.

Trăng cuối năm

 

Một mình ngắm trăng. Giữa khuya tháng Chạp. Bao nhiêu chuyện đời, chuyện người như xô dạt về một phía và chìm khuất. Chỉ còn ta và trăng. Kỷ niệm ùa về. Người tư lự cùng ta một ánh trăng khyua/ánh trăng bầm trong nước mắt thơ ngây. Hai chục năm rồi khi ngồi ở phố nhớ quê ta đã viết thế. Giờ ngồi cùng trăng ở chính quê mình, nhà mình, lại nhớ đến những vầng trăng xa xăm khác…

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu là trăng Hàn Mặc Tử với giấc mơ yêu. Đợi gió đông về để lả lơi. Những tình nữ và tình trai như trăng với gió trong thi ca tiền chiến. Đêm nay trăng sáng quá anh Phùng ơi thì là trăng của bằng hữu, khái niệm phi truyền thống trong chính họ Hàn. Em đến vầng trăng bỗng tỏa hương hay Tuyết gợn làn da bóng nguyệt trôi, và Trăng tình chưa nguyện lời hoa bướm, Em chẳng về đây để ngỏ lòng… là trăng viễn hoài của Đinh Hùng. Trăng ấy đã thuộc về một quá khứ đẹp và buồn của tình nhân thất lạc nhau… Tất cả của chung một thế hệ mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây… của thời kỳ phôi thai thơ mới.

Đến ông Chính Hữu thời thơ cách mạng kháng chiến thì trăng được hay bị  thi vị quá đáng theo kiểu Trăng treo đầu súng. Nhưng sự cố ý cường điệu này khó sống lâu hơn Quang Dũng Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng (Đôi mắt người Sơn Tây) vì cái giá của thanh bình phải trả quá đắt trong binh loạn, qua những xác già nua ngập cánh đồng, qua những xác trẻ trôi sông…

Con thuyền mỏng như mảnh trăng nằm đợi. Ý Nhi gọn, gợi và hiện đại hơn như những nhà thơ cùng thời với chị và với chúng ta. Tình nhân đợi nhau, mẹ già đợi con sau cuộc chiến dai dẳng vượt sức chịu đựng của sự mỏng manh kiếp người! Thanh Tâm Tuyền trong Trăng phố buổi sớm là một ngôn ngữ đầy ẩn dụ nhưng thô mộc của văn xuôi vốn có của ông Trăng tròn vàng rộ. Ngày thu, sương thiếp lạnh mỏng. Một người trong xóm tay bồng tay dắt con leo chậm từng bậc cấp nhá nhem trở về nhà sau đêm… Đó là ánh trăng khác của một vùng đô thị lầm lũi, đói khó…

Nhà thơ Thu Bồn có câu thơ tình gọi là… sex:  Trăng sáng mà em áo vẫn cài có tứ thơ bất ngờ theo cách của ông. Trăng, em và áo vẫn cài. Có sao đâu, chỉ cần có trăng soi rọi để em đầy sức sống em đẹp hơn thôi. Không nude mà vẫn nude. Cũng tự như Luân Hoán: ta về nằm lại bên ai/ngày xưa đứt nút áo cài kim găm. Mộc mạc, giản dị nhưng hàm súc. Chắc rằng đêm ấy ánh trăng đã rọi vào chỗ của đôi tình nhân, ít ra cũng có một vệt sáng của trăng hắt qua vầng ngực. Chứ nếu không làm sao nhà thơ thấy được… cái kim găm!

Tôi ở quê nên có thuộc ca dao:
Trăng lên rồi đó anh tề
Nói chi nói lẹ em về kẻo khuya!

Tình trai và tình nữ hẹn hò nhau ngoài cổng đình, trên bờ đê, bến sông… mà chẳng dám cầm tay nhau, nói với nhau một câu ra hồn suốt đêm hôm khuya khoắt. Tội nghiệp chưa… Nhưng lại có dị bản:

Trăng lên đến đỉnh mu rùa
Cho anh… chịu, đến mùa trả khoai

thì “bức tường lửa” đã bị vượt qua! Nhưng “ấy” là gì mà trả bằng khoai? Vài mươi năm trước, khi bình hai câu này, cha tôi chỉ nói gọn: “Tụi nó bậy thiệt!”.
 
Từ một vùng trung du với đàn bò, đàn dê bước qua những trận mưa nguồn và người em mọi nhỏ, Bùi Giáng vẫn không quên ánh trăng quê nhà, ánh trăng châu thổ của ông.

Đêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng mưa trốn gió
Và rồi,
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ nghiêng ngửa sóng giữa lời hẹn                     hoa,

Ngày mai cá sóng phiêu bồng
Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng                      ra đi
(Đêm ngắm trăng)
Bởi chăng ông đã biết chắc bẳm từ lâu:
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy                           không?
Trong câu hỏi ấy, của người Quảng, đã hàm chứa câu trả lời về cái vô thường của nhân sinh và vạn vật. Như 6 thế kỷ xưa Nguyễn Trãi đã tiên liệu:
Nguyệt trong đáy nước, nguyệt trên                     không
Xem ắt lầm một thức cùng
(Thơ Quốc âm)

Một trăng thôi mà nói được bao điều. Rồi trăng tròn, trăng khuyết, nguyệt bạch, fullmoon… Ngẫm ra, trăng là cái cớ để nói về người, kiếp người và cõi người vậy.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
;
.
.
.
.
.