.

Tết hoài hương

.

Cứ mỗi dịp Tết đến, trong lòng những người con xa quê lại rộn lên tâm trạng thật khó tả. Ai cũng háo hức muốn được về quê, quây quần giữa những người thân, họ hàng để hưởng một cái Tết ấm áp, sum vầy. Với những người không thể về quê được,  nỗi nhớ quê lại được thể hiện bằng nhiều cách.

Giữ những thói quen cũ

 

Mô tả ảnh.
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt.

Giỏ đồ sắm Tết của bà Nguyễn Thị Hiểu, 60 tuổi (An Khê, Thanh Khê) ăm ắp nấm hương, mộc nhĩ, măng khô, bánh đa nem, miến, dưa hành… Bà quê gốc Hà Tây cũ, theo chồng vào Đà Nẵng công tác rồi sinh sống gần 30 năm ở đất này, nhưng vẫn giữ thói quen ăn Tết của quê nhà. “Sống trong này lâu, mọi thói quen cũng đã thay đổi hết, duy còn mỗi Tết là gia đình tôi vẫn giữ nguyên để được gần với ông bà, tổ tiên hơn, và quan trọng là mình thấy được không khí ấm áp như đang được ở quê nhà”.

Mâm cơm ngày Tết của gia đình bà luôn có những món ăn truyền thống như bánh chưng, dưa hành muối, giò lụa, thịt đông, bánh đa nem… Với bà, Tết mà không có miếng bánh chưng, đĩa dưa hành thì chưa phải là Tết. Năm nào 30 Tết bác cũng làm cơm tất niên, các con cháu về quây quần nấu nướng đông vui lắm. Những món ăn đơn giản bác thường tự tay nấu, hoặc bày cho con dâu cùng làm cho vui, còn bánh chưng và giò lụa do chế biến hơi lỉnh kỉnh nên bác thường đặt ở cửa hàng của những người Bắc làm cho đúng vị. “Ngày xưa, ở ngoài quê, cứ khoảng 29, 30 Tết là nhà nào cũng rộn ràng rửa lá, gói bánh, giã thịt, bó giò, nhộn nhịp lắm. Giờ hiện đại, siêu thị, chợ cái gì cũng có, quan trọng là mình biết lựa để chọn được đồ ngon nhất cho gia đình thôi”.

Cũng vào Đà Nẵng từ những năm 1990, cô Bùi Thị Hoàn (phường Thạch Thang, Hải Châu) có hai con, con trai lớn làm ngoài Hà Nội, con gái út học đại học ở Đà Nẵng, năm nào gia đình có điều kiện thì vợ chồng cô về quê Thái Bình để ăn Tết, còn không thì hai đứa con thay nhau về ăn Tết với ông bà, cũng là để mấy đứa có điều kiện gần gũi với anh chị em ở quê. Trong này, năm nào cô cũng tự tay chuẩn bị mâm ngũ quả, cô thường ra chợ sớm, lựa các loại quả ngon, đẹp để bày mâm.

“Hồi đầu bạn bè, đồng nghiệp đến chơi ngày Tết thường thắc mắc tại sao không bày “cầu vừa đủ xài sung” (Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung) để cầu được tiền tài, sung túc như ở trong này mà lại bày chuối, bưởi, quýt, nho, khế không có ý nghĩa gì cả. Thực ra mỗi nơi quan niệm mỗi khác, mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết chính là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây, của nếp văn hóa dân tộc và ý nguyện cầu hòa, an, đủ của người dân nên phải lựa thật kỹ càng. Với lại từ trước giờ ở ngoài quê cô toàn bày thế này nên cứ theo đó mà làm thôi. Tuy mỗi nơi có khác nhau một chút nhưng đều là thể hiện tấm lòng với ông bà, tổ tiên cả”.

Tết-hội nhập

Gần 10 năm sống ở Đà Nẵng, gia đình nhỏ của vợ chồng chị Vũ Thị Vân (An Hải Tây, Sơn Trà) cũng đã có những thay đổi ít nhiều. Trước đây khi chưa có con, vợ chồng chị vẫn về Nam Định ăn Tết cùng bố mẹ và các anh chị nhưng những năm gần đây bận rộn con nhỏ, đi lại xa xôi nên vợ chồng chị ăn Tết trong này luôn. Chị cho biết, sau vài năm thì Tết nhà chị thành “hội nhập” mất rồi, Bắc – Nam đủ cả. “Riêng bàn thờ thì năm nào cũng phải có cặp bánh chưng, cân giò lụa để thấy được không khí Tết. Là người Bắc, Tết không có cặp bánh chưng thấy thiếu thiếu sao đó”.

Còn một thói quen nữa là từ khi ăn Tết ở đây, năm nào anh chị cũng cúng giao thừa. Một con gà trống ngậm hoa đỏ, một đĩa xôi gấc để cúng trời đất lúc sang canh. “Bình thường ông xã ham nhậu nhẹt lắm, nhưng đêm giao thừa nào cũng phụ mình cúng sang canh. Thói quen này mình học của mẹ từ hồi còn con gái đấy” – chị cười tươi chia sẻ.

Sống ở đây rồi chị có thêm thói quen cúng xóm, cúng đất ngày cuối năm như mọi nhà. Trong bữa cơm ngày Tết của gia đình, chị thường làm những món đặc trưng của quê nhà để thết đãi bạn bè, nhưng anh chị cũng rất thích bánh tét, dưa món, củ kiệu muối, thích làm mứt dừa, mứt gừng… nên chị cũng sắm đủ cả trong mâm cơm Tết nhà mình.

Những người con khi xa quê thường đau đáu một nỗi nhớ quê, luôn muốn được về thăm lại nơi mình đã gắn bó, tuy nhiên một vài bạn trẻ thường ham vui nên chưa “nặng tình” với quê. Nguyễn Đức Nam, học sinh lớp 11 Trường Nguyễn Hiền cho biết: “Tết là dịp nghỉ ngơi, em chỉ thích đi chơi, du lịch cùng bạn nhưng năm nào bố mẹ cũng “bắt” em về Thanh Hóa ăn Tết. Bố mẹ với chị em lớn lên ở đó còn có tình cảm, chứ em vào đây từ hồi 4, 5 tuổi mà cả năm mới về một lần, em vẫn chưa thấy thân quen”.

Mùa xuân gõ cửa, Tết về rất gần, nhà nhà rộn ràng chuẩn bị đón năm mới. Nghe tiếng mẹ trong điện thoại hỏi khi nào về quê tự nhiên thấy nôn nao lạ. Chỉ còn mấy ngày nữa là hết năm, tôi cũng sẽ rời thành phố này lên tàu về quê quây quần bên gia đình trong buổi chiều cuối năm. Với những người đón Tết xa quê, nhớ quê nhưng họ vẫn cảm thấy bình yên với thành phố nơi mình đang sống.

Năm nay, hay năm sau tôi vẫn có thể về quê ăn Tết với gia đình, nhưng biết đâu những năm sau nữa, khi đã có một gia đình của riêng mình tôi cũng sẽ lại gắn bó với nơi đây, cũng sẽ như gia đình cô Hoàn, cô Hiểu, chị Vân… và nhiều người khác nữa, xem nơi mình đang sống như quê hương thứ hai. Và dù ở đâu thì trong ngày quan trọng nhất của năm, nỗi niềm hoài hương của người con xa quê đều được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau để vơi đi nỗi khắc khoải nhớ không khí đầm ấm nơi quê nhà.

Thu Hà

;
.
.
.
.
.