.

Đặc trưng và thực tiễn

Với 895 phiếu, chiếm 65,04%, phương án “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” (như tinh thần Đại hội X, có bổ sung thêm từ “tiến bộ”) đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng biểu quyết lựa chọn nhằm xây dựng “đặc trưng kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa” trong Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (bổ sung, phát triển năm 2011).

Đây là vấn đề được thảo luận, tranh luận trong quá trình lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và đông đảo tầng lớp nhân dân cũng như trong suốt thời gian diễn ra Đại hội XI của Đảng, kể cả sau khi các đại biểu được nghe báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Đoàn Chủ tịch Đại hội về ý kiến thảo luận của đại biểu tại Đại hội. Phương án được Đại hội bỏ phiếu lựa chọn là phương án 2 - phương án không nằm trong dự thảo Cương lĩnh cũng cho thấy sự thận trọng và tính dân chủ trong Đại hội XI của Đảng khi quyết định một vấn đề mang tính hệ trọng trong phát triển của đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH.

Trong dự thảo Cương lĩnh đã nêu nội dung: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. Nội dung về “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” được tranh luận nhiều nhất. Cụm từ “chế độ công hữu” dễ làm các nhà đầu tư lo lắng và “các tư liệu sản xuất chủ yếu” chưa được xác định cụ thể; từ đó ảnh hưởng đến quá trình huy động các nguồn vốn đầu tư, phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những quyết sách phát triển đất nước trong giai đoạn mới được thông qua tại Đại hội XI của Đảng. Theo phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Đại hội đã thảo luận và thông qua những quyết sách trên tất cả các lĩnh vực cơ bản và trọng yếu của sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm tới.

Để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế giai đoạn 10 năm, 20 năm, Đại hội đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trên lĩnh vực này, chính là “phải thật sự coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững”. Trong đó, vấn đề “Phát triển lực lượng sản xuất phải đồng thời xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp; củng cố và tăng cường các yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế” chính là những biểu hiện cụ thể của đặc trưng kinh tế đã được các đại biểu biểu quyết thông qua.

Từ thực tiễn phát triển của “đầu tàu” kinh tế cả nước, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua cho rằng, cần thực hiện tốt 5 nhóm chính sách và giải pháp cơ bản nhằm thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế. Đó là: Cần phải đổi mới tư duy về chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước thông qua việc sử dụng công cụ kế hoạch hóa phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường; sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước như công cụ để khắc phục và hạn chế những khuyết tật của thị trường; chuyển từ cơ cấu kinh tế địa phương sang cơ cấu vùng; đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị trong khuôn khổ tổ chức hệ thống chính quyền địa phương theo hướng mở rộng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao…

Như vậy, từ thực tiễn sinh động của cuộc sống, các đại biểu đã có cơ sở để biểu quyết thông qua một trong những nội dung quan trọng mang tính quyết sách tại Đại hội; đồng thời, từ định hướng mang tính dài hơi, đã có những đề xuất cụ thể cần đưa vào thực tiễn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết mà Đại hội XI đã thông qua.

Một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2011-2015:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân: 7,0 - 7,5%/năm. Giá trị gia tăng công nghiệp- xây dựng tăng 7,8 - 8%; giá trị gia tăng nông nghiệp 2,6 - 3%/năm. Cơ cấu GDP: nông nghiệp 17 - 18%, công nghiệp và xây dựng 41 - 42%, dịch vụ 41 - 42%; sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 35% tổng GDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm, giảm nhập siêu, phấn đấu đến năm 2020 cân bằng được xuất nhập khẩu. Vốn đầu tư toàn xã hội bình quân  đạt 40% GDP. Tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước đạt 23 - 24% GDP; giảm mức bội chi ngân sách xuống 4,5% GDP vào năm 2015. Giải quyết việc làm cho 8 triệu lao động. Tỷ trọng lao động nông-lâm-thủy sản năm 2015 chiếm 40 - 41% lao động xã hội. Năm 2015, GDP bình quân đầu người khoảng 2.000 USD. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân 2%/năm…

Anh Quân
;
.
.
.
.
.