.

Việc gói quà tặng

.

Việc mở quà tặng  là một hành vi giao tiếp cần hết sức chừng mực.

Mô tả ảnh.
(Hình minh họa).

Chính vì vậy, nếu tặng quà ở nơi công cộng, tốt nhất không nên gói quà tặng để tránh xảy ra những vụng về. Do việc cài dây buộc rồi tháo giấy gói có thể sẽ dẫn đến những cử chỉ rất vô duyên, nhất là đối với những gói quà được bọc kỹ. Thậm chí khi mở quà còn có nguy cơ làm hỏng hay đôi khi làm rơi quà tặng. Khi những hành động trên được thực hiện trước ống kính soi mói của các phóng viên, sự cố xảy ra sẽ được chú ý hơn nhiều so với bản thân quà tặng. Và hậu quả là những thông tin được truyền đi hoặc sẽ được nhớ mãi, rất tiếc, sẽ khác xa những gì đã dự tính. Những nhân viên lễ tân kể với nhau chuyện vị bộ trưởng, sau bữa ăn nhận được sách tặng của một phái đoàn nước Đông Âu, đã làm rách bìa sách khi xé bỏ lớp giấy bọc, mà đó lại là một cuốn sách về nghệ thuật.

Giải pháp là đặt những quà tặng (đồ điêu khắc hoặc tranh vẽ) trên một chiếc bàn nhỏ ở nơi thuận tiện hay trên một chiếc giá nhỏ. Thậm chí quà tặng này có thể được đặt cạnh quà của khách dành cho chủ. Các vị khách sẽ có thể được xem quà tặng trước khi được trao tặng chính thức và chuẩn bị lời cảm ơn.

Một lợi ích khác của việc không gói quà tặng là cho phép ta biết được tình trạng của món quà trước khi trao tặng vì có trường hợp quà tặng mỏng manh có thể đã bị vỡ. Đã có trường hợp vị chủ tịch của một hiệp hội thiết tha đề nghị chủ nhà mở gói quà do ông tặng ra xem. Đây là một tác phẩm nghệ thuật làm ông rất tự hào và miêu tả chi tiết tác phẩm nghệ thuật đó cho mọi người. Nhưng than ôi, khi chủ nhà mở gói quà tặng ra thì tấm điêu khắc bằng gỗ nét khắc rất tinh xảo đã vỡ ra làm nhiều mảnh trong quá trình vận chuyển.

Đối với những quà tặng được đóng gói thì không những cần phải bảo đảm cho quà tặng không bị hỏng khi hành lý bị va chạm mà còn phải bảo đảm cho lớp vỏ bọc quà còn được nguyên vẹn. Khi đến nơi, khó có thể có thời gian tìm kiếm giấy gói, dây buộc, kéo cắt để thay thế giấy bọc đã bị hỏng. Chính vì vậy, không nên dùng các dây khóa mà nên dùng dây buộc và người ta thường cho gói quà vào một hộp bằng các-tông cứng và bỏ hộp ra trước khi chuyển hoặc trao quà tặng cho khách.

Tuy nhiên, nếu ta nhận được quà tặng có đóng gói thì sẽ phải làm gì? Nếu quà tặng kèm theo những lời giới thiệu thì đó hẳn là một món đồ lưu niệm hơn là một món quà - không cần thiết phải mở ra: ta biết rõ cái gì ở bên trong. Người tặng quà làm như vậy chính là để tránh tình cảnh quen thuộc: mở gói quà, tỏ vẻ ngạc nhiên và cảm ơn. Tất nhiên, không có gì là khiếm khuyết nếu ta mở gói quà, nhất là khi cảm thấy rằng người tặng quà đang mong muốn điều đó.

Cuối cùng, cần lưu ý là, ở một số nước, hình thức đóng gói cũng có ý nghĩa ngang với món quà tặng. Ví như ở Nhật Bản chẳng hạn, nơi mà hình thức gói quà là cả một nghệ thuật rất kỳ công. Trong trường hợp này, theo thông lệ, không được mở gói quà ra, trừ phi người tặng quà chủ tâm muốn rằng món quà phải được mở. Khi đó nên mở gói quà một cách khéo léo và trân trọng, nếu cần có thể nhờ người đi cùng giúp đỡ.

Phi Tuấn (sưu tầm)

;
.
.
.
.
.