Xóm này có tiếng là yên tĩnh và hòa thuận. Tháng rồi, hai vợ chồng trẻ mua lại căn nhà của ông Tý và chuyển về sống tại đây. Anh Luân, người chồng, mở quán cà-phê. Để câu khách, anh không ngại mở nhạc ầm ĩ.
Vốn chuộng yên tĩnh và chẳng ưa gì thứ nhạc rền rĩ đó chút nào, nhưng không muốn mất lòng hàng xóm mới tới, nên không ai nói gì. Luân được thế lấn tới nên mở hết volume cả ngày lẫn đêm. Tiếng nhạc đinh tai nhức óc khiến bà con không tài nào ngủ nghỉ được.
Để chấm dứt tình trạng này, xóm họp bàn rồi cử chị Tám sang “đàm phán” với nhà anh Luân.
- Buổi trưa em làm ơn tắt nhạc giùm chị chứ mở như thế bà con không thể nào chợp mắt được.
- Pháp luật đâu cấm mở nhạc vào buổi trưa hả chị? - Luân đáp.
Chị Tám bèn hạ giọng:
- Thế thì em mở nhỏ nhỏ, nhạc to quá nghe buốt cả tai.
- Thế theo chị thế nào là nhỏ? - Luân đánh đố.
Biết Luân cãi chày cãi cối nên chị Tám đành bỏ về.
Chuyện đến tai ông giáo già. Ông không nói gì, chỉ bảo cả xóm góp mỗi người mấy chục nghìn. Mọi người thắc mắc không biết ông định làm gì nhưng không ai dám hỏi.
Hôm sau, mọi người thấy ông mang về một cái loa phát thanh to. Ông bảo con trai đem cái loa treo lên ngọn cây trước ngõ, rồi lấy cái đài bán dẫn cũ của Liên Xô ra vặn volume hết cỡ, mở các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Được nghe tin tức, bà con hoan nghênh lắm.
Về phần anh Luân, cái loa nhà anh trở nên lép vế trước cái loa nhà ông giáo. Nhìn cái loa to cứ rỉ rả vào nhà, anh chợt hiểu ra điều gì đó...
Hôm trước, người ta thấy anh Luân sang nhà ông giáo, cúi đầu: “Dạ dạ vâng vâng, con trẻ người non dạ” gì đó. Hôm sau, cái loa nhà ông giáo đã dịu hơn. Còn tiếng nhạc nhà anh Luân hình như không còn vang lên vào buổi trưa, và chỉ cất tiếng khe khẽ khi nào cái loa nhà ông giáo thôi phát tiếng.
NGUYỄN TRƯỜNG TRUNG