Hơn 400 hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Khu 5 là từng ấy câu chuyện cảm động về một thời cầm súng, chiến đấu của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…
Đại úy Phan Thị Sơn đang thuyết minh về chiếc xe Mobylette của đồng chí Cẩn (tức Huỳnh Sâm), biệt động thành Đà Nẵng dùng vận chuyển vũ khí phục vụ chiến dịch xuân Mậu Thân (1968). |
Từ những câu chuyện cảm động…
Nếu không nghe Đại úy Phan Thị Sơn, cán bộ Phòng Trưng bày-Tuyên truyền, Bảo tàng Khu 5 kể lại, chúng tôi cũng khó lòng tin được, đôi dép nhỏ nhắn đang được trưng bày tại phòng 8 là “phương tiện” giúp người nữ biệt động thành Phan Thị Mùa (bí danh Phan Thị Mai) vận chuyển 4kg thuốc nổ, vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, đốt cháy kho xăng Đà Nẵng vào lúc 19 giờ trung tuần tháng 8-1972. Chuyện kể rằng, là công nhân ở kho xăng Đà Nẵng, năm 1972, chị được tổ chức giao nhiệm vụ đánh vào kho xăng này của Mỹ (ở ngã ba đường Trưng Nữ Vương - Núi Thành hiện nay). Nhiệm vụ là thế, nhưng làm thế nào để vận chuyển hàng ký thuốc nổ vào kho xăng là điều không dễ. Bởi đây là cơ sở quan trọng cung cấp nhiên liệu cho các hoạt động quân sự của địch ở chiến trường Quảng Đà, mọi hoạt động ra vào kho xăng được chúng kiểm soát chặt chẽ…
Sau nhiều lần thử đủ mọi cách, từ đặt thuốc nổ vào lon ghi-gô, sau đó bới cơm lên, đến buộc vào bắp chân… đều không ổn vì địch rất dễ phát hiện. Cuối cùng, chị quyết định dùng cách “kiến tha mồi”. Với cách này, mỗi ngày đi làm chị giấu một ít thuốc nổ dưới đế dép lê, qua quãng đường từ 3 đến 4 cây số dưới sự kiểm soát của địch. Theo đó, trong suốt 4 tháng từ 4-1972 đến 8-1972, chị đã chuyển được 4kg thuốc nổ vào kho xăng. Đặc biệt hơn, chị Mùa đã ngụy trang 4 kíp nổ vào mái tóc dài để qua mặt máy dò kim loại của địch, góp phần phá hủy hàng triệu lít xăng, làm tê liệt các hoạt động quân sự của địch trong thời gian dài mà không bị địch phát hiện. Với chiến công này, chị được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì năm 1975.
Tương tự, chiếc chốt chì tưởng chừng chẳng có gì đáng giá nhưng lại mang trong mình câu chuyện cảm động về tinh thần quả cảm, trí mưu lược của anh hùng liệt sĩ Đặng Tiến Lợi, người chỉ huy trong trận đánh sập khu Trung tâm ra-đa của địch trên đỉnh Sơn Trà, khiến hơn 200 tên lính Mỹ bỏ mạng. Vào đêm 15-9-1972, Đặng Tiến Lợi dẫn theo 3 chiến sĩ tổ đặc công thủy vượt mưa to, gió lớn, qua mặt những đồn canh, từng tốp lính tuần tiễu của địch, tiến thẳng vào Trung tâm ra-đa (cao 30m, dài 25m, rộng 15m được cấu trúc trên một sân xi-măng rộng 100m, dài 150m). Bằng những động tác thuần thục, anh đã đặt được khối thuốc nổ vào chân trụ dàn ra-đa, dùng chốt chì điểm hỏa hẹn giờ nổ rồi lặng lẽ rút ra ngoài. Đến giờ hẹn, một tiếng nổ lớn vang lên, đánh sập khu Trung tâm ra-đa bán đảo Sơn Trà, vốn là tai mắt của Mỹ-ngụy tại chiến trường Đông Dương trong nhiều năm liền. Nhưng sau đó, tháng 11-1972, trong trận đánh cầu Thủy Tú lần 2, khi đang đặt mìn vào chân cầu, anh bị địch phát hiện và anh dũng hy sinh. Chiếc chốt chì là vật duy nhất anh để lại, được đồng đội trao tặng cho Bảo tàng Khu 5.
…đến thời khắc tháng 3
Tại phòng trưng bày Bảo tàng Khu 5 còn có những kỷ vật liên quan đến cuộc tổng tiến công nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Đó là thanh kiếm của Trường huấn luyện tân binh Quân khu I và vùng I chiến thuật của chế độ Sài Gòn. Thanh kiếm bằng sắt mạ, dài 90cm. Có bao sắt, chuôi có hình cành lá, lưỡi đã gỉ. Thanh kiếm này từng gắn liền với nhiều thế hệ học viên tại Trung tâm huấn luyện tân binh Hòa Cầm. Sau mỗi khóa học, các học viên phải tuyên thệ trước lưỡi kiếm về lòng dũng cảm và trung thành với chế độ Sài Gòn. Tuy nhiên, trước những thắng lợi dồn dập từ chiến trường của quân giải phóng, ngày 26-3-1975, khoảng 3.000 học viên của trung tâm đã nổi dậy làm binh biến, quay về với nhân dân. Thanh kiếm đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho sự thất bại của quân đội ngụy Sài Gòn.
Xung quanh cuộc binh biến này, còn có câu chuyện rằng, ngay 6 giờ chiều ngày 28-3-1975, Đài Phát thanh Hà Nội phát đi bản tin: “3.000 tân binh phá trại về với nhân dân” của ông Hồ Hải Học (lúc này là Ủy viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, phụ trách Báo Giải phóng – Cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Quảng Nam – Đà Nẵng, thường được gọi là Báo Giải phóng Quảng Đà), kèm theo bài bình luận hoan nghênh tinh thần của các tân binh Hòa Cầm, tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ, khiến nhiều binh lính chế độ Sài Gòn lúc đó đào, bỏ ngũ, góp phần tăng thêm sức mạnh chiến thắng của quân, dân Đà Nẵng.
Cũng trong những ngày tháng 3 lịch sử, sau khi lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (ghi tắt cờ Mặt trận) tung bay trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng vào lúc 11 giờ 30 ngày 29-3, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của căn cứ quân sự lớn nhất miền Trung, thì khoảng 15 giờ, tại cổng Nhà máy điện Liên Trì Đà Nẵng, lá cờ Mặt trận dài 115cm, rộng 88cm, bằng vải, hai nền xanh đỏ được may chéo góc cũng tung bay phấp phới, hòa mình vào niềm vui chung của quân và dân thành phố. Được biết, đây là lá cờ Mặt trận được công nhân Nhà máy điện Liên Trì may để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giải phóng thành phố.
Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, cán bộ kiểm kê, Bảo tàng Khu 5, lá cờ này được sưu tầm vào ngày 5-4-1975. Lúc này, phần xanh có dòng chữ bằng sơn màu vàng ghi: “Công nhân Nhà máy Điện thành phố Đà Nẵng thân tặng cán bộ, công nhân thành phố Hải Phòng kết nghĩa, đã cắm trước cổng nhà máy lúc 15 giờ ngày 29-3-1975”, là một trong những hiện vật hiếm hoi liên quan đến thời khắc giải phóng thành phố còn lưu giữ lại.
Ký ức một thời chiến đấu anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ, bộ đội Cụ Hồ được tái hiện qua nhiều kỷ vật mang về từ chiến trường. Đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã xuất bản 6 tập sách “Những kỷ vật kháng chiến”, kể lại câu chuyện xung quanh hàng ngàn kỷ vật. Đại úy Thân Ngọc Huệ, Phó Giám đốc Bảo tàng Khu 5 cho hay, trong các kỷ vật gắn liền với chiến trường Quảng Đà thì bi-đông, ghi-gô, sổ nhật ký… mỗi thứ hơn 10 cái; hơn 20 chiếc võng, bọc võng, tấm dù hoa; hơn 20 bức thư chiến trường… Vào bảo tàng, tất cả những kỷ vật này sẽ được bảo quản cẩn thận, là nguồn tư liệu quý cho thế hệ con cháu mai sau.
TIỂU YẾN