Cuối tuần này, cùng với hàng tỷ người trên khắp thế giới, hàng chục triệu người Việt Nam, những người có đạo và không theo tôn giáo nào đều hướng về ngày Noel, ngày lễ quan trọng nhất trong năm theo Giáo lý đạo Kitô và cũng là ngày đón năm mới theo tục lệ phương Tây du nhập vào Việt Nam, song song với Tết Nguyên đán.
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế là hội nhập về văn hóa. Từ nhiều tháng nay, thị trường cũng như đời sống nhiều gia đình đã nóng lên với sự chuẩn bị đón Giáng sinh. Trên các cửa hiệu, sạp hàng xuất hiện ngày càng nhiều những quà tặng, trang phục, đồ dùng đêm hội như cây thông Noel bằng nhựa khá giống cây thông thật chỉ xanh tươi ở xứ lạnh, bộ mũ áo của “Ông già Noel”, các loại bánh ngọt, sô-cô-la, pháo hoa và hoa tươi dùng trong ngày lễ. Vào ngày này, người ta chuẩn bị những bữa ăn ngon, chúc nhau những điều tốt lành và gần khuya, cùng đổ ra đường mừng ngày Chúa ra đời nhưng phổ biến hơn, mừng năm mới theo phong tục phương Tây. Thời điểm này, chuông nhà thờ trên khắp đất nước cùng ngân vang, mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, nhen nhóm trong lòng những kế hoạch mới, niềm hy vọng mới.
Noel năm nay thêm vui vì ngoài thông lệ, riêng với những người theo đạo Thiên Chúa còn là năm đánh dấu nhiều đổi mới. Nhiều nhà thờ được sửa sang, xây dựng mới. Việc đào tạo chức sắc được phục hồi và mở rộng. Hàng loạt những yêu cầu chính đáng của giáo dân được chấp thuận. Quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam với Tòa thánh Va-ti-căn được thúc đẩy theo chiều hướng tốt đẹp.
Nếu không tốt đời không thể đẹp đạo được, đó là một thực tế. Nhưng tốt đời không chỉ ở khía cạnh vật chất mà còn được thể hiện ở việc quyền con người càng được tôn trọng và mở rộng, quyền tự do tín ngưỡng ngày càng được thể hiện rõ nét từ trong các chủ trương, chính sách của Nhà nước tới cuộc sống. Chính vì được hưởng ngày càng đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng nên bà con giáo dân ngày càng yên tâm kính Chúa, góp phần xây dựng đất nước. Biết bao tấm gương vượt qua đói nghèo, làm giàu cho mình và cho đất nước, đùm bọc nhau trong thiên tai, vượt khó học giỏi, xả thân vì người khác trong đồng bào theo đạo đã được phát hiện, nhân rộng như những điển hình của con người Việt Nam thời kỳ mới. Nhiều làng xã, thôn bản có đông giáo dân trở thành những điển hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, xây dựng làng xã văn hóa từ Bắc chí Nam. Đó là cơ sở xã hội để ngày Noel thêm vui, thêm ý nghĩa.
Tuy nhiên, những kẻ xấu, những người không muốn Việt Nam vươn lên thoát khỏi đói nghèo vẫn quen dùng chiêu bài tôn giáo để bôi nhọ, vu cáo nước ta về nhân quyền. Những kẻ như thế rất muốn chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hạ thấp hình ảnh của Việt Nam trước thế giới. Mới đây, một nhóm Nghị sĩ trong Hạ Nghị viện Mỹ đã đề nghị thông qua một dự luật đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước “cần sự quan tâm đặc biệt về tôn giáo”. Một số tổ chức quốc tế thiếu khách quan khác cũng có những ý đồ xuyên tạc tình hình Việt Nam thông qua tôn giáo. Nhưng dù cay cú đến đâu, tiếng nói của họ cũng không thể át được tiếng chuông nhà thờ vang reo trong dịp lễ Noel này.
Vũ Duy Thông