.
Giới thiệu sách

Sắc ấm của vàng hoa cải

.
Nhận tập sách * của người bạn văn, nơi xa, những trang viết như một người dẫn đường lặng lẽ, ân cần đưa ta về với quê nhà. Quê nhà, những đêm sâu giữa mộng không tròn, chợt hiện ra. Như trên cây cầu vồng, với những sắc ảo mà thực.
 
Mô tả ảnh.
Đầu tiên, là cái sắc vàng mà Đình Quân đã đem tấm lòng mình ra “che bóng nắng một tí để sắc vàng bớt chói chang”(Cây vàng bạc). Nhiều màu vàng lắm: Bến sông vàng, Vàng hoa cải, Mùa hoa sưa vàng, Hoa cúc vàng, Cội mai vàng… Tôi cứ ngỡ: Tác giả chọn cho mình màu vàng bên cạnh màu xanh, như là hai sắc chủ đạo trong tâm thức của anh: Cây lá còn xanh, Vườn xanh, Vườn xanh trong phố. Cả trong Vườn xuân, Cây khế vườn xưa, Cây đa bến cũ lở bồi… cũng phảng phất xanh. Nhưng không phải: những tiểu mục tiếp theo, dần dần hiện ra cả màu Đỏ và màu Tím nữa. Tôi hơi tham lam mà nghĩ rằng, sao anh không thêm vào một màu Trắng nữa nhỉ? Màu của không màu…

Nhưng… thôi vậy: đằng sau chừng ấy màu sắc, còn có bao nhiêu những tiếng động, ánh sáng, mùi hương… Nghĩa là, Tam Kỳ, Quảng Nam. Cũng nghĩa là: Cuộc Đời, với vô vàn thanh âm - cung bậc. Anh nói: “Tôi chỉ góp nhặt trong lớp sóng thời gian những hạt bụi khô gầy mỏng mảnh mà trên đường đi tôi vô tình bỏ quên”. Tôi không nghĩ tác giả vô tình, bởi vì, dẫu cho có lúc anh đã Tưởng bỏ lại sau lưng mình tất cả nhưng rồi, anh lại tiếp tục truy vấn chính mình: Hỏi lòng còn đủ cháy một đời không?

Trong cuộc rong chơi với chữ nghĩa. Hạnh phúc - khổ đau là điều không  có thực; nó có, chẳng qua vì con người cứ tưởng là nó tồn tại: Tôi luôn tự vấn mình: đời hoa cũng như đời người. Hễ cái gì cố sức tìm kiếm ắt khó thành, hãy để lòng thanh thản, tâm an nhiên như hoàng cúc không cần phô phang đỏng đảnh mà hoa vẫn thắm tươi là vậy. (Hoa cúc vàng). Tôi mừng cho bạn: Không dễ gì nhìn ra được điều này. Ấy là phảng phất cái chất thiền mà anh vẫn hằng ngưỡng vọng nhưng đó không là sự hiến dâng mang màu sắc tôn giáo mà là những sự thực của đời sống. Cái sự thực rất gần, rất giản dị nhưng không hề dễ nắm bắt…

Những nét đẹp của một thế giới cũ đang mất dần đi giữa vòng xoáy chóng mặt của đời sống hiện đại. Một bến sông quê, dăm món ăn thân thuộc quê mùa, những câu hát giữa đồng ruộng trên sông nước… “Hương vị quê nhà đơn sơ ngỡ chìm sâu trong lãng quên vậy mà, nó lẩn khuất đâu đây. Bây giờ cái gì cũng có, và còn nhiều là đằng khác... nhưng sao tôi cảm giác nó không ngon bằng dĩa rau cải giản dị do tay mẹ làm”. Dẫu vô tình hay hữu ý, hình như Đình Quân đang muốn nắm giữ lại thời gian? Mà, không phải lơ đãng đâu: “Nhặt nhạnh một chút mảy may tầm thường, nhỏ nhoi, đơn sơ như nhớ về hoa cải còn hơn là không, để ta được tận hiến cho cuộc sống này dù rất đỗi mỏng manh”. Những “tầm thường, nhỏ nhoi” mà vô cùng quý giá ấy được diễn đạt với liều lượng phương ngữ có khi “đậm” một chút, với chất thơ có khi “quá” một chút nhưng hoàn toàn có thể cảm thông: Tất cả bắt nguồn từ cảm xúc thật của tình yêu chân thành. Với đất mà anh lớn lên. Với người mà anh yêu mến. Lòng yêu mến ấy, có lúc được đẩy tới cực đoan, “theo” cái khí chất Quảng: “Nếu nhìn kỹ ta còn nhận thấy: không nơi đâu có sinh hoạt tôn giáo đa dạng như Tam Kỳ. Khoảng hơn 4km trên trục thiên lý Bắc - Nam lại dày đặc chùa chiền, nhà thờ, thánh thất, đền thờ, miếu mạo... đến thế” (Hồn phố)… Cái nhược ấy, lại dẫn đến cái “hay” của cách nói Quảng: Có những câu kết thúc bài viết khá bất ngờ, làm nên  cái duyên riêng, là yếu tố gây thú vị cho người đọc: “Mây dày che đỉnh Bà Nà làm sao ta thấy hết?”(Mây Bà Nà). Cũng là lối chấm dứt bằng một câu gãy gọn khác: “Tôi nhận ra: Xung đột trong lòng là dữ dội nhất!” (Tiếng động). Đình Quân làm thơ, nên tôi hơi ngạc nhiên: Tại sao tác giả lại “quên” sử dụng kỹ thuật của thơ: Tạp bút, tản văn, với lợi thế  “biến ảo”, nó có thể huy động được nhiều kỹ thuật viết, nhất là của thơ. Tất nhiên, là phải tạo được sự liên kết nội tại giữa những phần có vẻ rời rạc với nhau…


Đặt tập sách của bạn lên bàn, thấy hiện lên sắc ấm của vàng hoa cải. Ấm chân tình. Của Người. Của Đời.

Nguyễn Đông Nhật
* Vàng hoa cải-tản văn, tùy bút của Đình Quân-NXB Văn học-tháng 1-2011.
;
.
.
.
.
.