Được mệnh danh là “người chép sử bằng ống kính”, bà Phụng Ký (Nguyễn Thị Phụng) đã để lại hàng nghìn bức ảnh cùng với một số hiện vật có giá trị đối với một giai đoạn lịch sử của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng sau hơn 80 năm cầm máy.
Một trong những hiện vật mà bà và gia đình gửi tặng Bảo tàng Đà Nẵng là con dao nhỏ mang ký hiệu 1352/KL246, lưỡi bằng i-nox dài 7cm, chuôi là một vỏ đạn đồng dài 4cm.
Cuộc đời của người phụ nữ cầm máy ảnh lâu nhất trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng này đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc tại địa phương. Bà học nghề ảnh từ cha mình, lập gia đình với một đồng nghiệp, ra riêng mở tiệm ảnh trên đường Đồng Khánh gần chợ Hàn (nay là đường Hùng Vương), sau chuyển về gần ngã ba đường Hùng Vương - Nguyễn Thị Minh Khai, Đà Nẵng. Tham gia cách mạng, năm 1970 bà bị địch bắt đưa vào Thủ Đức, kêu án 2 năm. Ra tù, bà tiếp tục hoạt động cách mạng dưới danh nghĩa thợ chụp ảnh.
Không chỉ nổi tiếng chụp ảnh với “thương hiệu” Phụng Ký, bà còn tỏ ra rất khéo tay trong việc... làm thẻ căn cước giả cho nhiều đồng chí. Bà tỉ mẩn làm một con dao nhỏ, lưỡi rất mảnh để có thể dễ dàng lóc ảnh của chính người có tên trong thẻ căn cước, thay vào ảnh của các cán bộ cách mạng bị địch để ý. Bảo tàng Đà Nẵng hiện trưng bày hai thẻ căn cước giả như thế.
Một thẻ mang tên Huỳnh Quang, sinh ngày 1-10-1920, quê ở Hòa Long, Hòa Vang (nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), nhưng ảnh là chân dung ông Nguyễn Duy Hưng (Sáu Hưng), lúc đó là Ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, Bí thư Quận ủy quận Nhứt, Đà Nẵng.
Một thẻ mang tên Bùi Trực, sinh ngày 1-1-1928, làm nghề công chức, quê ở Đại Lộc, nhưng ảnh là chân dung ông Nguyễn Thành Năm (Năm Dừa), lúc đó là Ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, Bí thư Quận ủy quận Nhì. Sau trận đánh địch nổi tiếng ở nhà Mẹ Nhu trên quận Nhì hồi năm 1968, ông Năm Dừa xuống ở lại nhà bà Phụng Ký trên đường Hùng Vương, bí mật theo dõi tình hình địch trong nội thành để phục vụ chiến dịch giải phóng Đà Nẵng. Khi bị địch nghi ngờ chặn hỏi giấy tờ tùy thân ngay tại hiệu ảnh, ông đã nhanh trí thoát thân nhờ vào thẻ căn cước do chính tay bà Phụng Ký làm giả một cách tinh vi.
Con dao nhỏ của bà đã giải cứu các đồng chí trong nhiều tình huống đấu tranh trực diện với địch như thế.
LÊ HUỲNH