.

Chuyện xưa xứ Quảng: Giai thoại hát đối đáp ở Tiên Phước

.
LTS: Chuyện đầu tiên trong hai câu chuyện dưới đây đã được tác giả Phạm Hữu Đăng Đạt kể trên chuyên mục “Chuyện xưa xứ Quảng” với tình tiết có khác hơn, chúng tôi giới thiệu lại ở đây trên tinh thần tôn trọng tính đa dạng, nhiều dị bản của văn nghệ dân gian.

Mô tả ảnh.
Một cảnh hát đối đáp trong trò chơi hô bài chòi. (Ảnh: AT)
 
Hát hò khoan đối đáp nam nữ ở Tiên Phước xưa thường được lồng vào các buổi lao động tập thể, thể hiện sắc thái lao động ngành nghề đặc thù của địa phương như những đêm kẹp quế, ươm cây, bửa cau, lựa tiêu… Và xung quanh chuyện hát đối đáp nam nữ này đã phát sinh những câu chuyện rất thú vị mà cho đến tận bây giờ nếu có dịp về Tiên Phước bạn cũng có thể nghe các vị cao niên kể lại trong những lúc nông nhàn, trà dư tửu hậu…

Có một giai thoại khá phổ biến ở vùng quê Tiên Mỹ vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay. Theo lời các nghệ nhân lớn tuổi thì ngày trước ở xã Tiên Châu có một phụ nữ tên là Bốn Lư có tiếng là một người, gọi theo ngôn ngữ hiện đại, là rất “chảnh”. Thời xuân sắc, cô Lư thường hay qua chơi ở Tiên Mỹ. Vốn xinh đẹp, lại hát hay, giỏi đối đáp nên cô ta tỏ ra kiêu kỳ, vì thế đám trai làng ở Tiên Mỹ không ưa gì cô ta mà hễ cứ có cơ hội là trêu chọc. Trong một buổi hát hò khoan đối đáp tại Tiên Mỹ, cô ta đã ra câu hát như thách thức đám trai làng Tiên Mỹ: “Lư này bịt ở bên Tàu/ Đem qua dạo xóm nhà giàu bán chơi”.

Quả là cao ngạo! Cái hay trong câu hát của cô Lư là tuy nói về bộ lư, nhưng chính là để tự ví với mình vốn cao sang thích hợp với những gia đình giàu có và qua đó còn cho đám trai làng Tiên Mỹ biết được tên mình nữa.

Không ngờ vỏ quýt dày có móng tay nhọn, trong đám thanh niên trai tráng có một anh chàng lém lĩnh ứng tác hát đáp lại ngay: “Tôi là thằng trộm nhất làng/Mít với thơm cũng hái, lựu với bòng cũng quơ/Đào cái ngạch tới tận bàn thờ/Của cải tôi bưng hết, chẳng thèm rờ bộ lư!”.

Quả là cao tay ấn! Câu đối đáp của chàng trai đã làm cho thói cao ngạo của cô xì xuống như cái bong bóng xẹp. Ngay cái anh khố rách áo ôm phải đi ăn trộm vặt từ mít, thơm, lựu, bòng… đến những đồ thờ cúng trên bàn thờ cũng quơ luôn nhưng “chẳng thèm rờ bộ lư” cũng đủ để cho cô Lư biết cô ấy mất giá như thế nào. Hổ thẹn, cô Bốn Lư chỉ còn biết bỏ buổi hát, quày quả ra về. Các cụ kể rằng từ dạo đó cô Bốn Lư kia ít qua lại Tiên Mỹ và cũng không còn dám cao ngạo nữa.

Một trường hợp tương tự cũng đã xảy ra ở thôn Đa Tài, xã Tiên Phong. Đó là chuyện về hai mẹ con cô Điểu-chủ một nhà buôn cau.

Cô Điểu là con một nhà buôn khá giả trong vùng, đẹp gái lại rất giỏi hát đối đáp. Mẹ cô (do gọi theo tên con theo phong tục ở quê nên cũng có tên là bà Điểu) rất giỏi hát đối đáp, trong các buổi hát vẫn thường hay ngồi bên kèm cặp cho con gái hát. Qua câu hát, cô Điểu luôn tự đề cao mình, thanh niên thôn Đa Tài và các thôn, xã lân cận chịu thua, hát không lại, nhưng trong bụng ghét lắm.

Có một chàng trai trong thôn đã từng theo dõi mẹ con cô Điểu nhiều lần trong các buổi hát đối đáp, nhưng do khả năng hạn chế nên chưa bao giờ dám công khai lâm trận đối đầu trực tiếp với mẹ con cô. Sau khi tìm thầy thọ giáo các “ngón nghề”, chàng trai lại đến sân hát, đem theo một chậu hoa nhỏ rất đẹp tặng hai mẹ con cô Điểu. Đến lúc vào buổi hát, sau khi ngồi nghe hai mẹ con đua nhau lên giọng véo von hồi lâu, chàng trai mới bắt đầu hát lại. Đoạn đầu, chàng trai tỏ tình, ca ngợi vẻ đẹp của cô Điểu, qua đoạn sau, anh ta vừa mang ra tặng hai mẹ con cô một cây hoa rất đẹp nhưng thân lại đầy gai có tên là “điểu bất thê”, vừa thâm trầm chốt lại bằng câu hát: “Sá chi loài điểu bất thê/ Chim không chỗ đậu, dụng về làm chi”.

Câu hát khá độc đáo vì lối chơi chữ mang nhiều ẩn dụ. “Điểu bất thê” có nghĩa là chim chẳng đậu. Chẳng đậu vì loại hoa này thân đầy gai nhọn khác nào ngầm so sánh cô gái đẹp tên Điểu kia cũng độc địa như những gai nhọn nọ nên “dụng về làm chi”. Một tầng nghĩa khác của lối chơi chữ là “điểu bất thê” lại hàm ý cô Điểu không thể cưới về làm vợ được (bất thê: chẳng là vợ). Hơn thế nữa, đây còn là cách nói lái của người Quảng Nam, “điểu bất thê” nói lái lại thành để bất thiu, một lời xiên xỏ cô Điểu nếu mà còn kênh kiệu, cao ngạo thì chẳng có ma nào dám rước nên cũng có lúc cũng bị thiu, bị thối mà thôi. Thật là không có lời chê bai nào độc hơn đối với cô gái!

Đến đây thì mẹ con cô Điểu ngượng tím mặt, bà mẹ vội kéo con gái đứng dậy: “Thôi, khuya rồi! Đi ngủ, để mai làm tiếp”. Và mọi người còn lại thì hả hê, cười thầm trong bụng.

An Trường
;
.
.
.
.
.