Những năm gần đây, hàng loạt những dự án được đầu tư trên địa bàn huyện Hòa Vang đã tạo ra sự phân hóa rõ rệt ở các xã. Các dự án cũng giúp cho các vùng nông thôn chuyển dần sang đô thị hóa, làm thay đổi bộ mặt của làng quê.
Trong tương lai, những cánh đồng như thế này sẽ không còn nữa. |
Từ làng lên phố
Vẫn giữ tên gọi là xã nhưng hiện nay một số xã trên địa bàn huyện như Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Châu, Hòa Phước đang chuyển dần thành… phố. Những con đường làng, thôn chạy quanh cánh đồng giờ đã trở thành những con phố trải nhựa rộng rãi, những mái nhà cấp bốn lúp xúp cũng không còn nữa mà thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng khang trang với hàng loạt những dịch vụ, mua bán tấp nập.
Có sự thay đổi này là do quá trình xây dựng các dự án, phần đông người dân của các thôn xã đều được di dời và bố trí tái định cư ngay tại chỗ hoặc gần đó nên đã tạo thành những khu phố mới.
Anh Trần Văn Liên, Phó phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang cho biết: Có sự thay da đổi thịt nhanh chóng như thế do các xã gần trung tâm thành phố lại nằm trên những vị trí “đắc địa”, nơi có những trục đường chính như quốc lộ 1A, 14A, 14B chạy qua. Đồng thời, đây cũng là nơi có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, giao thông thuận lợi nên nhiều cơ quan, đơn vị chọn làm địa điểm phát triển dịch vụ.
Là một trong những xã được bố trí tái định cư nhiều nhất, nhiều diện tích đất nông nghiệp của xã Hòa Châu đã được thu hồi để phục vụ cho các dự án, người dân trong xã nhận được số tiền đền bù lớn, lại được tái định cư ngay gần đó nên hoàn toàn yên tâm làm ăn, phát triển dịch vụ. Ông Lê Đức Bánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho biết, hiện nay địa bàn xã có tới 3 thôn giải tỏa trắng và được tái định cư ngay tại chỗ. Những hộ dân nhận tiền đền bù, xã đã giúp họ gửi tiền vào ngân hàng, khi nào có việc cần dùng như xây nhà, kinh doanh mới rút ra sử dụng, vì thế nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người dân.
Ông Ngô Văn Nghĩa, thôn Phong Nam cũng có vài sào ruộng nằm trong diện thu hồi cho biết: “Với nông dân, ruộng vườn là quan trọng nhất nhưng như tôi giờ đã già, ruộng vườn cũng chẳng làm được, giờ được đền bù có một khoản tiền gửi vào ngân hàng dưỡng già, thế cũng tốt”.
Không riêng gì ông Nghĩa mà rất nhiều người đều có suy nghĩ như thế bởi nhờ có giải tỏa mà thôn xã mới có bộ mặt của phố, người nông dân mới có cơ hội ở trong nhà cao cửa rộng.
Đô thị hóa không đồng đều
Tuy nhiên, chỉ những nơi có vị trí “đắc địa” mới có được sự thay đổi nhanh đến thế. Trong 11 xã trên địa bàn huyện vẫn còn những xã nằm trong diện khó khăn như Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh. Riêng hai xã Hòa Bắc, Hòa Phú có các thôn người dân tộc thiểu số, xa trung tâm, một số bộ phận người dân vẫn giữ tập tục sinh sống, canh tác lạc hậu, bám vào nương rẫy, sản xuất nông, lâm còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Đời sống của người dân nói chung chỉ dựa vào nông – lâm nghiệp, một số ít trong thời gian nông nhàn cũng xuống phố làm thuê hoặc buôn bán nhỏ.
Ông Phan Phụng Trung, Bí thư xã Hòa Phú cho biết, xã có 10 thôn, trong đó có 1 thôn là đồng bào dân tộc Cơtu, xã vẫn còn 183 hộ nghèo trong đó có 24 hộ nằm trong diện đặc biệt nghèo. Để cải thiện đời sống của người dân bớt khó khăn, bằng nhiều nguồn trợ cấp từ các tổ chức xã hội đã xóa nhà tạm cho 13 hộ cận nghèo, giúp vốn cho 9 hộ đặc biệt nghèo mua bò chăn nuôi và buôn bán.
Hiện nay, xã cũng đang có 2 dự án lớn có nhu cầu thu hồi đất (khoảng 300 héc-ta), tuy nhiên đây mới chỉ là những thông tin ban đầu.
Ông Đặng Huynh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: “Là xã miền núi, dân sống chủ yếu dựa vào đất rừng, trồng rau màu. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 9 triệu đồng/người/năm, toàn xã đang phấn đầu đến năm 2015 đạt khoảng 16 triệu đồng/người/năm, nguồn thu nhập chủ yếu nhờ vào diện tích đất rừng mà người dân canh tác cùng với việc chăn nuôi bò”.
Trong khi ở các xã miền núi mới bắt đầu bỡ ngỡ với bài toán làm kinh tế, thì hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Hòa Châu, Hòa Tiến năm 2010 - 2011 đạt 16 triệu đồng/người/năm, đến năm 2015 phấn đấu đạt 21 triệu đồng/người/năm.
Mặc dù vậy nhưng không phải người dân khu tái định cư nào cũng biết cách làm kinh tế. Anh Trần Văn Liên cho biết, một trong những việc làm rất cần thiết hiện nay là phải dạy nghề cho lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác và giúp cho những hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế. Huyện đang triển khai thực hiện dạy các nghề phổ thông như trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh, nấu ăn, chăn nuôi… cho lao động nông thôn từ năm 2010 đến năm 2020, bảo đảm những người trong độ tuổi lao động có nghề và có việc làm ổn định đời sống.
Thu Hà