ không cho chúng tôi đặt hai cái giá treo quần áo trước quầy hàng. Tôi phải ép chúng vào sát hai bên hông quầy hàng, rất khuất mắt.
Buổi sáng ấy, như hằng năm, từ tơ mơ sáng tôi đánh xe vào vị trí triển khai quầy hàng. Bên phải tôi, năm trước có gã người Thổ chuyên đứng bán bóng bay. Những quả bóng to, nhỏ đủ màu sắc được thổi căng khí trơ bay lơ lửng, vui mắt trên một cái bàn nhỏ. Và vì thế tôi được gã cho lấn sân. Tôi thường bày chiếc giá bán quần áo nghênh ngang sát quầy gã. Năm nay, chỗ ấy, một cái xe rơ-moóc, có thùng, màu trắng toát đứng lù lù. Chiếc càng kéo xe sát phía phải quầy hàng tôi. Hãy hình dung, dưới cái tán cây đầy hoa báo xuân ấy, hai quầy hàng vuông góc với nhau.
Nhìn quanh quất, tôi bảo vợ dựng hai cái giá quần áo ở vị trí cạnh càng xe.
Trời sáng dần. Chúng tôi đã dựng xong cái ô 12 mét vuông. Hai cái bàn rộng, dài đã được bày đủ quần áo các loại. Vợ chồng tôi dỡ quần áo mẫu trên chiếc xe Bus, và bắt đầu ngoắc lên hai cái giá dài nói trên. Vừa khi đó, cửa xe Mooc bật mở, ánh sáng từ trong thùng xe òa ra chói mắt. Tôi nhìn ngược sáng, chỉ thấy một bóng người thấp đậm hiện ra trong ô cửa. Cái mũ cao bồi của gã làm tôi thoáng nghĩ tới những phim Mỹ.
- Chào buổi sáng! Tôi lên tiếng.
Người đàn ông thoắt nhảy xuống mặt đất và đáp lại lời chào. Gã đi một vòng xung quanh hai cái giá của tôi. Khi đó mặt trời hừng lên rất nhanh. Tôi nghĩ ngay đến việc gã không cho tôi để hai cái giá ở vị trí của gã. Tôi cảm thấy tiếc là đã không xin phép gã trước. Tôi im lặng chờ gã lên tiếng.
Người chủ xe Mooc ấy không phản ứng ngay như tôi nghĩ. Gã lấy từ đâu ra hai lá cờ Mỹ cắm lên hai cái ống hàn sẵn bên thành xe. Một cái bạt rộng được tung ra, treo bên trái cửa ra vào cửa Mooc. Tôi nhận ra, không rõ ràng lắm, vô khối những huy hiệu, kỷ niệm chương đính trên miếng bạt rộng.
Bấy giờ gã đột ngột lên tiếng. Đại ý, gã không tán thành cho tôi để hai cái giá nơi càng xe, vị trí của gã đã mua của chủ chợ.
Sống ở châu Âu nhiều năm, nghe kiểu nói, tôi hiểu rằng, khó có thể xin xỏ điều gì, thay đổi ngay sự phản ứng của con người kia, dù cái giá của tôi không che lấp tấm bạt của gã. Vả lại, mình trái lè. Tôi quay ra nói với vợ, di chuyển ngay hai cái giá ép sát bên quầy hàng chúng tôi.
Công việc chuẩn bị bán hàng của chúng tôi và bao quầy hàng khác vẫn tiếp tục và đến khoảng bảy tám giờ gì đó đã loáng thoáng có người mua hàng vào chợ.
Xong việc chuẩn bị hàng hóa, tôi đi mua hai ly cafe, về đã thấy chủ xe Mooc đứng trước quầy hàng của gã. Tôi cất giọng: “Anh đã dọn xong hàng rồi à?”.
- Ổn rồi! - Gã trả lời.
Chúng tôi nói chuyện với nhau về thời tiết, về sự ế ẩm của vụ hè vừa qua, v..v… Thì ra, gã cũng tỏ ra hay chuyện, không khó tính, lạnh lùng như một số người khác. Gã kể, gã thường bán hàng ở Tây Đức, đây là lần đầu tiên sang bên phía Đông bán hàng. Thực ra tôi nói tiếng Đức rất tồi. Nhưng cái tai tôi lại thính. Vả lại sống ở Đức mãi, tôi cũng phân biệt được giọng nói nào là giọng Đức chính cống. Gã nói tiếng Đức xuya. Nhưng âm ngữ chỏng chảnh của gã làm tôi ngờ ngợ, gã không phải là người Đức. Như vậy có thể thay đổi tình thế về việc cái giá. Vì những người lang bạt kỳ hồ thường dễ thông cảm với nhau lắm! Tôi nghĩ vậy và đánh bạo hỏi: “Hình như anh không phải là người Đức?”.
Gã giương đôi mắt màu tro nhìn tôi hơi ngạc nhiên rồi bảo: “Phải rồi! Tôi là người Mỹ!”.
Tôi giật mình. Người Mỹ!
- Anh ở đâu tới? Korea, China? Gã hỏi.
- Tôi là người Việt Nam.
Việt Nam! Gã đột ngột nhắc lại từ ấy và tiến sát gần tôi. “Hue... Danang ...Hue ... Hue!”. Gã nói nhanh mấy từ ngọng ngịu như vậy.
Phải nói rằng, khi ấy tôi chưa kịp phản ứng. Vài giây sau, tôi chợt hiểu ra và nhắc lại tên mấy địa danh ấy một cách đúng âm ngữ. Đà Nẵng, Huế... Ja ja! Huế, Đà Nẵng! - Gã cười thoải mái sau khi đọc đúng mấy từ định nói. “Tôi đã ở Việt Nam. Năm 1968. Bùng! Bùng! Chiến tranh! Mày hiểu không?” - Gã nói bằng tiếng Đức.
Tôi hoàn toàn bị bất ngờ. Bất ngờ vì gặp lại một người ngày xưa là kẻ thù của tôi. Sự gặp nhau trên đất Mỹ thì dễ hiểu. Đằng này, chúng tôi gặp nhau trên đất Đức, trong cảnh huống xứ người, ở hoàn cảnh như thế!
Chúng tôi nói chuyện với nhau hơn hai chục phút. Thì ra, người lính cũ này nhập ngũ năm 1967. Anh sang đóng quân tại Hamburg. Năm 1968, anh bị điều thẳng từ đó qua Guam rồi sang Việt Nam. Anh đã từng ở Huế sáu, bảy tháng gì đó và sau đấy tham gia nhiều đợt tảo thanh, hành quân ở Đà Nẵng. Cuối 1968, anh bị tập kích ở ngay trong căn cứ, trước giờ đi tiền đồn. Một mảnh pháo lớn làm anh trọng thương. Trở về Mỹ, sau khi thoát chết, anh giải ngũ và quay lại Hamburg tìm lại người bạn gái Đức anh yêu khi đóng quân tại đó. Họ nên vợ nên chồng và có một con gái.
Tôi cũng làm anh ngạc nhiên khi tôi kể, tôi đã tham gia chống Mỹ từ năm 1965 tới tận khi chiến tranh kết thúc, 1975. Anh lắc đầu lè lưỡi khi tôi nói tới thời gian đằng đẵng trong chiến tranh của tôi. Ngay sau đó, anh tự kéo hai cái giá của vợ chồng tôi tới sát bên càng xe anh. Anh bảo: “Bọn Vici chúng mày khôn quá! Để cái giá ở đây ai cũng trông thấy!”.
Tôi có tật hay quên tên người nước ngoài. Tên của anh lại khó đọc; vì vậy từ nay, chúng ta gọi anh là John. Tôi tin là bây giờ, nếu biết, anh cũng không nỡ giận tôi; bởi từ chiều hôm ấy, tôi tự nghĩ ra một cái tên như thế để gọi nhau cho dễ. Lúc đầu anh cũng hơi ngạc nhiên. Sau, hiểu ra ý thích và sự đãng trí của tôi anh cũng chấp nhận.
Tôi cũng kể cho bạn đọc biết, chợ Noel là phiên chợ kiếm ăn rất khá. Số lượng bán hàng và tỷ lệ lãi cũng cao nên cả hai chúng tôi phải làm việc quần quật từ sớm tới tám chín giờ tối. Trong mùa Noel ấy, tuy vất vả, tôi vẫn rất vui. Vui vì có tiền. John cũng bán được nhiều hàng. Người đi vào hàng anh rồi quay ra với các thắt lưng to bản, cờ Mỹ, huy hiệu, bật lửa Zippo, v.v… Và một điều vui nữa là chúng tôi mấy lần rủ nhau đi uống rượu vang khi vắng khách. John để người vợ gầy nhẳng, mỏng như cây tam cúc ở lại trông hàng. Tôi cười, dặn vợ ở lại quán. Chúng tôi có lần khoác tay nhau như hai người bạn cũ, trong muôn vàn bông tuyết bay lất phất, tới cái quán có con lợn quay vàng rợm trên dàn lửa phừng phừng reo, gọi hai cốc vang pha hương liệu nóng rẫy. Thứ rượu này chỉ có trong dịp Noel mới bán.
Có một lần chúng tôi uống khá say. Đó là một ngày sau một tháng quen biết và là thời điểm sắp tàn chợ. Có lẽ, đấy là lần duy nhất chúng tôi nhắc tới chiến tranh một cách nghiêm túc. Vài lần trước đó, chúng tôi hay cợt nhã với nhau. Thậm chí còn xưng hô sàm sỡ. Ví dụ, có lần John bảo, bọn Vici chúng mày lỏi lắm, bắn đoàng một cái rồi mất hút trong rừng. Tôi trả miếng, bảo, chúng mày có kém gì. Chúng mày khoác áo mưa vào làng. Bọn tao từ xa đếm, thấy tám thằng. Thực ra, là tám đứa cõng trên lưng tám thằng vào làng; rồi tám đứa quay ra, để lại tám thằng nằm phục chúng tao vào làng lấy gạo. Lại có lần, bên bàn rượu, trong câu chuyện về chiến tranh, John kéo áo, vạch lưng cho tôi nhìn kỹ một vết sẹo hoắm sâu chạy suốt từ cổ tới tận thắt lưng anh. Tôi rùng mình. Tôi cũng chìa cổ tay trái của tôi, nơi một vết sẹo đã chuyển thẫm màu bảo, John, chính mày bắn tao ở Tây Nguyên! Và chúng tôi bỗng ôm choàng lấy nhau. Chúng tôi vừa cười vừa không che giấu những dòng lệ thoát chợt òa ra, mặc kệ người đi chợ qua lại, mặc kệ những đợt tuyết đang trùng trùng rơi xuống.
Lại nói về lần cuối cùng gặp ấy, chúng tôi đều tỏ ra buồn khi ý thức được rằng, chúng tôi sắp sửa chia tay nhau. Phải chờ đợi một năm! Đột nhiên, John bảo: “Đừng nghĩ về cuộc chiến nữa! Tôi và anh đều là những người không muốn chiến tranh. Chỉ có chúng ta là tốt thôi! Hoàn cảnh bấy giờ nó thế!”. Không hiểu sao tôi bật nhanh ra câu nói: “Nhưng khi ấy tôi phải chiến đấu cho Tổ quốc tôi!”. John trố mắt nhìn. Tôi muốn ôm chầm lấy anh. John ơi! Anh không biết rằng, từ khi nhìn rõ vết sẹo hoắm sâu trên lưng anh, tôi thêm một sự ám ảnh khủng khiếp nữa. Tôi muốn nói cho anh ấy, Tổ quốc tôi đã chịu bao đau khổ. Biết bao bạn bè của tôi đã chết. Biết bao bà mẹ đã mất những đứa con và chính bản thân tôi đây, các anh đã bao lần nhằm bắn, tìm, tận diệt. Bao lần tôi thoát hiểm và bao năm rồi, mỗi khi trở trời, trái gió, tôi luôn đau đớn khắp thân mình. Nhưng khi đó, tôi không sao nói ra điều ấy cho John nghe!
Sau vụ chợ Noel năm ấy chúng tôi chia tay. Nhưng ấn tượng về cuộc gặp gỡ kia cứ làm tôi trăn trở. Tôi thường nhớ đến John, từ dáng điệu, khuôn mặt. Tôi nhớ bữa tuyết rơi trắng trời, John và người vợ gầy khô, đã chạy sang quầy tôi giúp vợ chồng tôi che chắn hàng hóa, chống ướt...
Suốt cả năm trời trôi qua, tôi mong chợ phiên Noel mau tới để gặp John. Rồi Noel cũng về, nhưng không thấy John quay trở lại. Anh ấy giờ bán hàng ở đâu? Anh ấy giờ lang thang nơi nao? Tôi cứ băn khoăn mãi như vậy.
Thời gian trôi đi bốn năm nữa. Tôi bắt đầu quay lại với văn chương, viết truyện và đột xuất trình làng tập thơ Mảnh vỡ. Khi công bố tập thơ ấy và truyện ngắn Một người Đức cho bạn bè ở Đức đọc, đạo diễn điện ảnh Đức, Stefan Schaefer tới, tìm hiểu và định làm phim về tôi. Trong câu chuyện với Stefan tôi có kể những suy nghĩ của tôi về người lính Mỹ John cho anh ấy nghe. Tôi không ngờ rằng, Stefan kỹ tính thế. Anh đã đến chợ Teltow gặp chủ chợ để tìm tên thật và địa chỉ của John.
Ngày 25 tháng 10 năm 1998, hôm đó trời rất lạnh. Tôi nghỉ chợ và ở nhà đang sửa lại một chương trong cuốn tiểu thuyết viết dở của tôi thì Stefan gọi điện tới. Bây giờ tôi không còn nhớ chi tiết những gì Stefan đã nói hôm ấy. Tai tôi ù đi khi bạn tôi đột ngột báo tin John đã chết. “Ông có biết là John của ông mất rồi không!... Mất rất đột ngột!... Tôi đến chợ... Anh ta chết trẻ, hình như ... hình như...’’.
Không! Không! Tôi gào lên.
Tôi ngồi lặng hàng giờ bên bàn viết nghĩ về John. Hồi tưởng về người lính Mỹ năm xưa và người bạn hôm nay. Tôi khóc! Ở tuổi anh, John ơi! Ra đi vậy còn trẻ quá! Tôi hình dung khuôn mặt sàm sạm nắng gió của anh. Tôi hình dung, nụ cười chua chát của anh mỗi khi anh nhắc đến những cánh rừng nhiệt đới, những buổi hành quân, bom đạn, chết chóc... John đã ra đi rồi! Căn bệnh nào hay di chứng nào ở anh bứt đi một cái lá còn xanh. Cuộc chiến ở Việt Nam, nơi chiến tranh buộc anh bắn vào tôi, bạn anh; đem lại cho anh một vết thương lớn trên người và trong lòng. Anh ra đi, vào cõi vĩnh hằng, vào cõi vĩnh hằng, không lang thang như tôi còn lại trên cõi đời này, khi anh 49 tuổi. Tuổi anh trùng tuổi tôi - Mậu Tý, sinh năm 1948!
Tôi đặt bút sửa lại bài thơ Vết sẹo viết cho anh.
Ngoài trời tuyết càng về khuya càng dày. Dưới đèn, dãy phố dài trong đêm biến thành một dòng trắng xóa mênh mông lạnh, nhìn chẳng thấy đâu là khởi đầu, đâu là kết thúc.
Nguyễn Văn Thọ