.

Vốn vay cho y tế từ IMF: Cắt xén vì khó khăn

.
Một trong những mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ khó thực hiện thành công nhất là lĩnh vực y tế. Dư luận thế giới bàn ra nói vào rất nhiều chuyện số tiền viện trợ hay vốn vay cho các dự án chăm sóc y tế cộng đồng mà cụ thể là giảm 2/3 tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và giảm 3/4 tỷ lệ tử vong của sản phụ là rất nhiều nhưng thực chất lại được sử dụng rất ít vì đã bị thay đổi mục tiêu sau khi số tiền được giải ngân. Từ những lời bàn tán đó, Giáo sư David Stuckler của Trường Đại học Oxford (Anh) cùng với các cộng sự đã đi tìm thực hư của vấn đề này.

Mô tả ảnh.
Người dân nước nghèo ít có điều kiện chăm sóc sức khỏe.
Không ôm đồm, Stuckler chuyên sâu vào khía cạnh các nước vay vốn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho những dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã thực hiện như thế nào. Ông tiến hành cuộc điều tra trên diện rộng với 135 nước có mức thu nhập bình quân của người dân thuộc vào diện thấp và trung bình, trong đó 34 nước vay vốn của IMF và 101 nước không vay tiền của IMF. Kết quả đưa ra làm “ngã ngửa” không ít người dù họ có biết về chuyện nhiều nước đã chuyển mục đích sử dụng số tiền vay cho y tế. Những nước vay vốn IMF chỉ dùng… 1 cent/1USD vào đúng mục đích sử dụng. Trong khi đó những nước không vay mà chỉ nhận viện trợ có “khá” hơn khi tỷ lệ sử dụng là 45 cent trên một USD viện trợ. Tuy nhiên, vốn vay từ IMF chí ít cũng mang lại tác động tích cực đáng kể là ngân sách chi cho y tế ở nhóm các nước có mức thu nhập bình quân của người dân thuộc vào diện thấp và trung bình trong thập niên từ 1996 đến 2006 tăng cao hơn trước.

Tỏ ra rất “thông cảm” với tình trạng này, Giáo sư Stuckler nói: Các nước nhận tiền viện trợ từ IMF có khác với các nước vay hoặc không vay ở khía cạnh kinh tế. Các nước nhận tiền viện trợ thường có nền kinh tế yếu kém nên đã phải thay đổi mục đích sử dụng. Họ chủ yếu tập trung tốt bề nổi là dập tắt các ổ dịch bệnh và làm các hoạt động y tế cộng đồng. Số tiền còn lại tập trung vào lĩnh vực kinh tế nhằm vực dậy đất nước thoát khỏi khó khăn. Cũng may là các nước cắt xén tiền cho y tế vì mục tiêu kinh tế chứ không phải tham nhũng!

Trong một cuộc điều tra khác được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện đã phản ánh rõ hơn vì sao các nước nghèo có hệ thống y tế kém. Vì không có ngân sách dồi dào cho y tế mà 57 nước được điều tra cho thấy chỉ có 2,3 y tá và bác sĩ trên 1 nghìn người dân. Khó khăn hơn nữa là nhiều người làm trong ngành y tế ở các nước nghèo đã sang các nước phát triển làm việc vì vừa có thu nhập cao, vừa có điều kiện phát triển tay nghề. Thực tế là hiện nay thế giới cần thêm đến 4,2 triệu người phục vụ trong ngành y tế nhằm giúp cho việc hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về lĩnh vực y tế nhanh hơn, nhất là ở những nước kém phát triển thiếu hụt nhân lực ngành y tế rất nhiều.

TỊNH BẢO
;
.
.
.
.
.