.

Cửa sổ tri thức : Câu đối đỏ

.
* Trong “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” thì câu đối đỏ là câu đối có chữ viết màu đỏ hay có nền giấy màu đỏ? (Trần Ngọc Hùng, Thanh Khê, Đà Nẵng).

Mô tả ảnh.
Trưng bày câu đối đỏ ở chợ hoa Tết trên đường 2-9, Đà Nẵng. (Ảnh: V.T.L)
- Câu đối đỏ được các cụ ngày trước dùng trang hoàng nhà cửa và để thưởng xuân. Gọi thế, vì câu đối được viết bằng chữ Hán (thường gọi là chữ Nho) bằng mực tàu màu đen hay vàng trên nền giấy đỏ hay hồng đào. Ngày nay, giới chơi thư pháp tuy có “biến tấu” đôi chút để làm đa dạng thêm cho hình thức câu đối, nhưng vẫn giữ lệ có sắc đỏ trên nền giấy.

Nói thêm, màu đỏ, theo văn hóa phương Đông, là màu tượng trưng cho bình an, may mắn, được đặc biệt chú trọng vào dịp tết nhứt, lễ lạt. Tết, người ta hay chưng bày câu đối đỏ (và cả dưa hấu) để cầu mong may mắn, bình an và tài lộc đến suốt năm cho gia đình.

Vãn cảnh và vãng cảnh

* Trong bài “Quốc tự Tam Thai” đăng trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 9-1 vừa qua có đoạn: “Hai tháng sau lần vãn cảnh đầu tiên, vua đã cho xây dựng hai con đường bằng bậc đá dẫn lên núi, một ở phía tây nam (nay là cổng số 1) lên chùa Tam Thai và một ở phía đông (cổng số 2) lên chùa Linh Ứng”. Ý kiến của quý báo như thế nào trước ý kiến cho rằng từ “vãn cảnh” ở đây phải viết là “vãng cảnh” mới chuẩn? (Nguyễn Thanh Hà, Hải Châu, Đà Nẵng).

- “Vãn cảnh” và “vãng cảnh” đều là từ Hán Việt, mỗi từ có một nghĩa khác nhau.

Vãn được Từ điển Hán Việt trích dẫn (tra trực tuyến tại http://vietnamtudien.org/hanviet/) giảng là (danh từ) chiều, tối, hoàng hôn. Ví dụ: Tòng tảo đáo vãn  = từ sáng đến tối. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh có mục từ vãn cảnh và giảng là cảnh buổi chiều, cảnh già.

Nhiều tác giả đã sử dụng từ vãn cảnh theo nghĩa nêu trên.

Hồ Chí Minh, trong Ngục trung nhật ký có bài thơ Vãn cảnh, được Nam Trân dịch thơ là “Cảnh chiều hôm”.

Mạc Đĩnh Chi (1280-1346) cũng có bài thơ vịnh cảnh chiều có tựa là Vãn cảnh.

Trần Nhân Tông (1258 – 1308), trong bài Lạng Châu vãn cảnh (tác giả Hạt Cát dịch nghĩa là “Cảnh chiều Lạng Châu”) có câu Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ (Thuyền ngư xao xác thoảng đưa chuông chiều) với từ mộ nghĩa là chiều, lúc mặt trời sắp lặn, xác định thời gian đúng như đề bài đã nêu.

Về từ vãng, từ điển trực tuyến đã dẫn giảng là (động từ) đi, đến. Ví dụ: vãng lai = đi lại.

Như vậy, quay lại đoạn văn đang xét, nếu đó là hành động chỉ việc vua đến thăm thú một nơi nào đó thì phải viết là vãng cảnh mới chuẩn xác.

Hiện nay, nhiều từ điển tiếng Việt đã không phân biệt tách bạch giữa hai từ đang xét. Ví dụ Từ điển tiếng Việt trực tuyến http://tratu.vn/ (của Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam) giảng vãn cảnh có hai nghĩa, nếu danh từ là “cảnh về già (từ cũ, văn chương)”, nếu động từ là “đến để ngắm cảnh”. Từ điển này lại cho rằng vãn cảnh đồng nghĩa với vãng cảnh!

Trong khi đó, một số từ điển xuất bản trước đây, chẳng hạn Từ điển tiếng Việt của Phan Canh (NXB Mũi Cà Mau – 1999) giảng vãn cảnh là (danh từ) cảnh về già; vãng là (Hán từ, không dùng một mình) đi qua: vãng lai, viếng cảnh: vãng cảnh.

ĐNCT
;
.
.
.
.
.