.
Giới thiệu sách:

9 mùa xuân của một người tù yêu nước(*)

.
“Với anh, thơ và nhật ký không phải là văn chương mà là sự tích lũy xương máu và tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, đồng chí, đồng đội. Việc ra mắt cuốn sách là để nhớ mãi về một thời gian khổ hy sinh nhưng rất đỗi tự hào trong cuộc chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Mô tả ảnh.
Lời giới thiệu của nhà thơ Lê Anh Dũng trên đây đã nói lên được những gì mà tác giả Đỗ Hùng Luân, một cựu tù Côn Đảo, muốn gửi gắm vào hơn 120 trang giấy của tập sách “Tháng ngày của mười năm ấy” (ảnh). Một nửa sách ông dành cho nhật ký viết trong gần 2 năm, từ ngày ông được trao trả tại Lộc Ninh (2-1974) đến ngày đi học dự bị đại học tại Đà Nẵng. Một nửa sách ông dành đăng 14 bài thơ làm trong tù có tựa chung là “Tự do ơi”, trong đó có 9 bài thơ xuân trải qua những cái Tết từ 1966 đến 1974.

9 mùa xuân đón Tết trong tù, chàng học sinh Trường Trung học Trần Cao Vân - Tam Kỳ, Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên sinh viên học sinh giải phóng Quảng Nam ngày ấy đã trải lòng vào thơ, những câu thơ tuy không “hoa mỹ” như tác giả tự nhận, nhưng “diễn tả một sự thật - rất thật”.

Xuân Bính Ngọ 1966, anh còn ở nhà lao Quảng Tín (Tam Kỳ): “Ôi hôm nay, ngày đầu xuân vừa trở lại/ Ta nhớ thương, ước vọng, hoài trông…”, thì xuân sau, Đinh Mùi 1967, đã ra tận ngoài Côn Đảo với ước mong Tết đoàn tụ: “Ngày xuân nào tàu sẽ quay về bến?/ Để ta cùng hưởng Tết khải hoàn ca”. Xuân 1968, anh những tưởng “một xuân nữa là thôi” cảnh lao tù, nhưng rồi đến xuân sau, lại vẫn nuôi tiếp niềm hy vọng “năm nay mong chắc sẽ về quê”. Nhiều mùa xuân qua đi, vẫn chưa thôi thân phận người tù. Năm 1973, xuân cuối cùng ngoài Côn Đảo, anh da diết khi bấm đốt tay nhẩm tính: “Tự do ơi! Hãy đến ngay!/ Bảy năm, ba tháng, mười ngày đăm đăm”…

Sau bao chờ đợi, ngóng trông, mùa xuân năm Giáp Dần 1974 đến với người tù Đỗ Hùng Luân bằng niềm tin mãnh liệt một ngày trở về, khi anh được chuyển từ Côn Đảo về nhà lao Hố Nai (Biên Hòa): “Đây xuân cuối trong đời đày ải/ Bao xuân rồi ta mãi chờ mong/ Xuân này mây tạnh trời trong/ Sẽ về quê mẹ ngập lòng yêu thương”. Ngày 20-2-1974, anh được tự do, tiếp tục dấn thân trên bước đường làm cách mạng.

37 mùa xuân đã đi qua, những dòng hồi ký, những vần thơ xưa của người tù Đỗ Hùng Luân, khi viết cũng chỉ nghĩ để “một mình mình biết, một mình mình xem”. Đến khi người thân, đồng đội, đồng chí, bạn bè khuyên anh nên cho ra đời tập sách nhỏ này để sẻ chia tủi nhục, đắng cay pha lẫn lòng kiêu hãnh của những mùa xuân trong tù ngục, anh đã trải lòng: “Chiến tranh đã lùi xa, có cái đã dần quên đi, song những gì ghi được trong nhật ký, khi đọc làm hồi tưởng từng sự việc, như đang sống với những ngày ấy”.

Tập sách còn thú vị ở chỗ, có một số hình ảnh, tư liệu từ những năm đầu giải phóng và hình ảnh do tác giả ghi lại sau ba lần về thăm Côn Đảo.

VIÊN PHÚC QUÂN
(*) Đọc "Tháng ngày của mười năm ấy", Đỗ Hùng Luân, NXB Đà Nẵng, tháng 11-2010
;
.
.
.
.
.