.

Với những yêu thương

.

“Ở trong này lâu, gia đình bỏ rơi, cô đơn, buồn chẳng muốn sống…”. Những tâm sự bất chợt của bệnh nhân lúc tỉnh táo đã bao lần khiến cho đội ngũ y, bác sĩ bần thần, và càng cảm thấy mình phải dành nhiều thời gian để hiểu hơn về đời sống tinh thần của họ - Anh Nguyễn Văn Tám, Điều dưỡng trưởng khoa Nam, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng (BVTT) Đà Nẵng chia sẻ.

Mô tả ảnh.

Khi tiêm thuốc cho những BN lên cơn kích động, phải cần nhiều y tá hỗ trợ.

Sống chung với người bệnh

Ở Khoa Nam, những người nhập viện phần lớn bị động kinh, rối loạn, trầm cảm, tâm thần phân liệt, mất trí tuổi già.

Hơn 20 năm làm hộ lý, cô Nguyễn Thị Đào, 53 tuổi, không bao giờ quên được một lần trong ca trực, khi vào phòng bệnh nhân (BN) Thái, trở ra, cô bị người bệnh bóp cổ đến ngất xỉu, may có người nhà BN gần đó trông thấy kêu người đến giúp mới thoát được. Phải thường xuyên đề phòng bị BN tấn công từ phía sau, cô hay nói vui với đồng nghiệp “Khi nào ra khỏi cổng bệnh viện đi về rồi mới thấy yên tâm”. Cái khổ khi bị BN đánh đuổi cũng chưa bằng cái sự khổ của nữ hộ lý gặp BN bị rối loạn tình dục. Những BN này khi hộ lý tới gần hoặc đi ngang qua, là họ túm tóc hay ôm chầm lấy, thậm chí có trường hợp như người bệnh N.V.T chỉ tắm... lộ thiên lúc các hộ lý đi giặt áo quần.

Ở bệnh viện, không khó để gặp những BN tự hủy hoại thân thể mình. N.V.Đ, quê Thăng Bình, Quảng Nam bị tâm thần phân liệt, một phần do bệnh tật chi phối, một phần do cảm giác bị gia đình, xã hội bỏ rơi đã rất nhiều lần tìm đến cái chết. Gần đây nhất, BN đã treo cổ trong phòng, các y tá trực đêm đã phát hiện và can thiệp kịp thời. Hay như trường hợp D.T.L nhà ở Thanh Khê, đã dùng mảnh lon vỡ cắt vào động mạch trong phòng vệ sinh, cũng được các điều dưỡng phát hiện.

Theo điều dưỡng Tám, để tránh những trận đòn bất chợt cũng như phát hiện ra tâm lý bất thường của BN là nhờ kinh nghiệm và sự nhạy bén của bác sĩ. Chăm sóc, theo dõi từng bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt để cảm nhận tâm tư, tình cảm của họ là một việc, nhưng điều quan trọng hơn, ngoài kỹ năng chuyên môn là một tấm lòng. Nếu không bằng cái tâm, bằng tấm lòng yêu thương, tôn trọng người bệnh thực sự - ngay cả khi người bệnh lên cơn mất hết tính người - thì rất khó cống hiến hết mình cho công việc.

Với những yêu thương

Mô tả ảnh.

Một buổi sinh hoạt hát karaoke của bệnh nhân.

Gần 200 BN đang điều trị, có nhiều người dường như đã xem bệnh viện là nhà của họ. Gần 25 năm gắn bó với Khoa Nữ, hộ lý Trần Thị Vĩnh nhớ hoàn cảnh từng BN mình đã chăm sóc, nhiều trường hợp thương đến thắt lòng. Như bà Vân ở Hội An, 82 tuổi, bị bệnh mất trí nhớ, có một con trai nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên chẳng thể đón mẹ về được thành ra bà cứ ở riết trong bệnh viện, tất cả đều nhờ hộ lý giúp đỡ. Hay như chị N.T.C (45 tuổi), bị tâm thần phân liệt, nhập viện cũng gần 20 năm, nhà ở Nam Ô có chồng, có gia đình, con cái nhưng rất ít khi gia đình tới thăm nom.

Về làm việc tại bệnh viện từ năm 2004, điều dưỡng Phan Đình Huệ nhớ lại: “Lần đầu đến bệnh viện thực tập cũng sợ, nhưng tiếp xúc rồi thấy gần gũi, thân thương. BN tâm thần cũng là con người, cần được đối xử như người bình thường…”. Càng làm anh càng thấy yêu nghề, thấy phải có trách nhiệm hơn với công việc. Nhiều BN rất tình cảm, những lúc không bị kích động họ vẫn nhận thức được việc mình làm, như trường hợp BN là giảng viên đại học, khỏi bệnh ra viện đã xin số điện thoại của điều dưỡng Huệ, thỉnh thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm, gọi anh đi uống cà-phê nói chuyện như những người bạn.

BN nhập viện rất đa dạng và nhiều độ tuổi từ công nhân, học sinh, sinh viên, giảng viên, sĩ quan quân đội, lao động phổ thông; từ các bậc cao tuổi đến trẻ em... Mỗi đối tượng lại cần có những phương pháp chữa trị riêng. “Chữa cho trẻ bị tâm thần rất khó, đòi hỏi cả nhân viên lẫn bác sĩ phải mềm mỏng, nhẹ nhàng, có tình thương với trẻ nhưng vẫn có sự nghiêm khắc nhất định” - Bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần Trẻ em chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Vân, nhiều cháu khi vào viện, đã 3, 4 tuổi nhưng chưa biết nói, không nhận biết được cha mẹ, vô cảm, thường khóc thét lên hoặc rúc xuống gầm bàn mỗi khi thấy người lạ, thậm chí trẻ có các hành vi kỳ lạ như gặm chiếu, nhai lốp ô-tô đồ chơi, cắn bầm tím tay chân mình hoặc cắn bất cứ ai đứng gần. Sau thời gian điều trị, các cháu đã nhận biết và thể hiện cảm xúc đối với người thân, có cháu đã biết nói, biết hát. Thậm chí nhiều phụ huynh đã rơi nước mắt khi đứa con đã 3, 4 tuổi của mình phát ra những âm thanh đầu đời “a, ba…”.

Không phải ai cũng có cái nhìn đúng đắn về người tâm thần nên rất cần những cái nhìn chia sẻ, cảm thông dành cho người bệnh. Đến với người bệnh, chợt lắng lại một tấm lòng cảm phục những con người đã thầm lặng gắn bó cuộc đời mình với người bệnh bằng tất cả sự yêu thương. Chợt nhớ tới lời của điều dưỡng trẻ Phan Thanh Tuấn (21 tuổi): “Tuấn có ba mẹ làm việc trong bệnh viện nên ngay từ khi còn nhỏ đã hay vào đây chơi với các BN. Trước những phận người không may mắn, tôi muốn làm điều gì đó giúp cho họ, chính vì thế mà đã chọn trường y và về đây làm việc”.

Bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, Phó Giám đốc BVTT Đà Nẵng: Hiện nay bệnh viện có 26 bác sĩ, 72 điều dưỡng (trong đó có 3 cử nhân), hộ lý. Trong suốt hơn 15 năm qua chưa có một bác sĩ chính quy nào về đây công tác. Các bác sĩ có được hiện nay đều do bệnh viện tạo điều kiện cho các y sĩ đi chuyên tu và học lên.

Xã hội còn nhiều kỳ thị với người tâm thần, tôi rất mừng vì những đồng nghiệp cũng có cái tâm với BN tâm thần. Nhiều người có thể xin việc ở những bệnh viện lớn, hoặc những phòng khám tốt trong thành phố, làm việc với những BN tỉnh táo, không bị áp lực tinh thần, thu nhập cao hơn, đi lại thuận lợi hơn, nhưng họ vẫn chọn nơi này.

Thu Hà

;
.
.
.
.
.