.
Cửa sổ tri thức

Mỹ Lai hay Mỹ Lại?

.
* Có tài liệu cho rằng địa danh Mỹ Lai trong vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968, đúng ra phải gọi là Mỹ Lại. Xin quý báo cho nhận xét về ý kiến này. (Trần Văn Tương, Hải Châu, Đà Nẵng).

Mô tả ảnh.
Đài tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát Mỹ Lai. (Ảnh: Internet)
- Thảm sát Mỹ Lai (còn gọi là thảm sát Sơn Mỹ) xảy ra vào ngày 16-3-1968, khi quân đội Mỹ gây ra một tội ác chiến tranh khi thảm sát hàng loạt 504 dân thường không có vũ khí (trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em) tại thôn Mỹ Lại, xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Vụ việc tưởng đâu đã bị “chìm xuồng” thì tháng 11 năm 1969, nhà báo chuyên điều tra nổi tiếng thế giới là Seymour Hersh, sau nhiều cuộc nói chuyện với William Laws Calley (viên trung úy này về sau bị buộc tội đã ra lệnh tiến hành vụ thảm sát Mỹ Lai) đã cho thế giới biết đến tội ác này.

Ngày 20 tháng 11, các tạp chí lớn như Time, Life và Newsweek đồng loạt đăng lên trang bìa vụ thảm sát Mỹ Lai, tờ Plain Dealer ở Cleveland còn mạnh dạn hơn khi đăng các bức ảnh mô tả những dân thường bị giết trong vụ thảm sát.

Trong tiếng Anh, vụ thảm sát này có tên My Lai Massacre; Son My Massacre hoặc Pinkville, trong đó Pinkville là tên địa danh của quân đội Mỹ đặt cho khu vực Mỹ Lai. Khi báo đưa tin chấn động dư luận thế giới này đến tay giới truyền thông ở Sài Gòn lúc đó, người ta (căn cứ vào báo tiếng Anh) viết thành Mỹ Lai.
Thực ra, địa danh này là Mỹ Lại, như trong câu ca dao: Bao giờ Thiên Mã (có dị bản ghi là bạch mã) qua sông/ Thì làng Mỹ Lại mới không công hầu. Nếu viết là Mỹ Lai thì câu bát này không đúng luật thơ lục bát. (Thiên Mã là ngọn núi nằm sát sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi).

Dù vậy, do vụ việc quá nổi tiếng khắp thế giới nên đến nay người ta vẫn gọi là Thảm sát Mỹ Lai.

* Chiếc tắc-xi đầu tiên trên thế giới đã được ra đời như thế nào và đóng góp ra sao đối với sự phát triển của nhân loại? (Lê Văn, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

- Ngày 26-6-1896, một người chuyên hoạt động vận tải ở Stuttgart (Đức) là Friedrich Greiner đã đặt mua một chiếc xe đặc biệt tại hãng Daimler Motoren Gesellchaft (DMG) với các yêu cầu: xe phải được trang bị đồng hồ tính tiền theo km (về sau được gọi là taximeter), có thể sử dụng một phiên bản xe lan-đô (xe ngựa 4 bánh 2 mui) của chiếc Daimler Victoria như một chiếc tắc-xi.

Tháng 7-1897, chiếc xe có số đặt hàng là 1.329 này đã được trao tận tay cho khách hàng và trở thành chiếc tắc-xi đầu tiên trên thế giới (ảnh).

Mô tả ảnh.
Nguyên công ty của Greiner kinh doanh chuyên chở bằng ngựa kéo. Sau khi nhận xe, ông đã đổi tên công ty thành Daimler Motorized Cab Company và trở thành công ty tắc-xi vận tải đầu tiên trên thế giới. Mặc dù ô-tô đã được phát minh từ 10 năm trước đó nhưng chưa một ai sử dụng ô-tô làm tắc-xi chở người. Chiếc tắc-xi đầu tiên đã xuất hiện trên đường phố Stuttgart vào đầu mùa hè năm 1897 và đã nhận được sự chấp thuận của cảnh sát cho hoạt động của mình từ tháng 6.

Từ Stuttgart, những chiếc tắc-xi cơ giới bắt đầu khẳng định sự thành công của mình trên khắp thế giới. Sau năm 1899, đội xe tắc-xi của Daimler đã có mặt đầu tiên trên tất cả các thành phố lớn của châu Âu: Paris (Pháp), London (Anh), Vienna (Áo)...

Giới truyền thông lúc đó tranh cãi về tắc-xi: một số bày tỏ sự ủng hộ với công nghệ mới, số khác không có ý kiến, số còn lại cho rằng chúng sẽ gây ra nhiều tai nạn và làm những con ngựa sợ (lúc đó ngựa được dùng kéo xe lan-đô). Tuy nhiên, xu thế phát triển đã thắng. Các khóa đào tạo tài xế lái tắc-xi đã được mở liên tục, thu hút nhiều học viên, trong đó có rất nhiều xà ích (người đánh xe ngựa), họ muốn trở thành tài xế tắc-xi.
Đến nay thì tắc-xi đã trở thành phương tiện giao thông đô thị hàng đầu trên thế giới.

ĐNCT
;
.
.
.
.
.