.

Đưa cây xanh vào nhà

.

Khi diện tích sân vườn nhỏ hẹp hoặc không có, người ta sẽ đưa cây xanh vào nhà để có được một cảnh quan thiên nhiên thu nhỏ, cải thiện môi trường sống và điều chỉnh luồng khí.

Hài hòa với không gian sống

 

Mô tả ảnh.
Ông Lê Văn Thu giới thiệu về cây nắp ấm-một loại cây có thể treo ở khu vực cửa sổ đang được nhiều người thích trồng.

Theo những nghệ nhân chuyên tạo dáng hoa, cây cảnh, cây xanh trang trí nội thất nên là những loại cây xanh tốt, có nhiều mầm lộc phù hợp với môi trường sống, ít ánh sáng trực tiếp và chịu bóng râm. Nên tránh các loại cây thô nhám, xù xì, gai góc.

 

Tùy theo kiến trúc của ngôi nhà và sở thích của gia chủ để có những vị trí đặt cây xanh nhất định. Xu hướng chung nên đặt cây xanh vào những vị trí nhiều ánh sáng, khoảng trống của ngôi nhà hoặc những nơi mà bạn muốn che khuất tầm nhìn hoặc làm điểm nhấn, nhưng cần hài hòa với không gian. Trước hết, cần chọn những cây xanh có thể phù hợp với môi trường bóng râm như lan ý thảo, đại phú, kim phát tài, vạn liên thanh, bạch mã hoàng tử, cau Hawaii, trúc Nhật, lục đế vương, nhân hậu, lan chi, thanh xuân, một số loại xương rồng... để trang trí ngôi nhà. Các khu vực gần cửa sổ là nơi thích hợp để đặt chậu cây hoặc treo những giò hoa, cây có lá rủ như dương xỉ đá, cỏ lan nhi, thài lài tím.

Theo các sách hướng dẫn về phong thủy, những sắc xanh, đỏ và vàng tượng trưng cho mùa xuân – hè của các loại hoa, cây cảnh là những gam màu kích hoạt nguồn khí. Ông Lê Văn Thu, chủ một điểm cung cấp và trang trí cây xanh ở số 2 Nguyễn Văn Trỗi cho rằng, ở những không gian đối ngoại như tiền sảnh hoặc phòng ăn thường chọn đặt các cây có dáng cân đối, bề thế. Ví dụ chậu mai thế hay quất đào ngày Tết thường được đặt ở không gian tiền sảnh; chậu phát tài đặt ở góc phòng khách hoặc phát tài núi đặt ở đầu cầu thang đều là những cây có dáng đẹp, hoa tươi đem lại điều tốt lành.

Các căn phòng nhỏ, chật hẹp chỉ nên đặt những chậu cây thật nhỏ như cúc, lan, xương rồng, bỏng nước, chậu hoa trà nhỏ... để tiết kiệm diện tích. Các không gian riêng như phòng ngủ, phòng làm việc, thiên về tĩnh, nên cây trồng có tính trang trí, không phải làm cho không gian tưng bừng sắc hoa lên, có thể trang trí bằng cây bonsai hoặc xương rồng, và chỉ đặt một chậu cây thật nhỏ nếu cần thiết vì nếu không, chúng sẽ hút hết oxy dành cho người. Đối với không gian bếp, có thể bố trí những cây nhỏ gọn, tránh vướng víu và có tác dụng khử mùi, giảm khói như dương xỉ. Phòng ăn nên đặt một số chậu cây có sắc màu vui tươi kích thích tiêu hóa như tía tô cảnh, đỗ quyên, hoa lá đỏ.

Ở những nơi có nhiều người đi lại như hành lang, cầu thang cần trồng những cây nhỏ, ít gai nhọn hay cành chĩa, thân lá gọn và không vướng víu như trúc quân tử hay trúc Nhật hoặc hoa, cây bụi thấp mềm mại không che khuất tầm nhìn và cản trở di chuyển.

Chọn cây - chọn may mắn

Các nghệ nhân và người bán cây đều cho rằng khi tạo giống và đặt tên các loại cây để trang trí người ta luôn cân nhắc để hướng đến yếu tố may mắn. Và những tên cây được giải thích tương ứng với hình dáng, xuất xứ, đặc tính của cây, có sự sắp xếp hệ thống để khách hàng cảm nhận và lựa chọn.

Thông thường cây được chia làm 3 bộ: Bộ tứ quý là tùng, trúc, cúc, mai; ứng với tứ bình tứ thời xanh tốt: xuân tùng, hạ trúc, thu cúc, đông mai. Bộ tứ linh là đa, sung, sanh, si trồng hoặc đặt ở ngoại thất (thường ở các cửa, sân nhà). Bộ tam đa vạn tuế (hoặc thiên tuế, thanh tuế, sơn tuế...), lộc vừng, sung (đang ra quả), ứng với phúc, lộc, thọ, đều được đưa vào nội thất. Bộ tứ quý bày trong nhà: mặt trước là nam quân tử (tùng, trúc), mặt sau là nữ khuê phòng (cúc, mai).

Hiện nay tại Đà Nẵng đang thịnh hành hai loại cây trang trí nội thất là kim phát tài và đại phú. Cái tên này biểu tượng cho sự may mắn, hưng thịnh và theo một nghệ nhân chuyên về hoa, cây cảnh ở Đà Nẵng, ngoài yếu tố tên cây thì điều cơ bản là những loài cây này khá dễ trồng, dễ chăm sóc và phù hợp với nhiều không gian ở nhà rộng cũng như nhà có diện tích vừa phải.

Mấy năm trước đây, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) đã thử nghiệm nhiều loại cây cảnh để xác định cây nội thất hay ngoại thất. Theo đó hai loại cây trúc Nhật và thiết mộc lan là những cây nội thất về đêm, hai cây này thu hút khí cacbonic và nhả khí oxy, làm tăng dưỡng khí, điều tiết và làm sạch không khí. Do vậy, khi chọn mua cây để trang trí, khách hàng nên tham khảo ý kiến của các nghệ nhân và người bán để hiểu được ý nghĩa loại cây, đặc trưng từng loại để vừa bảo đảm sức khỏe và hài hòa với không gian sống.

Hiền Lương

;
.
.
.
.
.