.
Chuyện xưa xứ Quảng

Làm báo kiểu Huỳnh Thúc Kháng

.
Huỳnh Thúc Kháng là đại khoa Tiến sĩ của Nho học. Thời thế và trách nhiệm đã đưa ông vào con đường làm báo nên nhiều người vẫn cho ông là nhà báo không chuyên. Thế nhưng khi nói đến nhà báo Huỳnh Thúc Kháng ai cũng phải nể phục cả về tài năng lẫn khí tiết. Ông đã để lại cho các nhà báo chân chính những tư tưởng, những bài học vô giá về đạo đức nghề nghiệp.

Mô tả ảnh.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và một trang báo Tiếng Dân số 1613 ra ngày thứ tư, 17-9-1941, hiện trưng bày tại Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng ở huyện Tiên Phước. (Ảnh: V.T.L)
 
Trên báo Tiếng Dân số đầu tiên ra mắt bạn đọc vào ngày 10-8-1926, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Huỳnh Thúc Kháng đã viết một bài xã luận nêu rõ lập trường, quan điểm của tờ báo: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”. Đây là lời tố cáo công khai và quyết liệt chế độ thực dân bóp nghẹt mọi quyền tự do, đặc biệt là tự do ngôn luận. Đây cũng là lời thách thức chế độ về quyền tự do thiêng liêng của con người mà không ai có thể xâm phạm được, đó là quyền được tự do suy nghĩ và giữ tròn khí tiết, phẩm chất của mình.

Hơn hai năm sau, trong số báo ngày 1-5-1929, ông lại khẳng định một lần nữa cái quyền đáng phải có nhưng bị tước đoạt và cái quyền không ai có thể tước đi được của mình: “Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói”...

Tôn chỉ đó, khí tiết đó của người làm báo, Huỳnh Thúc Kháng đã kiên định giữ vững trong suốt 27 năm làm báo của mình. Sau này, nhiều nhà báo chân chính ở nước ta và trên thế giới đã xem đây là “Tuyên ngôn báo chí” không những ở các nước đang phát triển - nơi mà tự do báo chí đang bị chà đạp - mà ngay cả ở những nước phát triển, nơi đồng tiền và các thế lực vô hình luôn rình rập chi phối ngòi bút của người làm báo.

Vài sự kiện sau đây được những cộng sự thân tín của Huỳnh Thúc Kháng kể lại với sự kính phục đã nói lên tiết tháo của nhà báo, nhà nho, nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng.

Nguyên một lần vào năm 1929, Báo Tiếng Dân không chịu đăng nguyên văn một bản tin của Tòa Khâm sứ Trung Kỳ nhờ đăng. Khâm sứ Trung Kỳ lúc bấy giờ là Jabouille điên tiết đã gọi điện thoại đòi đóng cửa tờ báo. Huỳnh Thúc Kháng đã cười và trả lời: “Tôi nghĩ việc cho đăng  hay không đăng một bài báo là quyền của chủ nhiệm báo cũng như cho xuất bản hay đóng cửa một tờ báo là quyền của chánh phủ. Nay quan lớn cất cái quyền ấy của tôi thì chẳng khác nào quan lớn đã đóng cửa  tờ báo Tiếng Dân rồi vậy. Mà tôi cũng không trông mong gì hơn, vì dưới quyền ngôn luận quá chật hẹp, tôi thấy cái nhiệm vụ của tôi đối với nhân dân quá sức nặng nề”. Nghe thế, Khâm sứ Trung Kỳ đành im lặng ngậm bồ hòn làm ngọt.

Nhưng chỉ sau đó hơn một năm trên báo Tiếng Dân lại tường thuật tỉ mỉ phiên tòa xử Nguyễn Thái Học sau khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Tờ báo đã dũng cảm tường thuật đầy đủ chi tiết, những cuộc tranh biện căng thẳng, những lời khẳng khái của Nguyễn Thái Học trước tòa, cả những lời nói cuối cùng của người anh hùng Yên Bái trước khi bước lên đoạn đầu đài.

Một chuyện khác, có viên tri phủ ở Bình Thuận ăn hối lộ, bị Báo Tiếng Dân tố cáo. Viên Tri phủ liền kiện Báo Tiếng Dân lên Bộ Hình. Triều đình liền giao cho Tòa án Thừa Thiên của Nam triều xử. Mấy lần tòa có giấy gọi ông đều từ chối không ra hầu và cho rằng Nam triều không có luật báo chí và báo Tiếng Dân xuất bản theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Để khỏi bẽ mặt, viên chánh án tòa án nhắn riêng với ông là cứ ra và tòa hứa sẽ xử cho Báo Tiếng Dân thắng kiện, nhưng ông nhất quyết không ra. Sau này tòa cũng đành bỏ qua.

Một lần khác, Tòa soạn Báo Tiếng Dân nhận được một bức thư kèm theo một tờ ngân phiếu của một nhà xuất bản yêu cầu quảng cáo cho một quyển sách mới phát hành với nhan đề “Người đàn bà trần”. Vừa trông thấy tên sách giật gân ấy thôi, Huỳnh Thúc Kháng đã phê ngay vào tờ quảng cáo: “Bậy! không thể đăng được”… Trần Đình Phiên, quản lý tờ báo cố biện bạch: “Ai đăng quảng cáo thì người đó chịu trách nhiệm chứ mình có dính vào đâu mà ngại”. Huỳnh Thúc Kháng, mặc dù rất nể trọng Trần Đình Phiên, nhưng cũng lườm mắt nhìn bạn đồng sự đầy vẻ ngạc nhiên và tức giận, trả lời ngay, giọng rất nặng nề: “Quảng cáo có phải muốn rao hàng gì thì rao à?”.

Lại nữa, một nhà thuốc ở Đà Nẵng gửi đến tòa soạn một quảng cáo trong có mấy chữ “cải tử hoàn sanh”. Huỳnh Thúc Kháng liền ra lệnh: “Gửi trả lại kèm theo một lá thư cho biết không thể đăng được vì lời quảng cáo quá lố, không đúng sự thật”. Sau đó nhà thuốc gửi lại y nguyên lời quảng cáo, yêu cầu cho đăng và chấp nhận trả tiền gấp đôi hay nhiều hơn nữa. Ông bèn nói với nhân viên phụ trách: “Báo ta sở dĩ được nhân dân tín nhiệm là nhờ ở chỗ không bao giờ láo khoét. Nhà thuốc trả tiền gấp 10 cũng không đăng. Tiếng Dân vụ lòng tín nhiệm của nhân dân hơn tiền bạc. Cứ gởi trả lại và nói thẳng như vậy”.

Ai dám bảo cụ là nhà báo không chuyên, làm báo dưới chế độ thực dân?!

LÊ THÍ
;
.
.
.
.
.