.

Giá trị giáo dục của Twitter

.
Cũng như Facebook, trang mạng xã hội Twitter bị không ít bậc phụ huynh trên toàn thế giới “la làng” vì đã kéo con em họ vào cuộc sống ảo trên mạng. Rõ ràng đó là điều không ai tranh cãi bởi vì cư dân mạng, đa số tuổi trẻ giờ đây gần như “không thể rời xa Facebook hay Twitter lấy một ngày”. Họ phải hí hoáy vài chữ trong tài khoản của mình, liếc một tí các bạn bè khắp nơi xem có gì mới mẻ để bình luận…
 
 
Mô tả ảnh.
Trang mạng xã hội Twitter đã giúp cho sinh viên học tập tốt hơn.
Nhưng Twitter không chỉ có vậy. Một cuộc nghiên cứu hẳn hoi của trường Đại học ở Pennsylvania (Mỹ) cho thấy giá trị của trang mạng xã hội đối với giáo dục là rất lớn. Tác giả của cuộc nghiên cứu với 125 sinh viên là Giáo sư Rey Junco đã chia 70 sinh viên học tập qua Twitter và 55 sinh viên còn lại chỉ học theo nhóm bình thường. Kết quả không thể chê vào đâu được khi mà nhóm học Twitter tỏ ra ham học hơn so với nhóm còn lại. Họ có dấu hiệu muốn giữ liên lạc với nhau thường xuyên hơn và sẵn sàng trò chuyện với thầy cô nhằm giải quyết khó khăn trong học tập. Từ sự say mê trao đổi thông qua mạng ảo, điểm số trung bình cuối kỳ của “sinh viên Twitter” tất nhiên là cao hơn so với nhóm còn lại. Ông Junco tóm tắt kết quả cuộc nghiên cứu được xem là thành công, nhất là tác động tích cực đến các bậc phụ huynh rằng: “Các sinh viên nhận ra cách học qua trang mạng xã hội giúp họ ít bị căng thẳng trong giao tiếp với bạn bè và thầy cô nên hiệu quả trong học tập được nâng lên”.

Một sinh viên trong nhóm Twitter viết trên tài khoản của mình về sở thích học tập là nêu vấn đề lên cho bạn bè trong cư dân mạng để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất. Những vấn đề hóc búa giờ đây có thể giải quyết thông qua… máy tính xách tay hay điện thoại di động.

Twitter trở thành môi trường thân thiện cho sinh viên ở Mỹ, giúp họ học tập tốt hơn trước áp lực việc làm ngày càng khó khăn không chỉ ở Mỹ mà rất nhiều nước ở châu Âu và Nhật Bản. Theo đánh giá của tờ New York Times thì thị trường lao động việc làm của Nhật Bản có tính cạnh tranh rất cao nên kéo theo áp lực cho sinh viên ngày càng lớn. Ngoài việc tìm kiếm công cụ học tập phù hợp và hiệu quả như thông qua Twitter, sinh viên Nhật có xu hướng ở lại trong nước học tập nhằm tránh bị tụt hậu khi quay về nước tìm việc làm. Các trường đại học ở Nhật Bản cũng đã đổi mới cách dạy, trở nên thân thiện hơn nhằm thu hút sinh viên ở lại học tập trong nước hơn là việc lao sang Mỹ hay các nước châu Âu du học. So với cái đỉnh gần 83 nghìn sinh viên ra nước ngoài học tập của năm 2004 thì nay chỉ còn lại 67 nghìn sinh viên rời Nhật Bản. Ngược lại, sinh viên các nước đổ đến Nhật với con số kỷ lục 141.774 người, tăng 6,8% so với năm trước. Ngoài áp lực việc làm thì Twitter đã giúp họ xóa sạch khoảng cách nên có thể yên tâm học tập ở bất cứ nơi đâu.

TỊNH BẢO
;
.
.
.
.
.