“Một cá nhân hay một dân tộc biết chạy đua theo thời gian có thể làm nên những kỳ tích đổi đời, thay đổi diện mạo đất nước; ngược lại nếu không có ý chí tranh đua với thời gian, không có nỗ lực vươn lên thì sẽ bị lịch sử bỏ lại đàng sau”.
Tôi chưa đủ thời gian đọc hết cuốn sách, nhưng từ mục lục giới thiệu ở những trang đầu, tôi biết những bài viết của ông đã được đăng trên nhiều báo, tạp chí trong nước trong mấy năm qua. Đặc biệt, thông qua các trang web như http://www.erct.com/2, http://www.f.waseda.jp/tvttran/ hay viet-studies.info, nhiều người chúng ta có lẽ đã được đọc trước một phần của cuốn sách. Nói như Giáo sư Chu Hảo trong lời giới thiệu, “sẽ là hết sức bổ ích nếu độc giả có thể dành thời gian đọc hết cuốn sách này để chia sẻ với tác giả tình yêu quê hương - đất nước và sự hữu trách của sĩ phu thời nay đối với vận mệnh của dân tộc”.
Sự nghiệt ngã của thời gian chính là những cơ hội đã bị bỏ qua không thương tiếc đối với những ai không nắm bắt được nó. Sự nghiệt ngã đó khi được nhìn lại có giúp tạo ra một phản tỉnh để tránh vết đổ cũ để vượt lên? Câu hỏi dành cho một cá thể công dân đã là khó, dành cho một nhà quản lý hay một cộng đồng lại càng bức bách hơn. Đọc những bài viết của Giáo sư Trần Văn Thọ, chúng ta còn thấy: Những vấn đề mang tính học thuật đã được ông diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ bình dị, mà ở đó cả những nhà trí thức lẫn bình dân cũng có thể hiểu được (Năng lực xã hội và bút ký thời sự). Khi viết, ta có cảm giác nhà kinh tế có một sự tích lũy thấm đậm vốn liếng văn hóa và văn học dân tộc (Khí khái người xưa và bản lĩnh thời nay).
Nếu phần Năng lực xã hội cũng có độ dày 1/7 cuốn sách như nhiều phần khác của cuốn sách, thì chúng ta thấy ở đây tác giả đã gửi gắm một thông điệp quan trọng từ kinh nghiệm duy tân, hiện đại hóa của Nhật Bản về cả những vấn đề thuộc văn hóa và đạo đức. Điều quý giá là các bài học Nhật Bản trong những dẫn dụ mà tác giả nêu lên vẫn có tính thời sự bức bách đối với Việt Nam thời nay mà ông đã nhấn mạnh đó trước hết là tích lũy từ trình độ giáo dục, đào tạo của người dân cùng các yếu tố gắn kết khác giữa các thành phần trong xã hội...
Là một nhà nghiên cứu, hai phần quan trọng trong cuốn sách Tầm nhìn thời đại và chiến lược phát triển, Việt Nam và thời đại Đông Á đã đặt ra những vấn đề cốt lõi cho các chính sách kinh tế đất nước từ sau đổi mới. Đổi mới là một cái mốc đã bị vượt qua. Giờ đây, chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề khác trên đường phát triển. Từ những chọn lựa cán bộ, vấn đề đặc quyền đặc lợi, sự thiếu mạnh dạn trong cải cách, vấn đề đổi mới cơ chế... cho đến công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu lao động. Có những vấn đề liên quan đến mối tương tác của Việt Nam trong bối cảnh Đông Á, APEC, WTO... Theo đó, cơ cấu xuất khẩu bị cố định hóa trước trào lưu mậu dịch tự do hoặc khái niệm “nước có thu nhập trung bình” đang là những cái bẫy mà Việt Nam đang đối diện... Giáo sư Thọ đã nêu ra những vấn đề mang tính cảnh báo đó trong bối cảnh kinh nghiệm của nhiều nền kinh tế mà ông từng nghiên cứu, đã tạo ra sức thuyết phục và làm “giật mình” nhiều bạn đọc có sự quan tâm.
Giáo dục: Ý kiến cũ mà vẫn mới là một phần khác quan trọng của tác giả, qua đó ông muốn gửi đến người đọc, đặc biệt là các nhà quản lý giáo dục những vấn đề mấu chốt mang tính chuẩn mực trong giáo dục nói chung và đào tạo đại học, trên đại học nói riêng; sự gắn kết giữa giảng dạy và nghiên cứu; những bất cập trong đào tạo nghề; mục đích và thực chất đào tạo tiến sĩ... Sự quan trọng của giáo dục đã được tác giả gửi gắm vào bài viết Một trăm bao gạo vì sự nghiệp giáo dục, kể chuyện một lãnh đạo cấp tỉnh ở Nhật cách đây 140 năm (giao thời giữa thời Edo) đã không phát số gạo do một tỉnh lân cận tặng mà dành cho tu sửa trường học. Nhờ chính sách coi trọng giáo dục đó, thời Minh Trị đã thừa hưởng một trình độ dân trí cao cho duy tân đất nước Nhật...
Đọc cuốn sách của Giáo sư Trần Văn Thọ, nhất là phần về giáo dục, tôi liên tưởng đến phát biểu của một trí thức Quảng Nam khác, Nhà toán học - Giáo sư Hoàng Tụy trong diễn từ tại lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh 2011 vừa qua: “Chừng nào giáo dục còn yếu kém, tụt hậu như hiện nay thì dẫu có tăng trưởng kinh tế giữ được tốc độ 7-8%, thậm chí 10%/năm chăng nữa, đất nước cũng vẫn mãi mãi lẹt đẹt sau thiên hạ. Muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, muốn chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu mà để giáo dục yếu kém thì chỉ là nói suông...".
Suy cho cùng do lĩnh vực nghiên cứu và cách nói có khác nhau, nhưng cả hai vị giáo sư người Quảng đã gặp nhau trong quan điểm của mình là lấy giáo dục làm gốc. “Sự nghiệt ngã của thời gian”, vì vậy cũng là một cảnh báo mang tính thời sự khá cấp bách cho mọi người.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
(*) Việt Nam từ năm 2011, vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian, Trần Văn Thọ, NXB Tri Thức, Hà Nội 2011