Đường nhựa lúc đầu “lở loét” bằng nắm tay, sau xe cộ đi riết không ai chăm sóc, phá to thành “ổ gà” rồi “ổ voi”. Mưa xuống biến thành “ao” giữa đường và trở thành mối nguy hiểm với người tham gia giao thông.
“Ao” giữa lòng đường
Nằm trên địa phận xã Hòa Tiến, đường 409 (Miếu Bông – Lệ Trạch – Quốc lộ 14B) mỗi ngày có hàng trăm lượt xe trọng tải lớn chở đất qua lại cung cấp cho nhà máy sản xuất gạch tuynel, chính những chiếc xe này đã biến con đường vốn đẹp đẽ trở thành nham nhở, ngày nắng bụi mù mịt, ngày mưa nhếch nhác bùn đất. Ngay tại ngã tư cạnh chợ Lệ Trạch, những chiếc “ao” lớn, nhỏ thi nhau xuất hiện, nước đọng từng vũng giữa lòng đường. Mỗi khi xe tải chạy qua, nước bắn tung tóe vào người đi đường, thậm chí khi nước đọng nhiều, mỗi lần xe chạy qua tràn cả vào nhà dân. Anh Nguyễn Văn Thi, cán bộ địa chính-xây dựng xã Hòa Tiến cho biết, đây là tuyến đường liên xã do huyện quản lý nên xã chỉ có thể làm tờ trình để đề nghị sửa chữa.
Chị Lê Thị Rồi, chủ quán cà-phê nằm ngay ngã tư, không giấu nỗi bức xúc: “Trước đây, con đường này cũng bình thường, được trải nhựa đàng hoàng nhưng hai năm gần đây lượng xe qua lại quá lớn, ngày nắng bụi giăng như sương mù, không ngày nào là không dùng thuốc nhỏ mắt, muốn kinh doanh các hộ dân phải phun nước tránh bụi. Ngày mưa, nước đọng lại lâu ngày cộng với xe qua lại nhiều cày nát mặt đường, khoét dần thành những chiếc hố chứa nước. Nhiều khi khách muốn vào uống cà-phê nhưng ngại bụi, ngại bẩn vì vậy việc kinh doanh cũng bị giảm sút đáng kể”.
Tương tự, từ khi có quốc lộ 14B mới, bà con thôn Túy Loan 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang tưởng sẽ hạn chế được lượng xe qua lại trên con đường đã xuống cấp nhưng quốc lộ 14B cũ vốn là con đường giao thông huyết mạch đi Đông Giang, Tây Giang nên lượng xe vẫn không hề giảm. Vì vậy đoạn đường dài 200m mà có tới 50m bị lầy lội bởi những ổ gà, ổ voi khổng lồ.
Ông Thi Lý Phước, người dân ở đây nói, đường không có cống thoát nước, không có chỗ thải nước sinh hoạt nên người dân đành bắt ống cho chảy thẳng ra đường, mặt đường luôn trong tình trạng ẩm ướt, mùa mưa còn đỡ, mùa nắng bốc mùi hôi đến váng đầu. Mưa, nước từ trên cầu Giăng theo con dốc cao chảy xuống đọng lại chỗ trũng. Cũng họp hành, cũng ý kiến mà chưa có kết quả gì nên nhiều hộ kinh doanh mặt hàng ăn uống hai bên đường đã tự bỏ tiền túi mua cát về đổ.
Là tuyến đường chính của khu dân cư Khánh Sơn, đường Nam Cao (phường Hòa Khánh Nam) rộng khoảng 7,5m cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Thách thức người cầm lái
Không có cống thoát nước, người dân vô tư xả nước thải sinh hoạt vừa ô nhiễm môi trường sống vừa khiến đường xuống cấp nhanh hơn, những ổ voi, ổ gà xuất hiện nhiều hơn nên chuyện va quệt giữa các xe là điều không tránh khỏi.
Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, tại hầu hết những nơi có ổ voi, ổ gà lại không hề có biển báo hay một tín hiệu gì cho người tham gia giao thông biết để đề phòng. Tại ngã tư cạnh chợ Lệ Trạch, lúc chập choạng tối, điện chưa sáng hẳn, nhiều người không quen đường, cứ lội thẳng qua ổ gà và ngã ba là chuyện thường ngày, hoặc khi lưu thông, họ cố tránh chiếc xe lớn đang chạy phía sau nên lạc tay lái, ngã không phải hiếm. Thậm chí có trường hợp, những chiếc xe tải chở gạch đi trước, người đi xe máy chạy sau, đến đoạn ổ gà xe trồi lên, sụt xuống, khiến gạch rơi trúng đầu.
Tại đoạn đường trên địa bàn thôn Túy Loan 2, những chiếc ao chiếm gần hết mặt đường chỉ còn lại một con lươn nhỏ khô ráo có thể chạy được, xe nào cũng muốn lách qua… Đây chính là nguyên nhân dẫn tới tắc đường, thậm chí va quệt, cãi vã…Theo bà Nguyễn Thị Xuyến, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Túy Loan 2, đang ngồi trong nhà, nghe “rầm” chạy ra thế nào cũng có người ngã. Đoạn đường tuy ngắn nhưng không bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, nhiều phụ nữ có bầu không dám chạy xe qua đoạn đường này vừa sợ lầy lội, vừa sợ ảnh hưởng đến thai nhi vì độ “xóc”. Thậm chí nhiều xe tải chở gỗ không biết ổ voi nông, sâu thế nào cứ chạy, có xe bị nghiêng hẳn một phía chờ lật, phải cầu cứu người dân giúp đỡ.
Nhiều ổ voi, ổ gà được người dân địa phương xử lý bằng những biện pháp tạm thời, những biện pháp này không bảo đảm kỹ thuật nên độ bền không cao. Theo ông Nguyễn Hữu Chất, Phó phòng Công thương huyện Hòa Vang, một số tuyến đường liên xã, liên thôn xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn huyện nằm trong kế hoạch sửa chữa và đang được Ban Quản lý dự án (BQLDA) giao thông nông thôn TP. Đà Nẵng chuẩn bị triển khai và thi công.
Ông Lê Khánh - Giám đốc Công ty Quản lý sửa chữa công trình giao thông và thoát nước Đà Nẵng cũng cho biết, một số tuyến đường công ty đã bàn giao cho BQLDA giao thông nông thôn thực hiện, công ty chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị thi công bảo đảm an toàn. Hiện nay, tất cả các hư hỏng trên tuyến đường đô thị do công ty quản lý đều được BQLDA giao thông nông thôn xử lý bằng bê-tông nhựa nguội, ổ gà có diện tích lớn được xử lý bằng bê-tông nhựa nóng theo đúng quy trình, bảo đảm kỹ thuật và chất lượng. Nhưng cách khắc phục này vẫn chưa kịp thời, ổ gà dễ biến thành ổ voi và hư hỏng nặng trong mùa mưa.
Chúng ta đang hướng tới sự an toàn cho người tham gia giao thông nhưng những ổ gà, ổ voi đang xuất hiện ngày một nhiều. Cách đây chưa lâu, dưới chân cầu vượt Hòa Cầm cũng xuất hiện những ổ gà, ổ voi nhưng đã được khắc phục bằng cách… vá đường. Cách làm này chưa mang tính bền vững, vì vậy rất cần nghiên cứu thêm những biện pháp khắc phục khác, để trả lại mặt đường sạch, đẹp, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, cũng như ổn định đời sống khu dân cư.
Thu Hà