.

Hai vai nặng gánh

.

Một thế hệ 8X gồm rất nhiều phụ nữ trẻ hiện đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở nhiều địa phương. Luôn nỗ lực trong công việc, họ tự khẳng định mình bằng tri thức và lòng nhiệt tình để vừa hoàn thành tốt công việc, vừa đảm đương trọn vẹn vai trò làm vợ và làm mẹ...

Cọ xát với thực tế

 

Mô tả ảnh.
Chị Ngô Thị Bích Vân luôn đặt mình vào vị trí của người dân để cố gắng giải quyết công việc.

Năm 2005, lớp sinh viên có học lực khá, giỏi đầu tiên của thành phố được tăng cường về các địa phương, nhận nhiệm vụ ở một lĩnh vực hoàn toàn mới: Tổ một cửa - bắt đầu được triển khai 1 năm trước đó. Công việc hành chính này càng không hề đơn giản khi năm 2007, toàn thành phố áp dụng hình thức một cửa liên thông. Áp lực công việc cũng là cách để nhiều cán bộ trẻ thử sức với chính năng lực của mình.

Chị Ngô Thị Bích Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang trải qua công việc ở tổ một cửa liên thông, ngày nào cũng đi sớm về trễ. Tiếp xúc với người dân ở khắp nơi có giao dịch, liên hệ công việc với địa phương và với chính những người lâu nay là hàng xóm láng giềng của mình càng khiến vị trí của nhân viên tổ một cửa như kiểu “làm dâu trăm họ”. Chị Vân tự đặt mình vào vị trí của người dân để cố gắng giải quyết cho xong công việc, không để bà con chờ. Với những trường hợp hồ sơ quá nhiều mà cấp huyện chưa thể làm xong theo đúng ngày hẹn, các chị chủ động gọi điện trình bày với dân, giải thích và cũng để tiết kiệm thời gian đi lại của bà con.

Hoặc nếu hồ sơ được làm sớm, chị cũng gọi điện để người dân đến lấy sớm. Chị kể, có một số người khi được thông báo hồ sơ trễ hẹn đã nổi nóng, quát tháo, lúc đó các chị phải nói làm sao cho khéo để “hạ nhiệt” họ xuống và mình cũng phải hết sức kiềm chế khi bị cảm xúc chi phối. Để giải quyết rốt ráo công việc, các nhân viên tổ một cửa phải hướng dẫn kỹ, chu đáo với dân các thủ tục, giấy tờ liên quan của một bộ hồ sơ, đó là cách làm hết trách nhiệm và trên cả trách nhiệm. Cứ cách mỗi ngày, các chị phải chuyển hồ sơ lên cấp huyện, nhận hồ sơ về. Những ngày mới thực hiện công việc ở tổ một cửa liên thông, chị Vân đã nằm mơ cả công việc. Chị bảo, cực nhưng mà vui, và có nhiều kỷ niệm vui buồn khi hằng ngày tiếp xúc với người dân, nhưng đây cũng là môi trường để mỗi người trẻ như chị có điều kiện cọ xát thực tế, tích lũy kinh nghiệm và học được nhiều điều từ công việc, từ cuộc sống mà không có sách vở nào chỉ dạy.

Với chị Lê Thị Bích Thuận, Phó Bí thư Đảng ủy phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thì 4 năm làm ở tổ một cửa, sau đó làm chuyên viên ở Văn phòng UBND phường cho chị nhiều kinh nghiệm quý trong công việc, đề xuất nhiều ý kiến hay để tham mưu cho lãnh đạo. Để làm được điều đó, tự mình phải học để nâng cao trình độ; học hỏi kinh nghiệm tiếp xúc, kinh nghiệm giải quyết công việc ở những cán bộ đã về hưu...

Và đi lên bằng sự nỗ lực không ngừng

 

Mô tả ảnh.
Chị Lê Thị Bích Thuận, Phó Bí thư Đảng ủy phường Thọ Quang và con trai.

Một điều thuận lợi với nhiều cán bộ trẻ ở địa phương là thành phố phân công công tác về chính nơi họ sinh ra và lớn lên. Lợi thế nắm rõ địa bàn, văn hóa, cách sống của người dân giúp họ giải quyết công việc tốt hơn.

Hơn 3 năm ở vị trí Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, Hòa Vang, Trần Thị Kim đã có một tác phong chững chạc khi giải quyết công việc. Kim hiểu được nguyện ước của bà con, đất quê hương mình có thể phát triển đến đâu giữa sự đi lên không ngừng của toàn thành phố. Theo Kim, trình độ dân trí ngày càng cao thì công việc càng khó, cần phải học hỏi rất nhiều, như chuyện nói với bà con như thế nào để vừa truyền đạt được chủ trương, đường lối của Nhà nước, vừa dễ hiểu và thấu tình đạt lý.

Với chị Bích Vân thì một trong những cái khó khi giữ vị trí Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của địa phương là vận động nhân dân trong giải tỏa đền bù hay quản lý xây dựng trong các khu quy hoạch; trong mỗi giai đoạn phát triển kinh tế của xã có điều chỉnh phát triển nông nghiệp hay thương mại-dịch vụ đối với từng vùng... Hay chị Bích Thuận làm công tác Đảng khi chưa bước qua tuổi 30, ở một Đảng bộ có đến 502 đảng viên mà đa số là cán bộ về hưu thì những điều học được qua công việc theo chị là một lợi thế của người trẻ, ít vấp phải sai lầm khi được những người đi trước hướng dẫn tận tình.

Với cán bộ nữ ở địa phương, thời gian của họ phải san làm đôi cho công việc và gia đình nhỏ của mình, nên sự nỗ lực phải gấp đôi. Nhưng mỗi người đều tự biết nâng cao trình độ để phục vụ cho công việc, như chị Bích Thuận hay chị Trần Thị Kim đã tốt nghiệp các lớp đại học luật, chị Bích Vân đang theo học lớp văn bằng hai môn ngoại ngữ và cao học kinh tế. Không học sẽ tụt hậu nên các chị tự đặt cho mình mục tiêu phấn đấu và nói như chị Bích Vân là học với mục đích cuối cùng là phục vụ cho dân. Với những suy nghĩ đó, những người phụ nữ trẻ ấy đã tự khẳng định mình không hề thua kém nam giới trong mọi công việc, đặc biệt là ở vị trí lãnh đạo, dù trên vai họ nặng gánh thế nào đi nữa...

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.