.

Nắng tháng chạp

Bữa mụ Thi mua con heo dưới chợ ôm về, vừa tới nhà là chị Ba Lù đã đi đằng sau lưng rồi. Chị bảo: Đâu, thím đưa tôi coi thử tốt không. Rẻ đó, mà giống heo Dọt Xia này bự lắm… Chị phát âm cái giống heo Yorkshire ngon lành theo kiểu của chị. Rồi chị chỉ vẽ cho mụ Thi đủ thứ, nào cách cho nó ăn, cho uống, mua cám tấm ở đâu…
 
Chị giải thích cho mụ Thi về cái việc nuôi như thế nào cho con heo nó mau lớn, mướt lông. Chị bảo phải hái rau muống đồng, đọt bèo, lá non lục bình cho nó ăn, mát bụng, heo nó lớn ngó thấy… Lần  đầu tiên trong đời mụ Thi tập nuôi heo. Nghe nó khó hơn hồi mụ đi sinh con bé lớn ở bệnh viện.

Bây giờ có một mình mụ gánh gồng thêm con Dọt Xia bé bỏng nữa. Mà có phải nuôi con Dọt Xia nầy để chơi như nuôi con nhồng, con sáo gì đâu. Nó là kết quả của nửa năm dành dụm tiền ăn. Là niềm hy vọng của gia đình. Của cả cái “biệt thự lá” xiêu vẹo, như sắp đổ nhào xuống rạch. Phải tìm mọi cách để chống đỡ mới có chỗ mà chui rúc. Chứ Ba Lù cũng đã cảnh báo rồi, “ở cái xứ nầy, không có lúa thì chẳng có ai cho mượn gạo”. Không phải chuyện đùa đâu. Câu nói đó của Ba Lù văng vẳng bên tai mụ Thi như một thứ giáo điều vô hình đáng sợ.

Bữa đó chủ nhật, mấy đứa nhóc con nhà mụ Thi nghỉ học. Chỉ có lão Thi, ngày nào cũng ôm chiếc xe lôi chạy ngược chạy xuôi kiếm gạo. Đứa em trai thì vác lúa mướn ngoài nhà máy xay lúa quốc doanh. Chỉ còn bốn mẹ con mụ Thi bàn tán xôn xao cái tên cho con Dọt Xia. Rồi loay hoay tìm chỗ cho nó ở, nó ăn, nó ỉa, đái. Đâu có dễ dàng, đơn giản như lúc chưa đem con Dọt Xia về. Bây giờ nó là thành viên thứ bảy trong gia đình. Chỉ có điều khác là nó không biết nói, nó không đi học, và người ta gán cho nó “ngu như heo”.

Thực ra, thì nhà lão Thi chỉ có hai vợ chồng, ba đứa con dại và một cậu em trai. Đứa con lớn chỉ mới vừa biết nấu cơm. Đứa nhỏ nhất mới học lớp một. Cả gia đình chui rúc trong một căn nhà lá chưa đầy 28 mét vuông, nền đất, đơn sơ như một cái chòi giữ bắp. Ở cái xứ sở nầy, người ta nói “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Vì thế, mụ Thi quyết định dành dụm tiền ăn hằng ngày để mua một con heo con. Chớ tính ra, hồi  dọn về ở xóm cũ nầy, đã bốn năm. Lão Thi tảo tần, vất vả, bấu víu vào con ngựa già, chiếc xe “đăm”, kéo cái thùng xe lôi ì ạch kiếm sống hằng ngày không đủ, lấy chi lo việc nhà cửa!

Mụ Thi ngồi trầm ngâm, nghĩ bụng: Chua thật! Mụ ngó quanh nhà. Nhà có tí tẹo. Bốn mẹ con ngủ chung một cái giường, phải nằm ngang. Lão Thi đi sớm về khuya, được dành riêng cái sạp tre ọp ẹp. Cậu em trai thì thủ cái ghế bố nhà binh cũ rích, thấp lè tè dưới nền đất, lúc nào cũng ngửi thấy mùi ngây ngấy của cái hầm cá tra nước xanh như lá chuối héo sát vách nhà. Nhiều đêm không ngủ  được, bởi lũ cá tra nó quậy như bầy quỷ đói. Đôi khi có người rót tè tè xuống hầm cá, rồi lủm bủm… một thứ hủ tục của miền Tây Nam bộ, tự nhiên… đến rùng mình!

Chẳng có gì còn lại ngoài chiếc bàn gỗ vuông vức tám tấc mà lúc bỏ thành phố ra đi, mụ Thi mua lại của người hàng xóm có mười đồng bạc để cho mấy đứa con ngồi làm bài. Cái bếp gỗ thì kê ngoài hè, sát mé rạch. Những buổi chiều mụ thổi cơm, ngọn khói vương trên mái lá sũng nước mưa, quyện thành một nỗi buồn xa xứ. Ngó tới ngó lui hoài, chỉ còn có cách là cột chân con Dọt Xia lại, trải chiếc đệm rách phía góc nhà bếp cho nó ở. Tạm thời giải quyết vậy đi. Mụ Thi nói thế với mấy đứa con.

- Rồi nó ị, nó tè ở đâu hở me? Con bé lớn hỏi mẹ nó.

- Thì mình dắt nó ra ngoài lề lộ, nó ỉa đái xong thì dắt vô. Riết rồi nó cũng quen con à.

Mụ Thi vừa nói, vừa phán với con Dọt Xia nhỏ bé về chuyện ăn ở của nó. Chỉ có con bé út là vô tư. Coi bộ con bé thích con Dọt Xia mủm mỉm, cái mũi hồng hồng, nhúc nhích như con búp bê Tây, da dẻ nó trắng muốt, mềm mại dễ thương. Con bé vuốt ve, nựng nựng một chút là nó lăn ình ra ngủ. Tụi nhỏ coi Dọt Xia như em út. Mà út gì hả me? Mụ xởi lởi: Ừ, thì gọi nó là Út Hợi. Hợi là heo. Được đấy con.

Thế là Dọt Xia đã mang tên Út Hợi, nghe dễ thương, như đứa con út trong nhà. Từ bữa ấy, nhà mụ Thi xôn xao hơn. Tụi nhỏ đi học về là bu quanh Út Hợi vuốt ve, nói chuyện, đùa giỡn với nó. Chúng như tìm được nguồn vui mới ở Út Hợi. Tuổi thơ của tụi nhóc mấy năm nay chùng lại, rả rời theo cái xóm cũ nầy. Quanh xóm toàn là những người đi làm thuê, làm mướn, buôn thúng bán bưng. Như vợ chồng Ba Lù đi làm mướn từ đời cố lũy nào chẳng rõ. Chỉ thấy họ sinh ra một bầy con trai tám đứa, và đứa con gái út, cùng một tuổi với con gái út nhà mụ Thi. Đứa nào cũng chỉ học hết lớp ba, lớp bốn là tuột. Ở nhà, đứa lớn đi vác lúa mướn. Đứa nhỏ đi mò cua, bắt ốc, đá banh suốt ngày ngoài ruộng, da dẻ đen kịn, trông chúng khỏe như voi.

Vợ chồng anh Ba Lù được cái hiền lành chất phác, ăn cục nói hòn. Chỉ có cái tội là cả nhà ai cũng chửi thề sướng miệng. Tiếng chị Ba Lù lúc chửi thề nghe nó xé cả hai lỗ tai. Nhà lão Thi cách nhà Ba Lù một con rạch chưa đầy mười mét, nghe riết rồi cũng thấy vui vui. Lũ con nít trong xóm như một bầy ong đói cơm, khát chữ. Chuyện đi học với chúng là chuyện vui, không thành vấn đề. Về nhà bỏ tập vở, chúng cởi trần trùng trục đi mò cua, bắt ốc theo các bờ mương, sông rạch. Trò chơi của đám con nít ở cái xóm nghèo nầy chẳng có cái gì ngoài cái lon sữa bò, đục hai cái lỗ, làm bánh xe, rồi đẩy đi ngoài lộ đá nghe leng keng, tạo nên một thứ âm thanh khó chịu, buồn bã trong những buổi chiều tắt nắng.

Nghĩ tới con Út Hợi, mụ Thi không ngồi yên được. Mụ mày mò trong kệ sách cũ, tìm cuốn sách hướng dẫn chăn nuôi. Thế mà chỉ áp dụng được vài chiêu cho Út Hợi. Cũng may là Út Hợi ăn no rồi nằm. Mỗi đêm phải dắt nó đi tè ngoài lề lộ vài lần. Chứ còn biết cho nó ỉa đái chỗ nào cho phải chuyện. Khi Út Hợi lên năm tháng tuổi, nó đã cao tới bụng thằng Cu. Mỗi lần đi học về, thằng Cu leo lên lưng nó, cưỡi đi quanh nhà như Tam Tạng cưỡi ngựa đi thỉnh kinh. Út Hợi đã ngoài 85 ký lô, niềm hy vọng của mụ Thi cũng lớn dần theo. Nhiều đêm đang ngon giấc, Út Hợi lại giường mấy mẹ con đang ngủ, nó ụi ụi húc húc vào chân mụ Thi, mụ biết, Út Hợi nó đòi ra lộ. Mụ Thi thức dậy một cách vui vẻ. Hèn chi sách nói: Heo là con vật khôn ngoan được xếp vào hàng thứ tư của loài vật.

Tính ra đã gần một năm. Út Hợi không còn bé bỏng gì nữa.

Suýt soát nó cũng trên 150 ký lô. Cái giống Dọt Xia nó bự thiệt, y như lời chị Ba Lù nói hồi mới đem nó về. Mỗi lần lùa nó qua bên nhà máy xay lúa quốc doanh cân nhờ, nó bước đi ì ạch như người mắc bệnh béo phì. Da nó mướt như thoa dầu. Hai con mắt híp lại, cái mũi lúc nào cũng hồng hồng ươn ướt, nhúc nhích như lúc họ Trư nhìn thấy gái đẹp. Nhiều đêm, vợ chồng Thi bàn tính phải “gả” Út Hợi cho thằng Tâm, thằng Ngầu… cái đám bảy đáp dưới chợ. Không lẽ, thương nó mà nuôi hoài…

Nhưng việc chẳng đặng đừng. Cuối cùng rồi vợ chồng Thi cũng phải bóp bụng, bày mưu tính kế, đánh lừa Út Hợi.

Buổi sáng hôm ấy là rằm tháng Chạp. Hình như Út Hợi có linh tính, nó nằm hoài không chịu để mụ Thi lùa qua nhà máy xay lúa như mọi lần. Mụ phải dỗ dành nó. Và đó là lời nói dối cuối cùng của mụ với Út Hợi. Mụ cảm thấy xấu hổ. Nhưng không còn cách nào khác hơn được. Cuộc sống nầy nó đắng cay là vậy. Khi Út Hợi vừa bước xuống chưa khỏi bàn cân, hai tên đồ tể đã chụp ngay hai chân trước và sau, vật chéo thân nó ngã xuống một cách vô vọng. Út Hợi kêu la như trối chết. Mụ Thi khóc rưng rức. Lão Thi quay mặt đi chỗ khác. Bữa đó là ngày thứ năm, tụi nhỏ đi học hết. May là chúng không nhìn thấy cảnh đau xót này…

Nắng tháng Chạp ở miền Tây gắt lắm. Buổi trưa không một chút gió. Lão Thi ngồi thẩn thờ trước cửa đốt thuốc. Không phải lão thương tiếc con Út Hợi mà lão nghĩ miên man về căn nhà lá sắp sụp. Tết nhứt tới nơi con cái chẳng có tấm áo mới. Cuộc đời con người ta nó phi lý. Ý nghĩ của lão như bế tắc. Bế tắc như cuộc sống của gia đình lão từ ngày về ngụ cư trong cái xóm cũ nghèo khó này. Bấy lâu nay, lão chấp nhận cuộc sống một cách tự tại và đợi chờ. Tưởng chừng như mọi việc sẽ được an nhiên, mặc cho những biến trải trong cuộc sống đang xô bồ ngoài kia. Nhưng mà cái vụ đánh lừa Út Hợi, lão không chịu nổi. Tâm hồn lão như bị xé rách ra. Lão châm điếu thuốc khác. Nước mắt ở đâu nó ràn rụa…

Không phải lão khóc vì nỗi ân hận, cho lão, cho kiếp phù sinh mà trong đó có cả phần của Út Hợi. Lão khóc, có lẽ lão là người thực, với một tấm lòng thơm như gạo châu củi quế.

Hoàng Quế Tiên
;
.
.
.
.
.