Các khâu thủ tục tiếp nhận phụ nữ nghèo đến khám và điều trị tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng được rút gọn đáng kể từ năm nay. Thêm vào đó, ngoài việc giảm từ 80 - 100% viện phí, bệnh nhân nghèo nếu phải truyền máu cũng sẽ được miễn phí hoàn toàn cho dịch vụ này. Bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh (PN&TENBH) thành phố cho biết như vậy.
Khám bệnh cho phụ nữ nghèo. Chị Thương (ngoài cùng) tại khu vực chờ khám. |
Trong khi đó, tại khu nội trú, chị Bùi Thị Minh Hiền (sinh năm 1984), tổ 23, Thuận Phước, Hải Châu đang ngập tràn hạnh phúc khi mẹ tròn con vuông sau ca vượt cạn thành công. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, mấy triệu đồng cho một ca mổ đẻ thông thường đã được giảm chỉ còn chưa quá 300 nghìn đồng…
Chị Thương, chị Hiền là hai trong số hàng trăm chị em nghèo được nhận các chế độ ưu đãi của bệnh viện trong thời gian qua. Năm 2010, bệnh viện đã miễn, giảm viện phí cho 546 chị em nghèo với số tiền trên 106 triệu đồng; trợ cấp viện phí cho 73 chị với số tiền trên 142 triệu đồng. Trong số này, có các chị là cựu Thanh niên xung phong. Bà Nguyễn Thị Vân Lan cho biết: “Cứ ung thư mà đặc biệt nghèo hoặc nghèo thì được miễn 100%; với các bệnh khác, kể cả sinh đẻ được giảm 80% chi phí khám, chữa bệnh. Đó là phương châm hoạt động của bệnh viện”. Theo bà Vân Lan, đây là điều hết sức nhân đạo mà chỉ Đà Nẵng mới có.
Rút gọn khâu xét thủ tục miễn, giảm Chị Thương tự nhận mình là người “nhà quê”, nên lo nhất là sợ lóng ngóng khi làm các thủ tục rườm rà. “Được cái ở đây làm cũng lẹ, cứ đưa giấy vô là họ nhận bình thường”, chị Thương nói. Theo bà Vân Lan, thay vì phải viết đơn thư trình bày và được Hội ký duyệt trước khi chuyển qua bệnh viện như những năm trước, hiện nay Hội Bảo trợ PNTE&NBH đã khoán tất cả các khâu cho bệnh viện tự giải quyết. Bà Nguyễn Thùy Trang, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Bệnh viện Phụ nữ cho hay: “Không chỉ có người nghèo mà người vừa thoát nghèo cũng được nhận các hỗ trợ tương tự. Vì thế, bệnh nhân thuộc đối tượng ưu tiên, chỉ cần trình thẻ Bảo hiểm y tế người nghèo (Mã đối tượng “HN”) và chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân là cơ bản đã đủ thủ tục”. Một vài trường hợp khác cần thêm sổ Quản lý hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (nếu có).
22 ca ung thư được chữa trị tại bệnh viện trong năm qua, con số này theo bà Vân Lan vẫn chưa phản ánh hết nhu cầu điều trị của chị em nghèo tại Đà Nẵng. Những cải cách trong thủ tục chỉ là một phần, năm nay Hội Bảo trợ PNTE&NBH sẽ phối hợp với Sở Y tế thực hiện chương trình “Khám phát hiện sớm ung thư vú và ung thư tử cung” cho phụ nữ trên địa bàn thành phố. “Các trường hợp nghi ngờ bị mắc bệnh, sẽ được giới thiệu làm xét nghiệm và có hướng điều trị. Bệnh viện luôn rộng cửa với các chị em nghèo”, bà Lan nói.
Năm 2009, sau khi sinh đứa con thứ 3, chị Đinh Thị Ngọc Nga (ảnh), ở 40 đường Phan Văn Trị, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ phát hiện bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Chồng làm thợ sắt, chị Nga có nghề may vá, gia đình thuộc diện hộ nghèo, với điều kiện kinh tế này, căn bệnh ung như gần như là một dấu chấm hết. Chị Nga phát biểu: Tôi được hóa trị tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng với kinh phí do Bảo hiểm Y tế và bệnh viện đồng chi trả. Tôi vẫn còn khỏe mạnh để tiếp tục làm mẹ, nuôi dạy các con như hôm nay chẳng khác nào một giấc mơ. |
Thu Hoa