.

Du ký Đà Nẵng nửa đầu thế kỷ XX

.
Từ một số tác phẩm du ký viết về miền quê Đà Nẵng sưu tập được của các tác giả Mẫu Sơn Mục N.X.H, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Nguyễn Trọng Thuật trên tạp chí Nam phong, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đã góp nhặt ra được những nét chính yếu cảnh quan và đời sống văn hóa Đà Nẵng một thời. ĐNCT xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Mô tả ảnh.
Cổng vào động Huyền Không-Ngũ Hành Sơn.
Trong bài Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn in trên tạp chí Nam Phong (số 129, tháng 5-1928), du tử Mẫu Sơn Mục N.X.H đã kịp thời quan sát cảnh vật từ Ải Vân Quan đến Đà Nẵng qua mấy dòng ngắn gọn: “Cứ theo rìa bể, đi một lúc thì đến Tourane. Tourane là cái vịnh, rất tốt cho tàu bè, vả lại gần trung tâm điểm nước ta bây giờ là Huế, cho nên khi nước Đại Pháp mới sang lấy Tourane là nơi căn cứ. Tourane này là một cái thành phố nhỏ, trên bến dưới sông, thuyền đánh cá như lá tre, chợ búa, phố xá, nhà máy gạo, buôn bán cũng vui. Ở đấy có nhiều người Mọi ra chợ. Rồi qua Quảng Nam, Quảng Ngãi, hai thành phố này là thành phố cổ. Quảng Ngãi buôn bán sầm uất hơn Quảng Nam”…

Trong tác phẩm Banà du ký in trên tạp chí Nam Phong (số 163, tháng 6-1931), nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1982) kể lại những điều mắt thấy tai nghe qua Mấy ngày đăng sơn lên thăm núi “Chúa”: “Đương khi lửa hạ nấu nung, ở giữa chỗ bụi lầm xe ngựa, cái thú nước biếc non xanh dễ ai không mơ ước. Chiều chiều đứng trên bờ biển Đà Hải, nhìn làn sóng lao xao, ngọn trào xô đẩy, ngoảnh trông về phía tây núi non trùng điệp, đối ngọn Hoành Sơn, thấy một trái núi cao ngất mấy tầng, chót núi như đụng mây xanh, chung quanh thì núi nhỏ xúm xít như đàn con chầu mẹ; núi này đại danh là núi “Chúa”, vì núi “Chúa” có nhiều thắng cảnh và thời tiết khí hậu lại có phần đặc biệt lắm. Mùa đông mây ủ như tuyết sa băng đóng, mùa hè mát mẻ êm đềm như xuân phong hòa khí, cảnh sắc tuyệt trần, không nơi nào sánh kịp”...

“Đem tầm con mắt bao quanh núi xanh thấy trăm ngàn cây chen lá, lá chen hoa... Nước thì trong suốt, suối thì chảy quanh co, hai bên bờ bướm lượn nhởn nhơ, bông thơm cỏ lạ, trên cành ve ngâm chim hót, gió cuốn thông reo, cảnh tượng thiên nhiên như hoa thêu gấm dệt, như sáo thổi đờn kìm, làm cho tinh thần say mê mải miết, dường như lạc bước Thiên Thai, kỳ ngộ non thần vậy”…

Gián cách với đời sống phố phường đô hội, nữ sĩ tả lại cảm giác thú vị khi ngủ trên giường tầng trong gian nhà nhỏ tựa như ca-bin tàu thủy, trong đêm gió thổi ào ào, tưởng như mình đang bồng bềnh trên mặt biển. Rồi nữ sĩ tái hiện lại quang cảnh và sự phát triển khá sôi động của khu nghỉ mát dưới thời – thực – dân cách ngày nay vừa tròn tám mươi năm: “Kể người Pháp lên ở đây khởi đầu từ Sở Kiểm lâm lên làm trụ sở mới năm 1915, rồi sau các công sở mới làm nhà mát tiếp lên đông đúc như bây giờ, song những người ở đây duy có người Pháp, còn người Nam chỉ phục dịch mà thôi. Đỉnh núi chia ra từng cụm, cụm nào cũng nhà cửa nguy nga lộng lẫy, đó là biệt thự của các quan chức Đại Pháp, các tòa sở như Khâm sứ, Đốc lý, Thương chánh, Bưu điện, Y tế; lại còn đồn lính Lê dương, có nhà giam tù quốc phạm, v.v…”.

Mô tả ảnh.
Một góc Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
 
Một sáng thảnh thơi ngắm hừng đông, nữ sĩ viết: “Lại một buổi sáng trời thanh mây vắng, dậy sớm lên chỗ cao đứng ngoảnh mặt về phương đông xem vừng thái dương mới mọc, thật là một cảnh nên thơ: kìa kia một vành đỏ thắm, xa xa như lướt mấy tầng sóng bạc mà nhô lên, lúc đầu thấy nửa, sau lần lần mọc rõ toàn hình, tròn vành vạnh như cái nong lớn, chung quanh tia sáng tỏa ra như hào quang rực rỡ, dưới chân có đám mây xen lẫn như ánh lửa lừng đỏ chói, mặt biển như tấm thảm vàng kim tuyến, cảnh tượng này duy có trên núi cao mới trông thấy rõ ràng đẹp đẽ, oai nghi vô cùng”...

Một lần nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa cũng thỏa nguyện đến thăm núi Gia Long với biết bao nỗi niềm tâm sự trước kiếp người và cõi đời, trước những phế hưng lịch sử và đất trời mênh mang dằng dặc buồn thương: “Một thời gian ung dung xem khắp các nơi, duy còn núi Gia Long thì hằng ngày trông thấy cây đa cổ đứng trên chót núi, cành lá sum sê, xây tròn như cái tán, thấy đó mà chưa đi đến nơi, vì nỗi dấu thỏ đường dê, chim kêu vượn hú, tứ bề vắng không, sau nhờ người dẫn lộ mới sang được tới nơi”…

Sau gần nửa tháng, nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa từ biệt Bà Nà và tả cảnh ngày về với biết bao bâng khuâng, lưu luyến: “Tôi nhân cuộc nghỉ mát được biết một chốn danh sơn, không quản ngòi bút vụng về, cứ sự thực mà chép ra bài du ký này, xin giới thiệu cùng anh em chị em một cảnh Bồng Lai ở dưới trần thế này là phong cảnh núi “Chúa” đó”…

Trong bài viết Nam du đến Ngũ Hành Sơn in liền hai kỳ trên tạp chí Nam Phong (số 184-185, tháng 5+6-1933), nhà văn Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940) kể về chuyến đi xe lửa đến đất Đà Nẵng: “Hết phận núi Hải Vân là vào địa hạt Quảng Nam. Vùng này sản mít, vườn trong làng trồng nhiều (…). Đồng điền thì gần núi với bãi cát cũng không được tốt, nhưng cấy lúc nào cũng được ăn. Bấy giờ mới tháng hai ta mà có ruộng thì đang rỗ, ruộng thì mới cấy. Bãi cát vùng này thấp liền với bờ bể, cũng bát ngát nhiều lắm, cũng trồng nhiều cây dương. Qua mấy ga Lăng Cô, Linh Điểu, Dũng Thùng, Nam Ổ… thì đến Cửa Hàn”… Đến đây, Nguyễn Trọng Thuật mô tả chi tiết cung cách đón rước khách, việc làm và thái độ phục vụ của công ty du lịch Hào Hưng với rất nhiều thiện cảm: “Vào nhà Hào Hưng, gặp ông phán Chánh người Bắc là chủ coi công ty đó, nên sự hỏi han đường lối càng dễ. Ông ở nhà riêng phố khác, ân cần mời chúng tôi lại nghỉ ở nhà riêng của ông, chúng tôi có lại thăm ông và nói chuyện rồi cảm ơn mà về nghỉ ở khách sạn”...

Dưới đề mục số 11- Phong cảnh Ngũ Hành Sơn, Nguyễn Trọng Thuật tường tả lại chuyến đi thăm núi Ngũ Hành, qua đò Hàng Thông đến làng Mỹ Khê, thăm chùa Linh Ứng… Đan xen giữa các trang ghi chép đó là những đoạn bình sử, lược thuật di tích người Hời, người Nhật Bản, Đại Minh và công việc điêu khắc đồ đá mỹ nghệ: “Ngũ Hành Sơn là một chòm núi bằng đá hoa lô nhô… Chòm núi ấy có năm quả lớn gần nhau, người ta lấy tên năm vị sao kinh tinh là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ mà đặt tên cho từng quả một mà tóm gọi là Ngũ Hành Sơn. Quả núi có thắng cảnh cho khách đến xem là Thủy Tinh Sơn, tên nhà chùa gọi là Phổ Đà Sơn. Núi ở liền chân bãi bể, lên một đường xuống một đường. Cũng không cao lắm. Núi có hai cảnh chùa, cũng gọi là chùa Non Nước hay là Linh Ứng. Đường lên vòng vào chùa trong trước rồi mới ra chùa ngoài. Hai chùa có một vị sư trụ trì gọi là tăng cang (tăng cương) và mấy chú tiểu. Chùa trong có ba gian nhà ngói thờ tổ và sư ở, còn Phật thì thờ ở động trên núi”…

Ngay trong chiều hôm ấy, Nguyễn Trọng Thuật cùng nhóm bạn tiếp tục thong dong dạo chơi nơi phường phố. Dưới đề mục số 12- Dạo xem thành phố Cửa Hàn, nhà văn phác thảo cảnh phố xá và kể lại chi tiết chuyến viếng thăm cổ viện Chiêm Thành: “Chúng tôi xem khắp cả mà xem kỹ lắm, không khỏi thán phục cái tài kiến trúc và chạm đá… Song có thể biết được cái cớ sở dĩ có văn hóa, có kỹ xảo như thế mà đến nỗi quốc vong chủng diệt, là vì những cái văn hóa kỹ xảo ấy chỉ là cái của đặc biệt dùng về tôn giáo hoặc cung cho quý phái mà thôi. Còn toàn thể dân trí dân sinh thì vẫn ngu hèn bần khốn, chưa từng khai hóa gì. Cho nên nhất đán chỗ then chốt hư hỏng thì toàn thể đổ nát hết không sao vãn hồi được nữa”...

Như vậy, du khách đến với Đà Nẵng không chỉ được lên non cao Bà Nà nghỉ dưỡng, qua Ngũ Hành Sơn thăm ngôi chùa cổ, xuống biển Mỹ Khê giỡn sóng… mà còn được thăm bảo tàng Chàm, bâng khuâng mơ tưởng theo dấu cũ người Hời, tháp cổ ngấn rêu đá mốc, dinh thự bia mờ nét chữ. Hy vọng với công sức của nhiều người, rồi đây chúng ta có thể xuất bản được bộ sách sưu tập “Du ký Đà Nẵng nửa đầu thế kỷ XX” thật phong phú, dày dặn, ngõ hầu giúp cho muôn người bốn phương thêm nhớ thêm yêu đất trời Đà Nẵng.
NGUYỄN HỮU SƠN
;
.
.
.
.
.