.

Chọn nơi thực tập: Có cần “quen biết”?

.
Vào học kỳ 2 của năm cuối, sinh viên (SV) phải trải qua một thời gian thực tập thường từ một đến ba tháng, tùy theo từng ngành học. Thực tập giúp SV rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, nhưng không phải ai cũng ý thức rõ ràng về điều này, và không ít người trong số đó chọn giải pháp tìm nơi “quen biết” là tốt nhất.

Quen biết là số một (?!)

Mô tả ảnh.
Trong khi nhiều sinh viên chỉ thực tập qua quít, không ít người học hỏi rất nhiều từ các công ty, cơ quan mà mình đến thực tập. TRONG ẢNH: Sinh viên Lê Thanh Hoa (ĐH Duy Tân) đang viết bài cho chương trình phát thanh tiếng Cơtu - Đài Tiếng nói Việt Nam (Cơ quan thường trú tại miền Trung).
Đó là quan điểm của phần lớn SV khi quyết định nên thực tập ở đâu. Ở nhiều ngành học, SV phải tự liên hệ địa điểm thực tập nên không ít người ngại đến những cơ quan, doanh nghiệp không có người quen.

Thanh Nhạn, Đại học (ĐH) Sư phạm nói chắc chắn: “Thực tập ở đâu cũng phải quen biết trước ở đó, chứ không sau này khó có điểm tốt lắm”. Vì vậy, Nhạn đã không ngần ngại xin về thực tập ở một trường THCS ở quê, nơi bố mình đang công tác. Phan Anh, học ngành Cử nhân văn học (ĐH Sư phạm) cũng tương tự: “Mình xin vào làm văn phòng ở cơ quan của cậu ruột. Vừa nhàn rỗi mà sau này lời nhận xét cũng không lo bị phê xấu”. Theo Lê Văn Khôi, học ngành Xây dựng cầu đường (ĐH Bách khoa), nếu không tự liên hệ được nơi thực tập thì nhà trường sẽ phân công, nhưng “chả SV nào dại dột để bị phân về những nơi mình không hề quen biết ai”. Khôi cho biết thêm, có người anh họ làm ở công ty xây dựng nhà đô thị, Khôi xin vào đấy cho “khỏe”, vừa khỏi lạ lẫm, sau này lại không sợ bị lãnh đạo phê “không đẹp”.

Thực tập để… chơi

Cùng chung quan điểm với nhiều người khác: Thực tập thì không cần phải đến nhiều, vì đến cũng không có việc gì để làm, có chăng đi nữa thì chỉ là... pha trà rót nước hay photocopy, Trần Thị Thảo (Cao đẳng Kinh tế kế hoạch) cho rằng xin vào một công ty “quen biết” để vừa thực tập, vừa có thời gian kiếm tiền. Thảo nói: “Thực tập ở đây chỉ thỉnh thoảng mình mới đến công ty, nên mình đã kiếm việc làm thêm ở một nơi khác”. Cũng giống Thảo, Doãn An (ĐH Sư phạm) hiện thực tập tại một cơ quan Nhà nước của một quận, nhưng chẳng biết làm việc gì. “Những việc vặt như quét nhà, rồi pha trà rót nước cũng chẳng được làm, các cô chú, anh chị trên đó bảo cho nghỉ, khi nào mang hồ sơ tới để cơ quan nhận xét là được”, An bộc bạch. Vì thế, An đã xin vào phục vụ tại một quán ăn gần chỗ trọ, để không phí thời gian, lại kiếm thêm chút tiền.

Những trường hợp như Thảo, An không phải là hiếm, thậm chí có SV còn tìm địa điểm thực tập nào “nhàn rỗi nhất” để có thời gian đi làm thêm! Nguyễn Thu Vân (ĐH Bách khoa) kể: “Trước khi đi thực tập, mình đắn đo mãi. Cuối cùng mình quyết định chọn nơi nào công việc nhàn nhất để có thời gian đi làm thêm. Bởi mình biết dù gì thì đến các cơ quan hay công ty thực tập cũng chẳng có việc gì để làm”. Theo Vân, sau này ra trường chưa chắc mình đã làm đúng chuyên ngành được học, làm đúng công ty mình đã thực tập, nên Vân mới chọn giải pháp đó.

Thực tập để cọ xát thực tế

Bên cạnh quan điểm “quen biết là số một” và chọn công việc nhàn rỗi của nhiều SV, vẫn có không ít người mong muốn kỳ thực tập của mình thực sự là một giai đoạn ý nghĩa.

Bạn Trần Thị Nguyệt, SV ngành Cử nhân văn học (ĐH Sư phạm) hiện thực tập tại Đài truyền thanh quận Liên Chiểu cho biết: “Trước khi xin vào đây thực tập, mình lo lắm vì không quen ai, phần lại bị bạn bè “đe dọa”: Mày xin vào đấy sau này khó có điểm loại giỏi lắm. Nhưng mình nghĩ, điều quan trọng là sự cố gắng làm tốt công việc tại cơ quan thực tập”.
 
Cũng cùng suy nghĩ như Nguyệt, hai bạn Nguyễn Thị Hiền và Lê Thanh Hoa (ĐH Duy Tân) đã quyết định xin thực tập ở Đài Tiếng nói Việt Nam (Cơ quan thường trú tại miền Trung). Hai bạn chia sẻ: “Công việc hằng ngày của tụi mình chủ yếu là viết bài cho chương trình phát thanh tiếng Cơtu của Đài TNVN. Tụi mình cũng được lãnh đạo cơ quan tạo điều kiện cho đi công tác cùng các anh chị phóng viên để hiểu thêm về bản sắc văn hóa của dân tộc Cơtu và bài viết cũng thực tế hơn”. Công việc của những phóng viên tập sự luôn làm họ thấy mình bận rộn, năng động, tự tin và giúp họ cọ xát thực tế cuộc sống nhiều hơn trong một khoảng thời gian không dài.

Trần Thanh Huyền
;
.
.
.
.
.