.
Truyện ngắn

Tết ở quê nội

Một

Quê của Hưng ở ngoài kia: Một tỉnh của miền Trung và ở nông thôn. Ngoài quê, giờ, chỉ còn có bà nội. Sau khi ông mất, ba má và các cô chú đã nhiều lần năn nỉ bà vô sống cùng nhưng bà không chịu.
 
Bà nói: “Ở đâu quen đó. Hồi giờ sống vầy, thay đổi sao được? Không có con cháu thì bà con dòng tộc. Cũng vui ớn chứ lo gì?” Nói là nói vậy chứ sao bà không buồn, tủi thân? Bởi sáng, chiều, khuya khoắt gì cũng một mình bà quạnh quẽ vô, ra trong căn nhà rộng rinh và to đùng ở ngoài đó. Cũng do vậy nên gia đình Hưng về quê hoài. Riêng Hưng bất cứ lúc nào có thể ra được với nội là Hưng ra ngay và Tết, sao có thể vắng mặt?

Tết, ở ngoài quê vui lắm. Chộn rộn đâu từ đầu tháng chạp. Không như trong thành phố. Nhà nào, nhà nấy im ru. Phải sít tới cận Tết mới lo đi sắm đồ. Chỉ sắm thôi chứ đâu có ai nghĩ tới chuyện làm mà sắm thì chỉ cần đi siêu thị chừng trên tiếng đồng hồ là đủ hết. Nào là đồ mặc, đồ ăn, đồ chưng bày… Đồ ăn thì mặn, ngọt. Ăn chơi, ăn thiệt gì cũng đủ hết. Nội nói ba cái đồ mua ăn, sao ngó “dảo banh” với lại không làm lấy gì cúng? Chú Út cười cười: “Má cứ vẽ chuyện. Ai cũng như má thôi chứ đồ người ta làm bán cho ai, trời! Còn chuyện cúng kiếng. Ông bà cũng thông cảm cho con cháu bận rộn chứ bộ!”. Bà “hứ hứ” trong miệng. Tiếng “hứ” mắc kẹt miếng trầu thành ra “ứ ứ” và nguýt chú một cái thiệt dài, trước khi càm ràm: “Đồ cái cốt. Cái cốt gùy mầm”. Bà nội của Hưng hay lắm! Làm công chuyện cũng hay. Kể chuyện cũng hay và nói ra nhiều câu chữ còn hay hơn nữa. Chẳng hạn như cái tiếng “gùy mầm” mà bà luôn ý chỉ cho chú Út.

Bữa đó là chạp mả nên nhà chẳng thiếu một ai. Đây là dịp đoàn tụ gia đình và dòng tộc nên mọi người về rất đông đủ. Ba là trưởng nam và gia đình Hưng đã lo về từ ngày hôm trước. Hưng lăng xăng hết việc này tới việc khác, ra vẻ ông cháu đích tôn lắm kìa! Tự vì, thường ở quê nên Hưng rành nhiều chuyện trong nhà nội hơn là ba má và các cô chú. Hưng làm táy táy vậy đó! Ai cũng khen khiến ba má nở mũi mà bà thì cười hoài. Nội nói đây rồi cái nhà từ đường này nó lo chứ ai. Thờ tự là phần nó mà. Nhà Hưng chạp mả sớm nhất vì mới là đầu tháng và thường sau đó hai bà cháu lo sửa soạn cho cái Tết là vừa. Cũng đỡ, là cỡ đó Hưng đã thi học kỳ xong nên cũng rảnh rỗi và có thể ra ở với bà. Nội ưng bụng lắm vì có người cùng làm, cùng sắm sanh, chuẩn bị thứ này, thứ khác. Có một thằng cháu giỏi giang như Hưng, nội cũng khỏe nhiều chứ bộ. Nghe Hưng nói, nội hấp háy mắt chửi yêu: “Cha mày…”.

Đã trên tuổi bảy mươi nhưng là phụ nữ ở nông thôn nên nội rất giỏi chuyện bánh trái. Tết năm nào nhà cũng đúc bánh in, đổ bánh thuẩn, rim mứt gừng, bí đao… rồi làm thẩu kiệu mặn. Cũng phải qua hai lăm, hai sáu nội mới gói bánh, thưng thịt… Mứt, bánh làm sớm để còn kịp gửi cho con cháu. Gia đình Hưng và các cô chú đã quen với những đặc sản Tết quê của bà. Không có thấy trống trải, hụt hẩng sao đâu! Nhớ, có năm suốt một tháng chạp, nội đau phải nằm viện. Má đành đi mua mứt ở tiệm. Ba cầm lát mứt gừng săm soi miết: “Chỉ được có cái đẹp, trắng. Ăn miếng gừng rim của má cay nồng, đậm đà. Thấm thía tới tận chân răng chứ đâu vầy”. Nội luôn nói người nhà quê chắc thiệt mà. Chắc thiệt như xắt lát gừng dày cui, làm món kiệu bỏ mắm mặn mòi. Chắc thiệt như là chuyện ăn Tết. Như là chuyện lo Tết vậy…

Hai

Chị Năm Bửu lớn hơn Hưng hai tuổi nhưng ngó bộ còi cọt, vì mắc làm nhiều công chuyện. Ở nhà quê là vậy chứ đâu có như trong thành phố. Mười ba, mười bốn tuổi như chị có người lặt rau, nấu cơm còn chưa nên nữa là! Thường, tháng chạp năm nào chị Năm cũng thu xếp thời gian để qua nhà, cùng làm bánh trái với bà cháu của Hưng. Nhà chị Năm ở ngay phía sau nhà nội chứ đâu có xa xôi gì! Cách nhau có một hàng rào dâm bụt và hai chị em thường vén rào chui qua, chui lại tối ngày. Tháng chạp là mùa gạnh ngoài quê nên mọi người rất bận rộn với lúa má, đất đai. Đó là chưa kể nhà chị Bửu còn gieo được một góc ruộng lúa nếp để có, mà rang cốm. Cốm, để đóng bánh ăn Tết và bánh đây, kêu là bánh nổ.
 
Còn nếp làm được thứ bánh này thì phải là nếp sột soạt. Chị Năm Bửu còn nhỏ nhưng dân quê, nên rành rọt chuyện thóc nếp, lúa gạo dữ lắm! Còn Hưng? Dù là dân thành phố nhưng gốc gác gia đình là nông thôn nên cũng đâu thua sút gì. Có lần bị chị Năm hỏi: “Chứ đố em có mấy loại nếp hết thảy?”. Hưng trả lời tức thì không cần suy nghĩ: “Để em kể nghe! Nếp ngự, nếp quạ, nếp cái, nếp tiêu, nếp ba tháng với lại nếp sột soạt. Đúng chưa?” khiến chị Bửu há hốc miệng, phửng khan. Phửng khan, là tiếng của người dân ở quê của Hưng. Nghĩa từa tựa như là chưng hửng vậy đó! Hưng thương bà nội, quý chị Năm và yêu quê tha thiết. Cũng gần gụi lắm với những từ ngữ ở đó nhưng sống với nội Hưng tha hồ mà… “phửng khan” còn về thành phố, Hưng phải nói là chưng hửng mọi người mới hiểu.   
  
Tháng chạp, đi cắt về ngang nhà chị Năm hay ơi ới: “Nhà làm được gì rồi?”, “Ủa! Nắng vầy sao không phơi kiệu?”, “Đổ bánh thuẩn sớm dữ?”… Tính chị tốt, hiền nhưng có tật nói trổng không vầy à! Hồi Hưng mới quen, chị Năm Bửu toàn nói trổng. Nghe mà bắt ớn! Hưng sửa riết, sửa riết vậy mà cũng đỡ nhiều. Loay hoay suốt một buổi sáng hai chị em cũng đúc xong được hai ký bánh in. Bánh in nhà Hưng chỉ duy nhất có một khuôn mẫu. Là bánh táp-lô. Bánh này phải sấy già lửa rồi còn phải gói giấy xanh, đỏ, tím, vàng, trước khi phơi nắng. Nhìn rất bắt mắt mà có thể để được rất lâu. Nội đóng vai trò phụ tá. Tay yếu không dện bánh được thì đã có Hưng. Tay lóng cóng gói bánh không đẹp thì đã có chị Năm Bửu và ngào trộn bột thì đã có con Út Lì, là bạn quê của Hưng ở xóm trên. Nội nhai trầu bỏm bẻm, gật gù: “Vậy tao sấy bánh nghen, bay”.

Phơi hết mấy dãy bánh, Út Lì lật đật ra về. Nội vô nhà ngả lưng. Chỉ còn lại có hai chị em. Chị Năm Bửu ra vẻ bức rức khi cứ lấy tay vò đi, vò lại mấy chiếc lá rớt đầy hè. Tháng chạp trời êm đẹp và gió nhiều. Làm thinh cả đỗi lâu, chị bỗng hỏi giựt giọng:

- Tết, em được mấy bộ đồ mới Hưng?
- Dạ! Ba bộ.
- Ba bộ mặc đủ ba ngày rồi.
- Nói vậy chứ đâu phải ngày nào cũng đóng vô một bộ đồ mới. Dị chết!
- Dị sao! Năm mới thì bận đồ mới chứ sao?
- Chị con gái khác. Tự vì còn thích được chưng diện. Chứ em…
- Ừ! Con gái thích chưng diện mà đâu có đồ để chưng diện…
- Chứ!...
- Em không thấy mấy năm nay thiên tai miết na! Hết hạn hán rồi tới lũ lụt. Mùa màng thất bát. Nhà chị còn phải bán lúa non để lo Tết nữa kìa!
- …
- Gia đình em ở trong thành phố sướng… Ba má em làm Nhà nước sướng. Cứ lo làm tới tháng lãnh lương. Lụt cũng có lương. Hạn cũng có lương. Đâu phải lo gì?

Giọng chị buồn, đầy mặc cảm tủi thân khiến Hưng lặng cả người. Muốn mở miệng nói một câu gì đó để an ủi chị mà cũng không dám. Sợ mình lỡ, nói tầm bậy chị Năm Bửu còn buồn hơn. May sao ngay tối đó má về, Hưng đem chuyện đồ Tết của chị Năm ra kể. Má xoa đầu Hưng nựng nịu như trẻ nhỏ lên ba: “Con đừng lo. Cứ để đó rồi má tính cho”. Má tính hay thiệt! Chị Năm được gia đình cho phép theo má vô thành phố chơi mấy ngày. Được đi hội chợ hàng Tết chất lượng cao. Đi siêu thị. Đi shop… May, mà chị còn kịp về để đổ bánh thuẩn với bà cháu Hưng. Vừa làm vừa cười khúc khích kể chuyện phố phường. Ham kể sao mà để bánh xém cháy. Chán thiệt! Hưng chỉ chán chị thôi chứ mấy bộ đồ má mua cho chị thì không chán được đâu. Vì chị bận khéo quá! Chị rủ Hưng mỗi mùng mặc một bộ. Ngon chưa? Có chị cùng diện Hưng cũng bớt dị và mặc đồ mới nên hai chị em không thèm vén rào chui qua lại nhà nhau. Cứ đĩnh đạc ra, vô ngay đường thẳng ngõ.

Đó là chuyện Tết năm ngoái ở ngoài đó. Ở quê nội của Hưng.

Nguyễn Mỹ Nữ
;
.
.
.
.
.