.
CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC GIÁO DỤC GIỮA ẤN ĐỘ VỚI CHÂU PHI

“Khai trí” lục địa đen

.
Diễn đàn thượng đỉnh Ấn Độ - châu Phi lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 4 năm 2008 theo sáng kiến của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã đi đến kết quả hết sức quan trọng, đó là Ấn Độ sẽ giúp cho lục địa đen nâng cao trình độ về kỹ năng kinh doanh, kỹ thuật, khoa học, giáo dục, mạng truyền thông tốc độ cao cho các khóa học đào tạo từ xa và y học từ xa. Trong nỗ lực thúc đẩy vai trò của mình ở châu Phi, Ấn Độ cam kết giúp đỡ thiết lập một chuỗi các trường đại học và cơ sở dạy nghề ở châu Phi.

Mô tả ảnh.
Cuộc gặp gỡ hai năm trước, sắp sửa đem lại mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Ấn Độ và châu Phi.
 
Liên minh châu Phi đã chọn Burundi là nơi đào tạo các chuyên gia đầu tiên để lập kế hoạch và điều hành chương trình phát triển giáo dục đại học. “Chúng tôi cố gắng hoàn tất giai đoạn xây dựng kế hoạch và chương trình làm việc trong năm nay, để từ quý 1 năm 2012 sẽ bắt đầu khóa học đầu tiên”, R. Govinda - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học quốc gia Kế hoạch và Hành chính của Ấn Độ - cho biết. Ông Govinda đến Burundi tháng trước, và cùng thời điểm này có một đoàn đại biểu từ Học viện Ngoại thương Ấn Độ đến Uganda để gặp các đối tác tiềm năng cho kế hoạch xây dựng một trường đại học quản trị kinh doanh ở thủ đô Kampala. Cuộc gặp gỡ được đánh giá rất tích cực nhờ hai bên có thái độ hợp tác cao để thiết lập Học viện Ngoại thương Ấn Độ - châu Phi trong vòng 5 năm tới. Đây là học viện có khả năng đào tạo trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh theo chương trình toàn hoặc bán thời gian.

Cũng trong chương trình này có những lớp đào tạo phát triển phần mềm máy vi tính ở Ghana. Học viện Công nghệ thông tin Ấn Độ - châu Phi sẽ được xây dựng với sự giúp đỡ của Tổ chức tư vấn giáo dục Ấn Độ. “Chúng tôi cố gắng chia sẻ kinh nghiệm của mình vì sự tiến bộ của châu Phi”, Gurjit Singh – thư ký khu vực miền đông và nam châu Phi tại Bộ Ngoại giao Ấn Độ - nói.

Châu Phi lựa chọn Ấn Độ làm đối tác chủ lực trong kế hoạch phát triển hệ thống giáo dục đại học là lựa chọn đúng đắn bởi vì so với Mỹ, Úc hay Anh thì chi phí sẽ rất đắt và làm việc với cơ sở hạ tầng phức tạp trong điều kiện trình độ còn thấp. Với những gì nền giáo dục đại học Ấn Độ đang có sau thời gian tích lũy từ các nước có nền giáo dục phát triển khác sẽ từng bước được chuyển giao cho lục địa đen.

 Đi theo lộ trình, sau khi chương trình đào tạo đã đạt đến mức căn bản, Ấn Độ sẽ “dìu dắt” lớp trí thức mới của châu Phi này đi sâu vào nghiên cứu nhằm tìm ra cái riêng cho chính mình chứ không còn sao chép của Ấn Độ. Là một phần trong kế hoạch hợp tác, Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi số lượng học bổng cho các sinh viên châu Phi lên hơn 500 suất. Các sinh viên nhận học bổng không chỉ được đào tạo tại Ấn Độ bởi những giáo sư bản xứ mà còn có cơ hội việc làm ngay tại đây.

Anh Thư
;
.
.
.
.
.